Về miền Tây tát đìa ăn Tết

Thứ Sáu, 24/01/2020, 15:01
Vào dịp cuối năm, khi những nụ mai vàng chuẩn bị bắt đầu khoe sắc, thì người dân miền quê chộn rộn cảnh tát đìa, dỡ chà bắt cá rọng để ăn Tết. Bà con chòm xóm dồn công tát đìa cho nhau, nghe tiếng máy bơm là có mặt chung tay như việc của nhà mình, thể hiện rõ cái nét đẹp tình làng nghĩa xóm. Năm nay, ông Bảy Duyên lại tát đìa bắt cá ăn Tết…


Cái đìa nằm giữa miếng vườn rộng chục công đất của ông Bảy Duyên (80 tuổi) ở xứ Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được chất chà, để cỏ, đã ngót nghét hơn 3 năm nhằm dụ cá vào ở. Mấy năm trước con cháu đi mần ăn xa, Tết đến chỉ có hai ông bà nên buồn thiu. Năm nay, ông quyết định tát đìa, kiếm mớ cá ngon thết đãi con cháu, họ hàng. 

Nhà ông Bảy có đám giỗ ngay 27 Tết, nên tát đìa vừa để đãi đám, vừa rọng lại một ít cho mấy ngày Tết. Rồi như đã hẹn trước, 26 Tết, mới 4 giờ sáng khi đứa cháu cùng đám bạn còn quấn mền say giấc thì ông Bảy thức dậy đun nước, pha trà đợi khách. Hừng đông, cánh đàn ông đã có mặt đông đủ tại hàng ba của nhà ông Bảy uống chén nước trà nóng cho ấm người để chuẩn bị ra đìa.

Thằng Lĩnh lật đật thức dậy, vơ cái điện thoại xịn mang theo để chụp hình làm kỉ niệm. Ra đến đìa, khi mặt trời vừa ló dạng, không ai bảo ai mỗi người một việc. Người đào đất, người lội xuống đìa dọn cỏ để đặt máy bơm nước. Cái máy Kholer gắn cái tua hít to đùng, được ông Tư Vững (con trai thứ 4 của ông Bảy) cùng ông Út Lũi (hàng xóm ông Bảy) vác ra và nổ máy. Tiếng máy bơm nổ giòn giã, nước từ dưới đìa theo ống bơm lao xối xả ra phía bờ mương đối diện. 

Nhìn cái đìa to đùng, mực nước sâu gần cả thước, ông Bảy nói lớn như ra lệnh: “Thằng Lũi về nhà cho mượn thêm cái máy bơm, chứ thế này thì chắc tới Tết năm sau mới cạn đìa”. Nghe vậy Út Lũi rủ thêm nên mấy người về nhà khiêng lại thêm một cái máy bơm, để rút nước cho nhanh. Hai chiếc máy bơm vận hành hết công sức, đưa nước ra khỏi đìa.

Trong lúc chờ nước trong đìa cạn, mọi người cùng nhau chất chà, dọn sạch cỏ lên bờ để chuẩn bị bắt cá. Ông Sáu Thiệp, con trai thứ sáu của ông Bảy nhớ lại: “Lúc 15, 16 tuổi, tụi tui tát đìa bằng gàu tay, có khi tát từ sáng tới chiều nước trong đìa mới rút cạn. Thanh niên, trai tráng trong ấp phải gom lại tát đìa nhà này, rồi hôm sau là đìa người khác, theo kiểu dồn công nhau. Còn nay có máy bơm thì tiện, khỏe re, chờ nước cạn thì bắt cá”. 

Có ông Năm Dện nhà ở tận xóm trong, ông Bảy Duyên không tới mượn, nhưng nghe tiếng máy bơm nổ giòn giã là biết ngay có nhà tát đìa ăn Tết nên sáng sớm thu xếp công việc để tham gia.

Có mặt để tuyên truyền, vận động bà con vui Xuân đón Tết an toàn, ông Năm Dũng, cán bộ ấp nói rằng, tập tục tát đìa ăn Tết có từ rất lâu đời của người dân vùng Nam Bộ. Thuở xưa nhà nào cũng có cái đìa bên cạnh nhà, vừa trữ nước tưới, giặt giũ, vừa làm “túi” đón cá thiên nhiên từ ngoài sông vào trú ngụ, sau một năm chúng lớn lên thì cuối năm tát cạn nước bắt. 

Ông Năm Dũng dứt câu, ông Bảy thêm vào: “Mấy ngày tết này con cháu ở xa về, rồi bà con, bạn bè ở xóm giềng lại thì mình mần mấy món cho cá đồng, hương vị quê hương mình đãi quý hơn mua ngoài chợ”. 

Một nét đẹp của vùng quê miền Tây sông nước là sự gắn kết, thân thương của tình làng nghĩa xóm. Cho nên nghe nhà ông Bảy có tát đìa là người lớn trẻ nhỏ đều kéo tới để phụ giúp, mỗi người một việc. Họ xoắn tay vào công việc như chính việc của gia đình mình, chứ không phải tính thiệt hơn, chọn việc nhẹ, lánh việc nặng.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, nước trong đìa được bơm rút cạn. Lũ cá chạy tung từ rãnh này sang vũng nước khác để tìm nơi trú ngụ. Mấy người đàn ông, thanh niên bắt đầu ra tay đi bắt cá, mò sâu xuống tận đáy bùn non. Mọi người đứng trên bờ đìa í ới, gọi nhau, reo hò phấn khích mỗi khi bắt được cá to. 

Đám bạn của thằng Lĩnh cũng xắn quần lội xuống bắt cá, nhiều trong số đó cho biết đây là lần đầu được “mục sở thị” cảnh tát đìa bắt cá. Thằng Lĩnh mò mò sao mà cá chui tọt vô cái ống quần, vậy là nó túm lại, bò lên bờ thả ra nguyên con cá lóc bằng cùm tay. Mọi người cười ngất…

Trong lúc cánh đàn ông tất bật với công việc bắt cá, thì phía trong nhà, gánh phụ nữ trổ tài khéo tay gói bánh tét để cúng đám giỗ và ăn Tết. Cũng như cánh đàn ông, người chồng thì lội xuống đìa tiếp công bắt cá, còn người vợ thì vào lo chuyện bếp núc và gói bánh tét. 

Năm nay nhà ông Bảy Duyên ăn Tết lớn, con cháu từ khắp nơi tụ họp về quê để có cái Tết sum vầy nên bà Bảy “chỉ đạo” gói cả trăm đòn bánh tét nhân chuối, nhân thịt mỡ vừa để cúng ông bà, có cái cho con cháu ăn và đãi khách.

Tầm 11 giờ trưa, việc tát đìa kết thúc, một cần xé cá các loại: lóc, trê, chép, rô phi, rô đồng, mè vinh, sặc, lươn, lịch… được gánh vào nhà. Ở sàn nước sau nhà, bà Út Nhỏ - vợ ông Sáu Thiệp được cha chồng giao nhiệm vụ phân loại và rọng cá. 

Các loại cá da trơn được rọng riêng một lu, cá lóc, chép được rọng riêng một lu. Một số khác được bà Út Nhỏ cùng các chị em bạn dâu mần sạch, nấu canh chua, chưng tương để đãi khách trong ngày. Hai mâm tiệc với đầy đủ các món cá đồng và rau vườn được dọn trước hiên nhà. Mọi người cùng chung vui với gia đình ông Bảy. Mâm đàn ông cùng cụng ly rượu đế chúc một năm mới mần ăn phát tài, vườn cây trái trúng mùa, được giá…

Các nhà khoa học, các chuyên gia thủy sản cho rằng thực tế sản lượng cá tự nhiên bị sụt giảm rất nhiều theo hằng năm. Việc đánh bắt bừa bãi, dùng xung điện, bắt sạch, giết sạch theo kiểu tận diệt là một trong những nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL. 

Ngoài ra, các địa phương đang “chạy” theo làm lúa vụ 3 bế đê, kênh rạch không cho nước lũ vô đồng làm mất môi trường sinh sống của các loài cá trong mùa nước nổi. Và nếu không có biện pháp bảo vệ, khai thác hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn nữa nguồn thủy sản ở khu vực này sẽ cạn kiệt nhanh chóng.

Trần Lĩnh
.
.
.