Áp dụng Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN:

Thêm nhiều cơ hội cho lao động du lịch

Thứ Bảy, 28/11/2015, 13:51
Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ ngày 31-12-2015. Đây là cơ hội thuận lợi cho lao động nói chung, lao động du lịch nói riêng.

Hội nhập AEC sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, tạo ra một thị trường chung, giàu tiềm năng với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD. Để thúc đẩy sự hình thành của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa 3 lĩnh vực lớn: Thương mại hàng hóa; Thương mại dịch vụ; Đầu tư, tài chính và lao động. Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau, trong đó có Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA - TP).

Theo ông Trần Phú Cường, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua triển khai MRA - TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch. Trong khu vực, sau khi hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất: Lễ tân, Buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch, Đại lý lữ hành, ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA - TP. Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA - TP có hiệu lực và chính thức áp dụng vào đầu năm 2016. Các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước sẽ được tiến hành đối chiếu với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN. Sự đối chiếu này hướng tới việc công nhận tương đương về trình độ tay nghề của lao động trong khu vực. Một hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực lao động du lịch trên cơ sở các văn bằng, chứng chỉ cũng được xây dựng. Cả người lao động và đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động đều có thể đăng tải thông tin. Nếu cung – cầu gặp nhau, hai bên sẽ có sự kết nối, thỏa thuận sử dụng lao động, bất kể đó là lao động và đơn vị sử dụng lao động của quốc gia, lãnh thổ nào. Đây là những cơ hội lớn cho lao động du lịch tiếp cận việc làm ở các nước trong khu vực.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh rằng, để tranh thủ được các lợi ích từ MRA - TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch, người lao động.  

Về lao động du lịch Việt Nam hiện nay, ông Hà Văn Siêu cho biết, thế mạnh nằm ở lao động nghề Buồng và Lễ tân. Có khoảng 60% lao động du lịch Việt Nam là lao động trong khách sạn, nhà hàng, trong đó, chiếm đa số là lễ tân và phục vụ buồng, phòng. Đây cũng là 2 nghề mà lao động Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động ở các quốc gia khác. 

Trao đổi về vấn đề dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN, một đại diện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, thực chất, trong các “rào cản kỹ thuật” có rất nhiều quy định nhằm bảo hộ cho lao động của nước sở tại. Chưa kể, trong khối ASEAN, Việt Nam vẫn là một trong số các nước gửi lao động qua các nước khác và chất lượng lao động của Việt Nam vẫn đang là vấn đề mà nhiều nước bạn chưa hẳn an tâm…

Ngọc Nguyễn
.
.
.