Thấp thỏm lo vì bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng

Thứ Ba, 18/12/2018, 08:52
Mưa lớn kéo dài vào những ngày trung tuần tháng 12-2018, kèm theo triều cường đã khiến bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị sạt lở thêm hàng chục điểm. Trong đó, điểm sạt lở nặng nhất tại các xã biển thuộc 2 huyện Phú Lộc và Phú Vang, khiến hàng ngàn hộ dân sống cảnh thấp thỏm, lo sợ bị đổ sập, cuốn trôi nhà cửa.


Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, những năm gần đây, các xã ven biển của huyện bị sạt lở với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt, vừa qua do mưa lũ, kèm theo triều cường nên bờ biển xã Vinh Hải bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài 3,3km. Do một số đoạn bờ biển bị san phẳng nên sóng biển tràn qua tuyến tỉnh lộ 21, đe dọa vườn tược trồng hoa màu và ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào khu dân cư, uy hiếp nhà cửa và tài sản của các hộ dân. Tại cửa biển Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh, cũng bị sạt lở thêm nhiều điểm với chiều dài hàng trăm mét… 

Bờ biển xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, bị sạt lở nghiêm trọng.

“Hiện người dân ở thôn 4 chúng tôi rất lo lắng khi biển xâm thực, đất đai, vườn tược, ao hồ đều bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều căn nhà ở mép biển nay cũng bị sóng ngoạm hết đất ở phần móng, buộc phải di dời đến nơi khác, vì thế tôi và các hộ dân vô cùng bất an với tốc độ biển xâm thực gây sạt lở như hiện nay”, bà Lê Thị Hồng ở thôn 4, Vinh Hải chia sẻ nỗi lo.

Ở các thôn ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), như An Dương, Tân An, Tân Trung, Xuân An cũng đang trong tình cảnh tương tự. Người dân ở thôn An Dương cho biết, do sóng to kết hợp triều cường, nước dâng nên từ ngày 8-12 đến nay, bờ biển của thôn tiếp tục bị sạt lở thêm 2km, xói sâu vào 5-8m, dù khu vực này đã được xây dựng kè chắn sóng từ năm 2015. Bờ biển thôn Tân An có nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào khu dân cư từ 10-15m, nhiều điểm lộ ra hàm ếch do hiện tượng cát sụn lún. 

Chỉ vào điểm sạt lở do sóng biển xâm thực ăn sâu vào đất liền mà ông Nguyễn Văn Được ở thôn An Dương lo lắng nói: “Cứ mỗi năm đến mùa mưa bão thì bờ biển lại sạt lở ăn sâu vào đất liền một ít. Ngày trước bờ biển cách nhà tôi đến cả trăm mét, nhưng nay chỉ còn chưa đầy 20m. Nói vậy để thấy rằng tốc độ sạt lở do biển xâm thực nhanh như thế nào. Giờ chỉ mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, chống sạt lở để bảo vệ khu dân cư nơi đây được an toàn”. 

Ông Nguyễn Khoa Hùng cùng 3 hộ dân ở xã Phú Thuận đầu tư xây dựng trang trại tôm giống nằm sát bờ biển. Sau vài vụ tôm có lãi, hiện cơ sở hạ tầng ở trang trại này đã bị sóng biển đánh sập, nhiều mảng bê tông nằm đổ ngổn ngang. 

“Chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trang trại giống này nhưng khi chưa thu hồi được vốn liếng thì bị biển xâm thực cuốn trôi mọi thứ. Chỉ lo sợ rằng, nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn sạt lở kịp thời thì toàn bộ khu dân cư, làng mạc sau này cũng sẽ bị cuốn hết ra biển”, ông Hùng bày tỏ. 

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay, hiện tuyến bờ biển đi qua địa bàn xã có hơn 6km bị sạt lở tại nhiều điểm, ăn sâu vào đất liền khoảng 25-30m. Để giảm thiểu tình trạng sạt lở, xã đã triển khai dự án xây dựng kè biển chống sạt lở khẩn cấp nhưng hiện dự án chỉ mới hoàn thành gần 500m đê kè, riêng những đoạn chưa thực hiện đang bị sóng biển gây sạt lở từng ngày, đe dọa cuộc sống người dân địa phương. 

“Ngoài các hộ dân ở thôn Tân An đã di dời trước đây do sạt lở, xã đang tiến hành rà soát, lập danh sách thống kê các hộ dân nằm trong vùng sạt lở để có phương án di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, xã cũng đang quy hoạch khu dân cư rộng khoảng 4ha dành cho gần 200 hộ dân di dời để đảm bảo vấn đề an sinh trong mùa mưa bão năm nay”, ông Tùy thông tin. 

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện địa bàn tỉnh có hơn 30km bờ biển bị sạt lở, trong đó có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 2.000 hộ dân. Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở nặng xảy ra tại các xã Phú Thuận, Vinh Thanh, Phú Hải (huyện Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Vinh Hải, Vinh Giang (huyện Phú Lộc)… không những đe dọa khu dân cư, làng mạc mà còn uy hiếp hệ thống điện cao thế và các công trình phúc lợi, dân sinh. Nhiều trại sản xuất tôm giống, đường giao thông, các bến neo đậu tàu thuyền và hệ thống kè mềm chống sạt lở bờ biển được xây dựng trước đây cũng bị sạt lở gây hư hỏng, sập đổ…

Trước tình trạng này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động khắc phục sạt lở, nhưng vì thiếu nguồn kinh phí nên việc xây các kè, đê dọc biển còn hạn chế. Từ đầu năm 2018, HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển đoạn Thuận An - Tư Hiền, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Dự án hoàn thiện sẽ bảo vệ hơn 1.300 hộ dân, 85ha nuôi trồng thủy sản, 450ha lúa của 5 xã bãi ngang ven biển. 

Ngoài ra, tại các điểm khác có bờ biển bị sạt lở nặng, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang tính toán phương án đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở lâu dài, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng ven biển...

Anh Khoa
.
.
.