Săn chuột đồng ở miền Tây Nam bộ

Thứ Tư, 22/01/2020, 15:04
Nghề săn chuột đồng gắn liền với cuộc sống người dân vùng sông nước miền Tây. Săn chuột có nhiều cách như: đi soi bằng xuồng, đào hang, đuổi cù trong ruộng, dỡ chà… Mỗi nơi đều có những chuyện kể vô cùng thú vị.


Dỡ chà bắt chuột ở vùng biên

Những năm gần đây, người dân huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang còn đi dỡ chà bắt chuột - đây là hoạt động quen thuộc từ mùa nước lũ cho đến giáp Tết. Trong cái nắng nhẹ kèm theo hơi lạnh của tiết trời cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Năm Gấu ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú. Ông Năm Gấu là một trong những người sáng tạo ra cách bắt chuột độc đáo là dỡ chà. 

Trước đây người dân thu hoạch hoa màu xong sẽ chặt thân cây ớt, cây bắp chất thành đống chờ khô, sau đó châm lửa đốt. Mỗi lần như vậy, rất nhiều chuột từ bên dưới chạy ra ngoài. Người dân đã nghĩ ra bắt chuột làm thực phẩm và hạn chế việc cắn phá mùa màng.

Nửa trưa, đội quân săn chuột hơn chục người do ông Năm Gấu dẫn đầu mang theo đồ nghề, gồm: lưới cước, leng, lọp… và lên xe máy chạy dọc theo con đê quốc phòng ở ấp Phú Lợi. Khi đến nơi có đống chà được chất từ thân cây ớt, bắp, ông Năm Gấu chỉ tay nói: “Khu vực này trong đê hay ngoài đê đều có người dân chất chà bắt chuột. Mỗi hộ chất từ 2-3 đống, vừa kiếm chuột ăn vừa bán có thêm thu nhập. Ở đây, ông Ba Đạt, Ba Thình được gọi là cao thủ, bởi mỗi vụ kiếm trên chục triệu đồng”. Nói xong, ông Năm Gấu cùng cả nhóm dùng lưới bao quanh đống chà, đắp đất đè chân lưới, sau đó đưa lọp sắt có hom vào một góc.

“Sau khi bao lưới xong, lọp được đặt vào một góc lưới nhưng phải chừa cửa để chuột chui vô. Lọp chừa lỗ nhỏ, phủ ít cỏ trước miệng và đậy xung quanh nhìn sao cho thật khuất sẽ dễ bắt gọn”, ông Hai Tỵ - người đi chung với ông Năm Gấu nói về cách thức đặt lọp cho chuột tự động chui vào và đỡ tốn công bắt. Từng nhánh chà được bốc dỡ sang nơi khác. 

Đống chà dỡ sắp hết, đàn chuột từ phía dưới chạy như đàn vịt bị lùa xuống nước. Hàng trăm con chuột nháo nhào chui vào chiếc lọp ngụy trang, một số con chạy loanh quanh bị ông Năm Gấu cùng chiến hữu bắt bằng tay bỏ vào lồng sắt. Dỡ xong đám chà, nhóm người săn chuột khiêng chiếc lọp chứa ước chừng gần chục ký chuột mang về. Mớ chuột bắt được, nhóm người ông Năm Gấu mang bán, một ít chia nhau chế biến thành món nhậu để lai rai.

Săn chuột đêm ở Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Nghề thức đêm ngủ ngày

Nghề bắt chuột có thể làm quanh năm, đặt biệt là vào mùa nước lũ. Các bậc cao niên ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang kể, nghề bắt chuột có cách nay khoảng 40 năm. Ngày trước, việc săn bắt nhỏ lẻ hơn chục người nhưng mấy năm nay số lượng “thợ săn” lên đến hàng trăm người. Nhiều gia đình làm nghề săn chuột, trải qua 2-3 thế hệ. Cứ mỗi chiều, từng nhóm người mang đồ nghề xuống xuồng máy chạy vào các con kênh, săn chuột xuyên đêm. Tới mờ sáng, họ gom chiến lợi phẩm mang đến chợ bán.

“Nghề săn chuột dễ kiếm thu nhập nhưng lắm vất vả”, ông Hai Chiến ở xã Hòa Mỹ nói.

 Còn anh Nguyễn Văn Sửu, có thâm niên 20 năm trong nghề bắt chuột đồng ở Hòa Mỹ cho biết, mùa nước nổi, các bờ thấp bị ngập nước, chuột đổ dồn lên các bờ cao. 

Anh Sửu cùng nhóm bạn đợi đến đêm, bơi xuồng đến các bờ cao bắt chuột. Dụng cụ bắt chuột đồng chỉ cần chiếc xuồng hoặc vỏ lãi, cây chĩa (loại 3 mũi) và đèn soi. Với những người lành nghề như anh Sửu, chỉ cần dõi theo ánh đèn soi, phát hiện có ánh sáng phản xạ lại là biết có con mồi.

 Mỗi buổi chiều, anh Sửu cùng chiến hữu lai rai trước khi săn chuột. Bữa nhậu với rượu đế cùng món chuột nướng mọi, chiên sả thơm phức.

Nâng cốc xong, ông Tám Tâm - cùng là thợ săn chuột đồng, nói sảng khoái: “Đây là chuột cơm chuyên cắn phá lúa và hoa màu. Mấy anh nếm thử thịt ngon và ngọt hơn cả thịt gà”. Sau vài vòng rượu, Tám Tâm bảo chúng tôi: “Muốn đi săn chuột thì 6 giờ chiều đến đây”. Đúng giờ, đội quân săn chuột đồng xuống xuồng sang cánh đồng đối diện thi thố tài nghệ. Hơn 30 phút, chiếc xuồng len lỏi vào con kênh, hai bên cây cối um tùm kèm theo đó là tiếng ếch, nhái kêu râm ran. Tắt máy, anh Sửu đội đèn lên đầu rồi tiến thẳng ra mũi xuồng để quan sát.

Anh Sửu cầm chiếc dầm lướt nhẹ trên mặt nước nhưng không hề phát ra tiếng động. “Chuột rất khôn nên nghe tiếng động sẽ chạy mất. Việc này cũng đơn giản lắm, chỉ bơi vài lần là sẽ có kinh nghiệm”, anh Sửu lý giải. 

Đầu đội đèn tự chế, anh Sửu đảo liên tục vào 2 mé bờ. Bơi được một đoạn, chiếc dầm trên tay anh chậm lại, mũi xuồng ép sát vào mé bờ. Con kênh có đoạn rộng cả chục mét nhưng có chuột là anh Sửu nhận ra liền. Anh Sửu nhè nhẹ dùng tay phóng cây chĩa vào bãi cỏ. 

“Chít chít”, con chuột bị phóng trúng la lên. Cùng lúc, anh Sửu rút thêm cây chĩa thứ hai phóng vào bãi cỏ. Hai con chuột mập ú trúng chĩa, được “thợ săn” gom bỏ lên xuồng, sau đó tiếp tục tay chèo quan sát mé bờ. Anh Sửu phát hiện con chuột vừa chạy vào hang nên cho xuồng tiến sát vào bờ. Anh dùng miệng phát ra tiếng “chít chít”, dẫn dụ con mồi ra khỏi hang và tóm gọn.

Chợ chuột nằm trong top 100 phiên chợ độc đáo

Thịt chuột là món ăn dân dã quen thuộc của người dân ở miền Tây và có trong thực đơn nhà hàng. Người dân chế biến thành nhiều món đặc sản, như: chuột quay lu, nướng mọi, khìa nước dừa, xào củ kiệu... Ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang có chợ Phù Dật. Chợ này ra đời cách nay gần nửa thế kỷ và nằm trong top 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Chợ hoạt động sôi nổi nhất từ 5h đến 9h sáng. Chuột cơm và cống nhum là 2 loại cho thịt thơm ngon được ưa chuộng. Mỗi sạp sơ chế bắt đầu từ việc lựa chuột, đập đầu chuột, lột da, mổ bụng và ướp đá, đóng thùng với hơn chục công nhân. Ở đây, chuột được bán ra với giá từ 50-70.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày có 3 đến 5 tấn chuột được tiêu thụ, bỏ mối đi các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ. 

Đây cũng là chợ mua bán thịt chuột lớn nhất vùng sông nước miền Tây, với cả trăm người sống bằng nghề bắt, mua bán loài gặm nhấm này. Đàn ông thì ra đồng săn bắt, còn phụ nữ phụ trách khâu làm thịt chuột. 

Như Anh
.
.
.