Tạm dừng nhập trái cây Australia, người tiêu dùng Việt ăn gì?

Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:25
Như Báo CAND đã thông tin, từ ngày 1/1/2015, cơ quan hữu quan đã tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia. Tuy nhiên, việc tạm dừng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trái cây Việt Nam kể cả trong dịp chào đón Tết Nguyên đán, khi mà lượng tiêu thụ trái cây tăng cao.
>> Từ 1/1/2015, tạm dừng nhập khẩu hoa quả từ Australia

Do dịch ruồi giấm Địa Trung Hải bùng phát tại Australia, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm dừng nhập khẩu trái cây từ nước này.

Theo Cục BVTV, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trái cây cao cấp tăng mạnh nên lượng trái cây nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc tăng khá mạnh. Trong đó, hàng năm Việt Nam nhập khẩu một số lượng lớn nho và cherry từ Australia. Tuy nhiên, việc tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia không gây nhiều tác động đến các doanh nghiệp cũng như thị trường trái cây nhập khẩu trong nước.

Cụ thể, theo số liệu, xuất khẩu rau quả từ Australia sang Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 40 triệu đôla Australia, trong đó nho chiếm đến 32 triệu đô la. Con số này cho thấy: Sản lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ Australia chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng lượng trái cây nhập khẩu và hoàn toàn có thể thay thế bằng các thị trường khác như New Zealand, Chile, Mỹ, Canada...

Trước lo ngại về việc trái cây nhập khẩu sẽ tăng giá do tác động của việc tạm nhập, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, quyết định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trái cây của Việt Nam. “Vào dịp Tết Nguyên đán người Việt Nam thường chuộng các loại trái cây truyền thống hơn là trái cây nhập khẩu”, ông Hồng cho biết thêm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Phát triển Sản phẩm Việt, một trong những doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu trái cây tại khu vực phía Bắc cho hay, tại thời điểm này, hầu hết nho được nhập từ Mỹ, Chile…

Từ khoảng tháng 3 hằng năm, vào chính vụ nho Australia, Việt Nam mới nhập khẩu nhiều nho từ nước này. Theo doanh nhân này, thông tin tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia được thông báo từ sớm nên các doanh nghiệp nhập khẩu đã có thời gian để chuẩn bị cũng như tìm nguồn hàng từ các nước khác. Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng nhập cherry từ New Zealand. So với năm ngoái, năm nay, giá cherry tăng cao nên các doanh nghiệp cũng thận trọng, chỉ nhập số lượng vừa phải, phục vụ cho những “Thượng đế” sành ăn và… có điều kiện.

Sau lệnh tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia, các doanh nghiệp tìm thêm thị trường nhập khẩu trái cây mới. (Ảnh minh họa).

Cũng theo đại diện Công ty CP phát triển Sản phẩm Việt, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu táo từ New Zealand, Mỹ, Canada, lượng nhập từ Australia thấp. Như Công ty Sản phẩm Việt: 99% táo nhập từ New Zealand, vì táo New Zealand có giá cạnh tranh hơn. Khi các doanh nghiệp nhập táo từ nhiều nước khác nhau cũng khiến giá mặt hàng này giảm. Thêm nữa, thời gian qua táo nhập khẩu từ Canada và Mỹ đã giảm giá khoảng 20% so với năm 2013 sau những lệnh trừng phạt kinh tế qua lại tại châu Âu.

Vừa qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục BTVT và các đơn vị hữu quan thuộc Bộ NN&PTNT. Hai bên đã thống nhất giao cho cơ quan kiểm dịch của hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho các sản phẩm trái cây Australia để sớm nhập khẩu trở lại vào thị trường Việt Nam.

Chi Linh
.
.
.