Phòng ngừa tội phạm giết người do “mâu thuẫn kinh tế gia đình”:

Tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật

Chủ Nhật, 10/11/2019, 07:00
Tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò của các tổ chức hòa giải cơ sở là những biện pháp để giải quyết tận gốc vấn đề, hướng tới đẩy lùi, ngăn ngừa các vụ án mạng đau lòng từ mâu thuẫn kinh tế gia đình.


Theo các chuyên gia pháp lý và xã hội học, mặc dù ở mỗi vụ án, nguyên nhân dẫn đến hành động giết người thân, ruột thịt trong cùng gia đình, dòng họ  khác nhau, có thể là do mâu thuẫn đất đai, có thể là mâu thuẫn về tài sản nhưng nguyên nhân sâu xa chính là nhận thức pháp luật còn thấp và đạo đức xã hội bị xuống cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò của các tổ chức hòa giải cơ sở là những biện pháp để giải quyết tận gốc vấn đề, hướng tới đẩy lùi, ngăn ngừa các vụ án mạng đau lòng từ mâu thuẫn kinh tế gia đình.

Công an huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tuyên truyền pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số.

Phân tích nguyên nhân một số vụ án mạng đau lòng xảy ra giữa các thành viên trong gia đình vì mâu thuẫn kinh tế trong đó có vụ việc xảy ra tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm học, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, trước hết những hành vi của đối tượng là sự biểu hiện lệch lạc về nhân cách. 

Những điều nhân nghĩa, phải trái, đúng sai đã bị bào mòn trong tư tưởng, đạo đức nhận thức, lối sống của đối tượng. Có lẽ những mâu thuẫn, xung đột, hẹp hòi, đố kỵ, thù hằn đã được tích tụ từ rất lâu nhưng không được hóa giải kịp thời khiến mỗi ngày lại bồi thêm khi có những va chạm, xung đột trong sinh hoạt hay những tranh chấp về quyền lợi. Những vụ án đau lòng xảy ra phần nhiều có nguyên nhân sâu xa từ những lỗ hổng về giáo dục, về quan niệm sống, sự thiếu chuẩn mực về đạo đức. Mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. 

PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh, trước hết cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Nếu những anh chị em ruột thịt yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau, tôn trọng nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý sẽ khó xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột. 

Mặt khác, về nhận thức và ý thức pháp luật, nếu đối tượng Nguyễn Văn Đông trong vụ việc xảy ra tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng nhận thức rõ mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết, hóa giải trên cơ sở của đạo đức và pháp luật hẳn sẽ không có thảm án đau lòng đó xảy ra.

Đồng quan điểm với PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) phân tích, mặc dù ở mỗi vụ án có nguyên nhân dẫn đến hành động giết người của các đối tượng là khác nhau như ở vụ án xảy ra liên quan đến đối tượng Đỗ Xuân Hồng tại tỉnh Thái Nguyên là mâu thuẫn về tiền bạc, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội là mâu thuẫn về đất đai nhưng tựu trung lại, nguyên nhân sâu xa vẫn là ở nhận thức pháp luật và đạo đức xã hội. 

Khi nhận thức pháp luật hạn chế, đạo đức xã hội xuống cấp dẫn tới các mâu thuẫn dù nhỏ nhất cũng không được giải quyết dứt điểm để bùng phát hành vi giết người của các đối tượng.

Một nguyên nhân khác cũng cần được nói đến đó là hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở. Hiện nay, ở bất cứ địa phương nào cũng có đầy đủ các thiết chế như ban hòa giải, tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận Tổ quốc... Các mâu thuẫn không phải bộc phát xảy ra mà đều có quá trình tích tụ qua những trận cãi vã, thậm chí xô xát trước đó. Vấn đề là, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cơ sở có nắm được không và nếu đã nắm được thì đã tiến hành xử lý triệt để nhằm ngăn chặn “ngòi nổ” xung đột hay chưa? 

Như vậy, ngay tại cơ sở, nơi phát sinh những xung đột, mâu thuẫn, các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương ở đó phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc nắm tình hình nội bộ nhân dân. Khi phát hiện những điểm nóng về xung đột, tranh cãi bất đồng cần phải có những biện pháp hòa giải như tiến hành gặp các bên, nắm tình hình, tư vấn, khuyên răn trên cơ sở lấy đạo lý của dân tộc, chính sách pháp luật để ngăn chặn. 

Về góc độ xã hội học, chuyên gia xã hội học- TS.Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội,Viện xã hội học cũng phân tích, bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan như yếu tố tác động môi trường, nhận thức của con người bị hạn chế, sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như sự thiếu chuẩn mực trong lối sống thì các lý do dẫn tới các vụ án đặc biệt nghiêm trọng còn chịu tác động bởi những hiệu ứng có tính chất lan truyền. 

Cuộc sống nhanh, kéo theo nhiều áp lực khiến cho con người cuốn vào vòng xoáy không đủ tỉnh táo để nhìn nhận đúng sai, khi có mâu thuẫn dễ nảy sinh những vụ việc đáng tiếc... Bên cạnh đó, nhiều tội phạm là nạn nhân của sự ám ảnh và truyền bá bạo lực. Khi con người bị dồn ép, áp lực quá nhiều đặt trong một môi trường sống với đầy rẫy những bạo lực thì họ dễ nảy sinh bạo lực. 

Do đó, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc trên cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt, các cấp chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ đúng sai, phải, trái... thì những vụ việc đáng tiếc như trên mới có thể được ngăn chặn. 

Đồng thời, chúng ta cần xem xét lại các yếu tố luật, phải đảm bảo pháp luật luôn nghiêm minh, có sự cập nhật theo kịp xu hướng phát triển của xã hội, có tính răn đe, giáo dục con người ở mức cao nhất... để hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Vụ án đau lòng từ tranh chấp tài sản

Ngày 9-11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Quý (SN 1993, trú tại khu 7, xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) về hành vi giết người. Quý là đối tượng gây ra vụ trọng án vào ngày 8-11, nạn nhân là ông Nguyễn Ngọc Tân (SN 1962, trú tại Mạn Lạn), cha đẻ của Quý, nguyên nhân bắt nguồn từ việc mâu thuẫn gia đình và tranh chấp tài sản. 

Trước đó, khoảng 18h45 ngày 8-11, Nguyễn Hữu Quý đã đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Ba tự thú và khai nhận hành vi phạm tội. Thông tin ban đầu xác định vài tháng trước, do mâu thuẫn, ông Tân đã đuổi vợ chồng Quý và vợ ra khỏi nhà. Quý cùng vợ con và mẹ đẻ vì thế phải đi ở nhờ nhà của một người quen ở xã bên cạnh. 

Đến khoảng 7h ngày 8-11, khi thấy ông Tân đi làm thuê ở vườn chuối gần nhà, Quý đã tìm đến để nói chuyện nhưng hai bố con tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Ông Tân sau khi chửi Quý đã dùng súng mang theo người đuổi theo con trai đến bãi đất trồng rau và chuối. Trong quá trình này, Quý đã giằng được súng và bắn bố đẻ tử vong. 

Hiện vụ án đang được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý theo thẩm quyền.                        

X. Mai

Nguyễn Hương
.
.
.