Tạo điểm nhấn cho phố đi bộ Thủ đô

Thứ Năm, 09/07/2015, 09:28
Mỗi năm Việt Nam đón hàng triệu du khách nước ngoài đến du lịch và những con phố đi bộ như ở Hà Nội, Hội An, Nha Trang, Huế, TP Hồ Chí Minh là nơi có sự thu hút đặc biệt.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như du khách, đồng thời quảng bá thêm về hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế, tháng 10/2014 Hà Nội mở thêm 6 tuyến phố đi bộ tại phố cổ gồm Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện – Đào Duy Từ.

Đến với phố đi bộ, mọi người có thể thưởng thức điều tuyệt vời trong những ngày cuối tuần như ẩm thực, âm nhạc... cũng như những phút giây thoải mái bên bạn bè, gia đình và người yêu. Thế nhưng, “những điều trông thấy” còn khiến du khách e ngại.

“Chặt chém” giá gửi xe

Các tuyến phố đi bộ được mở từ 19h đến 24h trong 3 ngày cuối tuần và cấm các loại xe đi vào khu vực này, khách đến đây có thể gửi xe với giá 5 nghìn đồng và mỗi điểm đều có lực lượng bảo vệ mặc cảnh phục trông giữ xe. Tuy nhiên mọi việc chỉ được làm tốt trong thời gian đầu do nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. 

Do việc mở rộng thêm tuyến phố đi bộ nên lượng khách đến ngày càng đông, chỗ gửi xe có bảo vệ coi trên vỉa hè đầu mỗi đoạn đường đi bộ chật hẹp không đủ và đây là cơ hội tốt cho những bãi gửi xe tự phát mọc lên. Thường những bãi xe tự phát đó là trong nhà của người dân hoặc “thuê” vỉa hè của các của nhà hàng, hàng tạp hóa quanh đó và tất nhiên giá gửi xe cũng không hề rẻ, 15 nghìn đồng cho 1 chiếc xe đạp và 30 nghìn đồng cho 1 chiếc xe máy.

 Bên cạnh đó, một số khách chỉ tiện đi ngang qua vào rồi đi luôn chứ không có chủ ý ở lại lâu nên không gửi xe, bất chấp biển cấm và sự phản đối của bảo vệ mà đi xe vào phố đi bộ nhân lúc bảo vệ sơ ý. Việc làm đó ảnh hưởng đến người đi bộ và gây nguy hiểm vì trong những ngày này trẻ con thường đùa vui dưới đường mà không sợ có xe cộ qua lại. Ngoài ra cũng có phương tiện của nhà dân nằm trên tuyến phố đi bộ đi lại trong thời gian cấm, họ ngại dắt xe và chỉ có đoạn ngắn nên “chắc không sao”.

Xe máy ngang nhiên đi trong giờ cấm.

Rác “thích thì ném”!

Các tuyến phố đi bộ là địa điểm du khách nước ngoài tìm đến khi đến với Thủ đô, công tác vệ sinh và an ninh trật tự cũng được đẩy mạnh trong dịp cuối tuần, đây là cơ hội ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Thế nhưng, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng mắc phải lỗi nhỏ: các thùng rác không có nắp nằm rải rác bên vỉa hè bốc mùi hôi thối, hầu như các thùng rác đó không có nắp nếu có cũng không đậy lại, một số thùng rác đều đầy thậm chí rời vương vãi ra ngoài đường, ai đi qua cũng bịt mũi nhăn mặt. 

Chị Hương chia sẻ: Sạp hàng của chị hôm nay đổi chỗ chẳng may gần mấy cái thùng rác nên cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, vì không chịu được mùi nên ít có khách vào xem hàng, tối nay chị chẳng bán được là bao.

Trên tuyến phố đi bộ chợ đêm Đồng Xuân các sạp hàng nối sát nhau, trưng bày các mặt hàng như đồ thủ công, quà lưu niệm và đặc biệt là vải vóc quần áo. Đó là những thứ đồ dễ bén lửa dễ cháy và không ít người vừa đi vừa hút thuốc. Chỉ cần tàn lửa nhỏ có thể gây ra hỏa hoạn và hậu quả không thể lường trước được. Thế nhưng ,hầu hết trên tuyến phố đó không thấy các bình chữa cháy mini, giả sử có hỏa hoạn xảy ra thì ban quản lý có khống chế được đám cháy và dập lửa kịp thời hay không?

Giả du khách hành nghề “hai ngón”

Việc trộm cắp cũng thường xuyên xảy ra trong đó có nạn nhân là những du khách nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Ba, người bán nước mấy năm ở đây kể: “Bọn chúng nhanh tay lắm, người đi lại đông chỉ cần va vào nhau là cũng lấy được, hầu hết là mất ví và điện thoại. Đến khi biết là mất nhưng biết ai lấy mà kêu. Có khi tôi và nhiều người nữa nhìn thấy tên trộm nhưng không dám nói vì sợ bị trả thù. Mới hôm rồi có 2 người Tây bị mất ví lúc nào, đến khi lấy ví trả tiền nước mới biết mất, 2 người cứ ngơ ngác nhìn nhau đến tội nên tôi không lấy tiền nước nữa. Vậy mới nói chính người Việt Nam làm xấu người Việt Nam chứ ai làm xấu”.

Trẻ thích, già ái ngại

Từ khi có tuyến phố đi bộ người dân phố cổ thêm gắn kết nhau hơn, cứ đến cuối tuần mọi người lại rủ nhau đi bộ tập thể dục chia sẻ mọi thứ bàn luận về các vấn đề xã hội thế nhưng đó chỉ là niềm vui với thanh niên với những người trung tuổi còn với những cụ già hay em bé thì không vui chút nào. Sự ồn ào náo nhiệt mỗi tối cuối tuần làm đảo lộn đồng hồ sinh học đặc biệt là trên phố bia Tạ Hiện. 

Ông Hoàng Quốc Văn chia sẻ: “Năm nay tôi đã ngoài 80 nên ngủ ít mà thành phố ồn ào cũng khó ngủ, trước đây tôi thường ngủ từ 21h đến 2h sáng là tỉnh không ngủ được nữa nhưng giờ mở thêm phố đi bộ tôi ngủ muộn hơn có khi cả đêm không ngủ được” cũng đồng cảnh ngộ, chị Mai Thị Loan cho biết, chị mới sinh em bé được 6 tháng con lại khó tính hay quấy khóc, tối đến bên ngoài ồn ào chị ru mãi con không ngủ, có hôm mệt mỏi lại tức chị khóc cùng con luôn.

Bất cứ điều gì cũng có 2 mặt và không thể nào làm tốt tất cả được, tuy nhiên cũng mong các bộ phận chức năng cần quản lý chặt hơn và hạn chế tối đa những vấn đề bất cập để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế.

Trần Hiệp
.
.
.