Trẻ bị xâm hại – nỗi đau dai dẳng

Thứ Năm, 22/06/2017, 09:06
Luật Trẻ em vừa có hiệu lực ngày 1-6-2017 được đánh giá là đã lấp nhiều khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em nói chung và hạn chế bị xâm hại nói riêng. Tuy nhiên, để trẻ được sống trong môi trường an toàn thì còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.


Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ - (Bài cuối)

“Quản” mạng xã hội, giáo dục trong gia đình

Theo giới thiệu của một chuyên gia nghiên cứu về trẻ em, tôi lên mạng tìm một trang web của cộng đồng người đồng tính: “daugau…”. Dù đã được nói trước về sự bệnh hoạn của những người tham gia trang web này nhưng tôi vẫn bất ngờ. Tại phòng chát chung, có vô số nick name nói chuyện với nhau, chủ yếu nội dung xoay quanh chuyện chát sex, gạ quan hệ tình dục đồng giới. Sau cuộc trò chuyện trên mạng sẽ là gặp gỡ “offline” mà đối tượng dẫn dắt là những kẻ đồng tính bệnh hoạn. 

Sự tồn tại của những trang web đen, những phòng chát công cộng ấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, mức độ ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ kết bạn qua mạng xã hội, trẻ yêu sớm, bị các đối tượng kết bạn qua mạng lừa yêu đương, xâm hại… 

Luật sư Tạ Ngọc Vân, Công ty luật Tạ Vân và cộng sự cho biết, nhiều đứa trẻ bị xâm hại do tham gia vào các trang web như thế. Trong khi đó, đối tượng lập web đã dùng nhiều cách để che giấu hoạt động nên không phải ai cũng phát hiện được. 

“Trẻ em giờ 7 tuổi đã vào mạng Internet, thậm chí là nhỏ tuổi hơn. Tỷ lệ và tốc độ truy cập của Việt Nam thuộc top cao nhất thế giới. Thế nên chúng ta cần phải “dọn mạng”. Bên cạnh việc phòng ngừa xâm hại theo phương pháp truyền thống thì phải phòng ngừa cả tội phạm công nghệ cao” – luật sư Vân chia sẻ.

Trẻ em phải được vui chơi, học tập trong môi trường an toàn.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em là vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa. Những hình ảnh thiếu văn hóa, phim ảnh đồi trụy tràn lan trên Internet, hay thậm chí là một số nội dung quảng cáo trên truyền hình về các sản phẩm liên quan đến tình dục cũng phản cảm đã tác động tiêu cực đến tư duy của người xem. 

Các nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là sự giáo dục của gia đình và vấn đề thực thi pháp luật. Sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi xâm hại trẻ em. Một số đối tượng thì coi nhẹ hành vi xâm hại là do pháp luật không nghiêm. Luật Hình sự đã quy định hành vi vi phạm pháp luật đối với vấn đề này, nhưng cơ quan chức năng còn chậm xử lý. Hơn nữa, quy định của pháp luật về các hành vi xâm hại tình dục chưa cụ thể, chi tiết.

Thay đổi nhận thức để đề phòng xâm hại

Nói về biện pháp ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng: 

“Rất cần có sự thay đổi về nhận thức của gia đình và xã hội về vấn đề này. Theo số liệu nghiên cứu về xâm hại tình dục, có tới 60-65% vụ do người thân quen của gia đình xâm hại. Bởi vậy, vấn đề bảo vệ trẻ em với chính người thân cần đặt ra. Người thân có thể là quan hệ họ hàng, có thể là hàng xóm quen biết, thậm chí là người trong gia đình. Đối với người lạ, việc tiếp cận trẻ khó hơn nên vấn đề xâm hại tình dục đặt ra ít hơn. Chúng ta phải chọn lọc người gần trẻ để phòng ngừa. 

Bên cạnh đó, tâm lý chung khi xảy ra vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gia đình có mặc cảm, xấu hổ, không tố cáo với cơ quan thực thi pháp luật. Thậm chí, giữa gia đình và kẻ gây án đã có thỏa thuận. Do là người thân quen nên đối tượng có hứa hẹn sẽ đền bù nên gia đình nạn nhân không tố cáo kịp thời. Khi đối tượng trở mặt, gia đình mới trình báo thì bằng chứng đã không còn rõ ràng, khó khăn cho cơ quan điều tra xử lý đối tượng”.

 “Nhìn rộng ra, vấn đề nhận thức của xã hội cũng cần được thay đổi. Xã hội Việt Nam hiện chưa lên án mạnh mẽ những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều người còn coi nhẹ vấn đề này. Ví dụ điển hình như trường hợp của Minh Béo bị xử lý về hành vi dâm ô trẻ em ở Mỹ, khi về Việt Nam vẫn có nhiều người hâm mộ, cơ quan quản lý nhà nước không đóng cửa cơ sở biểu diễn cho trẻ em của Minh Béo. Dư luận xã hội cần tẩy chay và lên án hành vi này một cách mạnh mẽ. Bởi hành vi đó làm mất tuổi thơ, thậm chí ám ảnh suốt cả cuộc đời con trẻ” – bà Hồng nêu quan điểm.

Luật Trẻ em vừa có hiệu lực 1-6-2017 đã có tiến bộ vượt bậc, đưa ra vấn đề bảo vệ trẻ em mới mà Luật quốc tế đã đặt ra. Điển hình như: Đảm bảo quyền riêng tư của trẻ, bảo vệ trẻ trong môi trường mạng, bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, có đề cập đến biện pháp cách ly với bố mẹ (do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định), theo kịp xu hướng quốc tế. 

Thế nhưng, để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, ngoài việc điều chỉnh các quy định tại Bộ luật Hình sự thì cần phải có nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng về các hành vi vi phạm quyền trẻ em. 

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền rộng rãi để bản thân trẻ có thể hiểu được bổn phận của mình, gia đình có trẻ em biết, cả xã hội cùng biết. Phải có nhiều hình thức truyền thông để luật đến được mọi đối tượng. Tại địa bàn có trình độ văn hóa thấp, chưa tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại thì phải có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp như truyền thông nhóm, truyền thông tới tụ điểm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, đề cao vai trò của các tổ chức xã hội. Quyết định này đáp ứng sự mong mỏi của các nhà hoạt động xã hội về bảo vệ trẻ em. Hy vọng rằng, với một mạng lưới cán bộ chuyên trách về công tác trẻ em từ bộ, ngành đến địa phương, Ủy ban quốc gia về trẻ em sẽ hoạt động hiệu quả nhằm ngăn ngừa tối đa các hành vi xâm hại trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ vui chơi và học tập.

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, biện pháp phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu. Phòng ngừa trước tiên là từ gia đình: Không để con một mình tiếp xúc với người lạ, bố mẹ hàng ngày phải quan tâm đến con, trò chuyện để phát hiện bất thường. 

Tiếp theo, các cơ quan chức năng phải quản lý văn hóa phẩm độc hại, quản lý tụ điểm vui chơi (không để hiện tượng múa phản cảm trước mặt trẻ em như vừa xảy ra ở công viên Đầm Sen, TP Hồ Chí Minh vừa qua). Đối với các đối tượng nhằm vào trẻ em để thỏa mãn thú tính thì phải xử lý nghiêm để không nhờn luật. (Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam)

Trẻ em phải được vui chơi, học tập trong môi trường an toàn.
Việt Hà
.
.
.