Trên quê hương “ra ngõ là gặp anh hùng” hôm nay

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:36
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã ghi tên mình trên bản đồ những vùng “Đất Thép” của thế giới. Củ Chi đã làm người dân thế giới phải nghiêng mình, ngưỡng mộ. Vùng đất hứng chịu 240.000 tấn bom đạn, bình quân mỗi người dân “gánh” 1,5 tấn. Con số ớn lạnh mỗi khi nhắc đến.

“Vùng trắng”, vùng tự do huỷ diệt, tự do oanh kích… tưởng chừng như đè bẹp ý chí của người dân Củ Chi nhưng dưới địa đạo sâu trong lòng đất vẫn là sự sống. Vẫn là mũi kim ghim vào trái tim - thành phố Sài Gòn chế độ cũ. Sau 42 năm giải phóng, người dân Củ Chi anh hùng lại đang cần cù, năng động xoá đi vùng trắng, xây dựng nên một vùng xanh - vùng an toàn ngay trên quê hương mình.

Nhà văn bia tại Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi ghi khắc: “… quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng. Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh. Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm. Vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần. Biệt động Thành đánh giữa Sài Gòn, tàu chiến sân bay, kho xăng bốc nổ - lòng dân lửa dậy,  ngày xuống đường, đêm không ngủ, đạp rào gai, che họng súng, liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh…”.

Theo thống kê, giặc đã ném xuống Củ Chi khoảng 240.000 tấn bom đạn, bình quân mỗi người dân “gánh” 1,5 tấn. Chiến tranh đã hủy diệt gần như toàn bộ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng ở mảnh đất này, biến nơi đây thành một vành đai trắng. Chiến tranh cũng để lại trên mảnh đất này đầy rẫy hố bom, bãi mìn, và hàng ngàn ha đất hoang hóa, mà theo ước tính, cứ mỗi ha đất ở Củ Chi có trên 1.000 hố bom pháo các loại.

Toàn huyện tính tới năm 2016 có 33 Anh hùng LLVTND, 1.277 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 99 Mẹ còn sống), 10.488 liệt sĩ, 8.650 gia đình liệt sĩ, 1.656 thương và bệnh binh, 4.330 người có công với Cách mạng... Bởi vậy, có vị lãnh đạo địa phương đã đùa: “Ít nơi nào mà lãnh đạo địa phương nhẹ nhàng, ngọt ngào với nhân dân như ở Củ Chi bởi không cẩn thận các mẹ la cho vuốt mặt không kịp…”.

 Đến Khu di tích địa đạo Bến Dược - Củ Chi với nhiều du khách không chỉ là du lịch mà còn để được “chạm” tay vào cảm nhận cái lạnh giá chết chóc từ những đầu đạn, trái bom, cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh. Ăn một miếng củ mỳ với muối mè để chia sẻ sức sống bất khuất, tinh thần kiên cường của người dân nơi đây. Còn với chính quyền và người dân nơi đây, đang ngày ngày đồng lòng nắm tay nhau để phủ xanh “vùng trắng” trong chiến tranh bằng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Bệnh viện huyện Củ Chi khám chữa bệnh miễn phí cho bà con diện khó khăn và neo đơn, chính sách.

“Vùng trắng trong chiến tranh đồng nghĩa với việc chỉ còn lại hố bom, bom mìn còn sót lại. Xây dựng cuộc sống nơi đây là bắt đầu từ con số không. Nếu ai đã từng chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại sẽ không thể nghĩ rằng vùng đất Củ Chi có thể thay đổi diện mạo nhanh như ngày hôm nay, đời sống người dân được đảm bảo về mọi mặt”,  Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi, ông Tô Văn On, một người dân gắn bó với vùng đất Củ Chi rất nhiều năm qua, chia sẻ như vậy!

Theo UBND huyện Củ Chi, trong cơ cấu ngành kinh tế ở địa phương, tỷ lệ công nghiệp chiếm 79%, thương mại - dịch vụ chiếm 15,7% và nông nghiệp chiếm 5,53%. Địa bàn huyện có 6 khu công nghiệp và có 4 cụm công nghiệp, trong đó khu Tây Bắc Củ Chi đã lấp đầy diện tích sử dụng. Đặc biệt, các khu công nghiệp này đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 73.000 lao động ở địa phương. Đáng chú ý, lấy xuất phát điểm từ nông nghiệp, trong 10 năm gần đây, huyện Củ Chi đã tập trung phát triển ngành này theo hướng: nông nghiệp đô thị.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất trong quá trình phát triển của huyện Củ Chi là việc chuyển đổi phương thức canh tác, nuôi trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp điều kiện đô thị hóa của thành phố. Nếu như trước đây đến Củ Chi chỉ thấy ruộng lúa, rừng cao su và đàn bò thịt thì nay đã thay đổi vượt bậc. Đàn bò sữa 76.284 con theo số liệu mới nhất đã đưa Củ Chi thành huyện có tổng đàn bò sữa lớn nhất cả nước, năng suất và chất lượng sữa tăng sản lượng bình quân 550 tấn/ngày (chiếm gần 29% sản lượng sữa bò cả nước).

Việc chuyển dịch từ cây cao su, ruộng lúa thành những vườn rau an toàn, vườn hoa kiểng… trồng hoa Lan Mokara (với khoảng 600ha hoa kiểng thì có tới 150ha là hoa Lan các loại) lại là một thành công khác của người dân Củ Chi. Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ những vườn Lan là chuyện không còn xa lạ với bà con Củ Chi. Trên địa bàn huyện có 29 hợp tác xã ở nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, thương mại dịch vụ, quỹ tín dụng, tiểu thủ công nghiệp, và vận tải… đem đến nhiều thay đổi khởi sắc cho cuộc sống của người dân Củ Chi. Thu nhập bình quân đầu người nay đạt 30,9 triệu/người/năm .

Nền tảng của sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của Củ Chi một phần xuất phát từ chủ trương xây dựng mô hình Nông thôn mới (NTM). Ít người biết rằng xã Tân Thông Hội - Củ Chi là một trong 10 xã được Trung ương chọn thí điểm xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp ven đô, và Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 4-2015.

Đặc biệt, việc xây trường mở lớp tại những xã này đã giúp cho con em nhân dân nơi đây có được những ngôi trường khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia. Năm 2016, Củ Chi có 1.067 HS trúng tuyển vào  ĐH - CĐ, có 106 HS giỏi cấp thành phố, 1 HS giỏi cấp Quốc gia, và 17 em đoạt giải cuộc thi HS giỏi Hóa học - Australia …

Hệ thống bệnh viện, trạm y tế đã được phủ khắp địa bàn huyện. Năm 2016, người dân thành phố còn rất ngưỡng mộ với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện cấp huyện mà đã cứu sống được nhiều ca hiểm nghèo. Điển hình như ca cứu sống Mẹ VNAH bị nhồi máu cơ tim và một sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung. Đây là 2 trong 4 trường hợp được cứu sống từ mô hình “báo động đỏ”.

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang – Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi nói: “Mục tiêu đặt ra của y tế huyện là ưu tiên điều trị tại chỗ, giảm việc chuyển tuyến trên, cố gắng chạy đua với thời gian để giành lại mạng sống cho người bệnh khi tiếp nhận bệnh nhân nặng”. Nếu trước đây 10 năm không ai có thể nghĩ tại Củ Chi có thể thực hiện được các kỹ thuật cao trong ngành y thì hiện nay nhiều kỹ thuật đã thành thường qui.

Vùng trắng chết chóc thời chiến tranh đang thực sự đổi thay thành một “vùng an toàn” theo đúng nghĩa đen của nó. Sau 42 năm được giải phóng, với nội lực của mình, người dân và chính quyền nơi đây đã và đang chung sức, đồng lòng, “xóa” vùng đất chết năm xưa bằng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, và hơn thế, sau những hy sinh mất mát trong chiến tranh, ngày nay việc chăm lo sức khoẻ của người dân đã được đảm bảo an toàn tốt nhất có thể.

Đất Thép đã và đang vươn mình trỗi dậy, hòa nhịp cùng đà phát triển chung của TP Hồ Chí Minh, xây dựng một Củ Chi tràn đầy sức sống!  

Nga Huyền
.
.
.