Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo

Thứ Năm, 27/09/2018, 07:31
Là công vụ tài chính hiệu quả hướng đến phụ nữ nghèo, song hoạt động tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam vẫn còn manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Đây là nhận định được đưa ra bàn thảo và góp ý tại Hội thảo “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam”, diễn ra sáng 25-9 tại Hà Nội.


Đòn bẩy thoát nghèo

Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào năm 2017 đi cùng với sự gia tăng thu nhập mạnh mẽ đối với các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập. Đóng góp vào thành tựu chung của cả đất nước là những nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, trong đó hoạt động TCVM - công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu khi hướng tới nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.

“Trong những năm qua, hoạt động TCVM tại Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Với các điều kiện vay vốn hết sức ưu đãi, không cần tài sản thế chấp, thu tục đơn giản..., công cụ TCVM được xem là "đòn bẩy" giúp người phụ nữ tự tin thoát nghèo và tham gia tích cực hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, PGS. TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định.

Hiện nay, phụ nữ  Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, với tỉ lệ cao gần 50% lực lượng lao động, chiếm 50% dân số, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tài chính vi mô cần thiết kế sản phẩm theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho các thành viên.

Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp lên tới 63,4% so với 57,5% nam giới. Có thể nói, phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp.

Con số này chỉ ra sự cần thiết của các dịch vụ TCVM đặc thù được thiết kế và phân phối dành riêng cho nhóm đối tượng này. Các tổ chức TCVM cũng có nhiều lý do để tập trung vào nhóm khách hàng phụ nữ, ví dụ như tỷ lệ hoàn trả nợ ở nữ giới thường cao hơn so với nam giới.

Phụ nữ có xu hướng đầu tư chi tiêu cho các khoản mục mang lại lợi ích lâu dàicho gia đình, ví dụ như giáo dục hay chăm sóc sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thu nhập tăng thêm từ các hoạt động kinh doanh vi mô thường được người phụ nữ đầu tư trước hết vào các hoạt động giáo dục con cái, trực tiếp đem lại lợi ích cho các thế hệ kế cận và gián tiếp thúc đẩy thoát nghèo bền vững.

Phát triển hệ thống tín dụng vi mô

Với một quốc gia vẫn còn khoảng 9 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 7% dân số và khả năng tiếp cận tài chính của người nghèo, người có thu nhập thấp vẫn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới thì dư địa cho hoạt động TCVM còn rất lớn.

Tuy nhiên, hoạt động TCVM tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất...

Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng TCVM nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.

Bà Phạm Minh Trâm, đại diện tổ chức TCVM tình thương TYM cho rằng để tổ chức TCVM hoạt động hiệu quả thì việc hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào vốn vay mà còn có nhiều hoạt động nữa như tiết kiệm, quan tâm nâng cao năng lực, thiết kế sản phẩm theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho thành viên…

Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ThS. Dương Thị Ngọc Linh cho rằng cần nâng cao giáo dục tài chính cho nữ khách hàngnhằm bảo vệ quyền lợi của họ khi thamgia TCVM.

Từ góc độ pháp lý, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Nguyễn Tuyết Dương cho rằng pháp luật về TCVM chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện để khuyến khích TCVM phát triển ở Việt Nam. Do đó, cần có nghiên cứu một cách hệ thống về tác động của hoạt động TCVM đến nền kinh tế, nhằm thiết kế khung chính sách phù hợp cho hoạt động này.

Cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mô hình tổ chức TCVM từ bán chính thức sang hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật để tận dụng được nguồn lực hiện có trong các hoạt động TCVM ở Việt Nam.

Còn TS. Nguyễn Minh Thu và ThS. Lê Hoàng Minh Nguyệt đến từ Đại học Kinh tế quốc dân lại hướng TCVM đến phân khúc phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng gặp nhiều rủi ro và áp lực kinh tế trong cuộc sống. Vì vậy, cần quan tâm tới hoạt động hỗ trợ TCVM cho nhóm đối tượng này, góp vai trò quan trọng giúp họ vươnlên thoát nghèo, đạt được hiệu quả một cách tốt nhất…

Tại Việt Nam có 4 tổ chức TCVM chính thức được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Tổ chức tín dụng. Ngoài ra, có các tổ chức tín dụng khác cũng cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam, như Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Các tổ chức TCVM bán chính thức gồm khoảng 350 quỹ xã hội/chương trình/dự án hoạt động trên khắp cả nước. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, thì các chương trình/dự án TCVM có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động do nguồn tài trợ bị hạn chế.

Đồng thời, các chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước cũng có dấu hiệu suy giảm do thiếu vốn và những trở ngại pháp lý.

Theo điều tra sơ cấp năm 2014, trong số 143 khách hàng TCVM được phỏng vấn với câu hỏi “Vay vốn TCVM giúp họ thoát nghèo, ổn định ở mức nào?”, 22,6% chọn “rất tốt”, 39,6% chọn “tốt”, 25,8% chọn “vừa”, 1,3% chọn “thấp” và 10,7% “không có ý kiến”. Với câu hỏi “Ông/bà có muốn gắn bó với tổ chức TCVM trong thời gian tới không?”, trong số 159 khách hàng TCVM tham gia khảo sát, 86,8% khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó, 3,8% lựa chọn “không” và 9,4% khách hàng không lựa chọn phương án nào.

Hoạt động của 4 tổ chức TCVM do NHNN cấp phép hoạt động có sự tăng trưởng khá ổn định với tổng vốn chủ sở hữu đến cuốinăm 2017 đạt khoảng 1.376,2 tỷ đồng, tăng 327,4% so với cuối năm 2016. Tổng vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng đạt khoảng 2.699,15 tỷ đồng, tăng 185% so với cuối năm 2016, trong đó: vốn huy động từ tiết kiệm bắt buộc là 1.187 tỷ đồng, tiết kiệm tự nguyện là 1.512 tỷ đồng. 

Tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 4.662,6 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng tài sản có, tăng 236,4% so với cuối năm 2016, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức TCVM ở mức thấp 0,3% tổng dư nợ, kết quả kinh doanh đạt khá cao với thu nhập lớn hơn chi phí là 94,8 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 108,7% so với năm 2016.

Hà An
.
.
.