Tái diễn hủ tục “cầm đồ, thuốc độc” ở Quảng Ngãi

Thứ Hai, 08/12/2014, 10:14
Theo Công an huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi), chỉ tính năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 7 vụ nghi kị cầm đồ, thuốc độc, tăng hơn thời gian cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, bất đồng trong cuộc sống, lợi dụng nhận thức của người dân còn thấp, quá tin vào các tập tục mê tín dị đoan...

Trước tình trạng trên, Công an huyện Tây Trà đã tăng cường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Câu chuyện của bà Hồ Thị Út, trú ở thôn Trà Niêu, xã Trà Phong (Tây Trà) là ví dụ điển hình. Do mâu thuẫn gia đình, bà Út bị con dâu tung tin có cầm đồ độc. Bà kêu oan, nhưng dân làng không tin nên suốt một thời gian dài bà bị ruồng bỏ, bị đe dọa giết chóc. Trước tình hình trên, Công an huyện Tây Trà phối hợp với Công an xã Trà Phong và cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, giải thích cho bà con thôn bản biết, chuyện đồ độc là không có; đồng thời phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con… Nhờ vậy, bà Út đã được “giải oan”…

Bà Hồ Thị Út, trú ở thôn Trà Niêu, đã được giải oan sau khi bị con dâu vu khống có “đồ độc”.

Tệ nạn cầm đồ thuốc độc là hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận bà con người Cor, Hre, Ca Dong sinh sống từ bao đời nay trên địa bàn vùng cao Tây Trà. Theo quan niệm truyền miệng của bà con, khi nói đến “đồ độc” là đụng chạm đến điều gì đó hết sức huyền bí, ghê gớm, kéo theo sự chết chóc. Để có “đồ độc”, những bậc thầy sử dụng “cầm đồ” phải rất công phu. Có người cho rằng phải có râu mép của hổ, nhét vào măng tre lâu ngày trở thành những con sâu, rồi nuôi những con sâu này bằng lá rau răm, chúng sẽ thải ra phân. Phân của sâu qua làm phép sẽ biến thành “đồ độc”. Người có đồ độc muốn giết ai chỉ việc vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa hoặc cho ăn, uống người bị “đồ” sẽ chết… Hậu quả mỗi vụ “đồ độc” rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đến tình hình ANTT và mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân…

Thiếu tá Huỳnh Tấn Vũ, Phó trưởng Công an huyện Tây Trà cho biết: “Nạn nghi kị đồ độc có tác hại rất lớn, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tạo nên sự kì thị, xa lánh. Ngoài ra một số đối tượng thầy cúng, thầy bói lợi dụng mâu thuẫn để trục lợi”. Để xóa bỏ tình trạng nghi kị cầm đồ, thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số, Công an huyện Tây Trà đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội đoàn thể, vận động người uy tín tham gia; các hội đoàn thể phát động hội viên cam kết gia đình không có người nghi kị cầm đồ thuốc độc. Đối với các vụ nghi kị cầm đồ, thuốc độc, Công an huyện tập trung xác minh làm rõ nguyên nhân, tổ chức họp dân để tuyên truyền vận động để người dân hiểu, không để hậu quả xấu xảy ra. Với những giải pháp đồng bộ, tình trạng nghi kị cầm đồ thuốc độc ở huyện vùng cao Tây Trà đã từng bước bị xóa bỏ, góp phần đem lại sự bình yên, no ấm ở mỗi bản làng...

Trà Câu
.
.
.