Thấp thỏm nỗi lo thực phẩm không an toàn dịp Tết

Thứ Sáu, 26/01/2018, 08:38
Trong tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội được dự báo ở mức rất lớn, từ thực phẩm tươi sống tới thực phẩm khô. Mặc dù TP Hà Nội đã thành lập hàng loạt đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết, nhưng nỗi lo về thực phẩm mất an toàn vẫn luôn thường trực đối với người tiêu dùng, khi thông tin về việc phát hiện các cơ sở sản xuất vi phạm ATTP càng “nóng”.


Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở vi phạm ATTP càng khiến người tiêu dùng lo lắng. Cụ thể như, ngày 17-1, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản do Trần Văn Công làm chủ tại số nhà 16, ngách 299/66 đường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai đã bắt quả tang cơ sở này đang bơm tạp chất vào tôm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 100kg tôm đông lạnh cùng nhiều dụng cụ như kim tiêm, tạp chất phục vụ cho việc bơm tôm này. Trước đó, ngày 16-1, qua kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương (cụm 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi đoàn kiểm tra đến, nhiều công nhân tham gia công đoạn cuối là đóng gói thành phẩm nhưng không đeo găng tay, không dùng khẩu trang theo quy định. Toàn bộ kho nguyên liệu, bao bì, kể cả thành phẩm đều không phân khu riêng mà để chung, dụng cụ sản xuất nhiều nấm mốc. Cơ sở sản xuất cũng không xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất...

Người tiêu dùng vẫn thấp thỏm về an toàn thực phẩm dịp Tết.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ hàng hóa thực phẩm sẽ tăng cao. Vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho biết, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, năm 2017, Chi cục đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại 367 cơ sở; kiểm tra định kỳ 360 cơ sở sơ chế, kinh doanh và chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời lấy 790 mẫu giám sát, trong đó có 85 mẫu vi phạm.

Chi cục đã gửi thông báo yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục tồn tại và truy xuất nguồn gốc theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đã tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 30 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản, kiểm tra liên ngành tại 34 cơ sở và kiểm tra đột xuất 74 cơ sở với 80 buổi kiểm tra.

Các đoàn thanh, kiểm tra đã tiến hành lấy 237 mẫu nông lâm thủy sản kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Hiện đã có kết quả kiểm nghiệm 213/237 mẫu, phát hiện 16/213 mẫu không bảo đảm an toàn, trong đó 9 mẫu nhiễm Samonella, 3 mẫu phát hiện chất cấm chloramphenicol, 1 mẫu thịt bò phát hiện tồn dư Clenbuterol vượt ngưỡng cho phép...

Song, ông Giang nhìn nhận, việc quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản còn nhiều bất cập khi đội ngũ chuyên môn còn quá ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa có.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ phân tán, một số hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng đa dạng, theo mùa vụ, thường xuyên biến động. Chính quyền cấp xã, phường chưa quyết liệt trong công tác quản lý sản xuất rau, quả, chè an toàn; quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán năm nay ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, UBND TP Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, Hà Nội sẽ huy động xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong nông sản nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.

Chi Linh
.
.
.