TP Hồ Chí Minh khuyến cáo không sử dụng thức ăn thừa cho lợn

Thứ Bảy, 06/07/2019, 09:41
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi đối với số lợn của tại 3 hộ nuôi thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân.

Trước đó, ngày 3-7, khi nhận được tin báo tại 3 hộ nuôi lợn trên địa bàn có biểu hiện “bệnh lạ”, chính quyền địa phương cùng ngành chăn nuôi và thú y lập tức phong toả, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm và cho kết quả trên. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã quyết định tiêu huỷ 122 con lợn của 3 hộ chăn nuôi kể trên.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, dù được thường xuyên hướng dẫn thực hiện an toàn sinh học, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, hạn chế cho người vào khu vực nuôi lợn... nhưng một số hộ chăn nuôi chủ quan nên tình trạng lây bệnhdịch tả lợn châu Phiđã xảy ra. Tại phường Phú Hữu, quận 9, sau khi phát hiện ổ dịch, cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 160 con lợn bị bệnh.

Một nồi thức ăn thừa vừa nấu chín chuẩn bị cho lợn ăn.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, để công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh đạt hiệu quả tốt nhất, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành tăng cường công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không giấu dịch. Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

Đồng thời thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn tại các cửa ngõ của thành phố, các chợ và cơ sở giết mổ hợp pháp, để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.

Đặc biệt quan tâm nguồn cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể các trường học, doanh nghiệp; áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi; phổ biến chính sách thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để và không để dịch bệnh lây lan.

Thành ủy yêu cầu chính quyền chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, thủy sản… đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch ở địa bàn dân cư...

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch tại phường Tân Tạo, công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh trên địa bàn trở nên “căng thẳng”. Toàn địa bàn thành phố hiện có 274 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn khiến cho nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo châu Phi khá cao.

“Trong vụ việc xảy ra tại Tân Tạo, nguyên nhân số heo trên bị dịch tả là do các hộ nuôi sử dụng thức ăn thừa từ các quán ăn, nhà hàng… mà người dân gom về chế biến cho heo ăn; kèm theo đó là điều kiện vệ sinh chuồng trại kém. Mặc dù việc này đã được cảnh báo trước đó nhưng các hộ dân vẫn chủ quan và hậu quả đã xảy ra”, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết và khuyến cáo, các hộ nuôi cần chú ý kiểm soát chặt nguồn thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt.

Nếu còn duy trì nguồn thức ăn này cho đàn lợn nuôi, các hộ nuôi phải nấu chín thức ăn dư thừa để tránh virus từ thịt lợn thừa, các thực phẩm được làm từ thịt lợn bị bệnh lây lan khi cho lợn ăn.

“Việc người chăn nuôi đi gom thức ăn dư thừa, nếu tiếp xúc với thịt lợn bệnh, hay dụng cụ thu gom, đồ đựng, xe vận chuyển,… không được khử trùng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn lây nhiễm bệnh”, ông Phát lưu ý thêm.

Tại Bình Dương, ngày 5-7, UBND tỉnh cho biết đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có hiện tượng lợn chết bất thường ở 314 hộ/trại chăn nuôi của 32 xã, phường, thị trấn (trừ huyện Dầu Tiếng). Tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy cho đến nay là 20.327 con.

Cần Thơ tiêu hủy 570 tấn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, đến ngày 3-7, địa phương này ghi nhận có 415 hộ chăn nuôi, thuộc 51 xã, phường của 9 quận, huyện thuộc thành phố có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi; số lợn bị  tiêu hủy là 11.459 con, tương đương hơn 577 tấn. Chỉ tính riêng ngày 2-7, thành phố ghi nhận 12 hộ chăn nuôi của 12 ấp, khu vực, 8 phường, xã thuộc 5 quận, huyện có số lợn bị nhiễm bệnh, tiêu hủy 663 con, tương đương hơn 30 tấn.

Tại Vĩnh Long, đến ngày 2-7, có 143 hộ có lợn nhiễm bệnh dịch thuộc 38 xã của 8 huyện, thị, thành phố và tiêu hủy trên 5.400 con lợn với trọng lượng trên 376 tấn.

Văn Vĩnh


Nhân Sơn - C.Bình
.
.
.