Có một Đà Nẵng... quê

Thứ Tư, 29/04/2020, 09:05
10 năm trở lại đây Đà Nẵng có nhiều bước đột phá, đã trở thành một đô thị hiện đại, một thành phố du lịch nổi tiếng được biết đến trên thế giới. Mặc dù vậy, bên cạnh “Đà Nẵng phố” với những công trình bề thế, những điểm đến du lịch tuyệt đẹp thu hút du khách trong và ngoài nước, còn có một “Đà Nẵng quê” bình dị, gần gũi, thân thương…


Nghe quê tưởng ở đâu xa. Quê ở bên phố đấy thôi. Mỗi lần từ phố về, khi qua cầu Cẩm Lệ, tôi có thói quen nhìn xuống doi đất bãi bồi dọc triền sông kéo dài lên hướng cầu Đỏ. Doi đất ấy chính là đồng rau La Hường, bốn mùa rau trái xanh tươi. Chỉ cách trung tâm TP chừng 5km, nhưng cuộc sống nơi đây mang đậm nét làng quê. Từ sáng sớm, người dân đã vác cuốc, vác gàu ra đồng để xới đất trồng rau, bón phân tưới nước. Đất không phụ sức người, cho mùa vụ tươi tốt quanh năm.

Những luống rau, mớ cà, trái bí khiêm nhường ấy đã giúp hàng trăm gia đình nuôi con ăn học. Nhiều đứa thành tài, có việc làm, có nhà khang trang trong phố, nhưng cuối tuần vẫn đưa gia đình về làm… nông dân, cuốc đất, hái rau phụ giúp cha mẹ, ông bà, giữ cho con em không quên chân quê bùn đất.
Một bè cá bên sông Cẩm Lệ.

Còn nhớ, ngày đầu về cư trú ở Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, tôi gọi một bạn đồng nghiệp tới nhà chơi. Chỉ ít phút sau, anh đã xuất hiện trước nhà, trên vai vác chiếc cuốc, mặc quần ống thấp, ống cao. Hỏi “làm gì về đấy?”, anh cho biết vừa mới xin được người dân cho một khoảnh đất ở đồng La Hường để trồng rau nên chiều nào cũng ra tưới rau, cuốc cỏ.

Ít hôm sau, lại thấy một đồng nghiệp trẻ buổi tối xách giỏ, mang đèn pin đi bắt cua, bắt ếch ở triền sông Cẩm Lệ, ngay đồng rau La Hường. Mới đây, một cậu còn khoe trên facebook nồi riêu cua kèm chú thích: “Ai bảo giữa thành phố không có cua đồng làm món riêu cua. Vấn đề là bạn có bỏ cái điện thoại đang lướt fb xuống và cầm đèn pin đi ra đồng hay không thôi”.

Phía trên đồng rau La Hường một chút là làng Phong Lệ, được biết đến với những lần người dân đào được vàng Hời, với mấy cuộc khai quật di tích Chăm. Khác với phố xá bên ngoài, làng Phong Lệ hầu như không có nhà đổ tấm, xây tầng mà phần lớn là những ngôi nhà cấp 4 nằm ven những con đường bê tông chạy quanh co, trước nhà là những cây dừa, cây xoài xum xuê, tiếng chim ríu rít cả ngày trong vòm lá. Làng Phong Lệ xưa chính là quê hương của Ông Ích Khiêm (1829-1884), người có công giúp triều Nguyễn giữ yên bờ cõi.

Cháu nội của ông là Ông Ích Đường (1890-1908) tham gia chống bọn tay sai giặc Pháp và bị bắt giữ. Trước khi bị hành hình, trên đoạn đầu đài, ông vẫn hiên ngang, khẳng khái: “Giết Đường này sẽ có nhiều Đường khác. Còn mía là còn đường, còn giặc cũng còn Đường”. Tính cách mạnh mẽ, chính trực của vị võ tướng lừng lẫy danh tiếng một thời cũng là tính cách dễ thấy của người dân làng Phong Lệ…

Từ Phong Lệ nhìn qua sông chính là làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Đây là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê truyền thống với cổng làng xây bằng gạch, rêu phong. Hai bên đường làng, vẫn còn những lũy tre xanh và đồng lúa. Mùa gặt, bầu trời xanh trên cánh đồng là những cánh diều tuổi thơ.

Làng không chỉ “quê” với miếu thờ thành hoàng, với những đình, chùa cổ kính mà còn là những nếp nhà đơn sơ, khu chợ quê “chồm hổm” đông đúc nhưng không xô bồ, là tình người chân chất, thuần hậu. Ở Phong Nam, Phong Bắc, ngược sông Cẩm Lệ, hoặc theo đường bộ chừng 7-8 km về hướng Tây là đến làng cổ Túy Loan.

Theo sách sử ghi lại, làng Túy Loan đã hình thành trên 500 năm trong quá trình mở mang bờ cõi. Đường vào làng sạch sẽ, rợp mát bóng cây như những làng quê xưa cũ. Giữa làng là ngôi đình cổ thờ các vị tiền hiền. Cứ đến ngày mồng 9 tháng Giêng hằng năm, đình làng Túy Loan lại được tổ chức lễ hội để tri ân các vị tiền nhân và cầu cho quốc thái dân an. Đây cũng là dịp để du khách có thể hòa mình vào các trò chơi dân gian như làm bánh, đua thuyền…
Nông dân thu hoạch bí đao tại đồng rau La Hường.

Túy Loan còn có ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường hơn 200 năm tuổi. Nhiều người dân trong làng vẫn mưu sinh với trồng trọt, chăn nuôi, với nghề làm mì Quảng, làm bánh tráng. Ở phố có rất nhiều quán mì, nhưng đến Túy Loan mà không đến xem lò tráng mì, không ăn tô mì Quảng có lẽ là thiếu sót để hiểu thấu tình đất, tình người. Cuối tuần ở lại nhà người dân, tự tay tráng mì, tự tay bắt gà, hái rau để làm tô mì cho cả gia đình sẽ là một trải nghiệm không kém phần thú vị…

Cơn lốc đô thị hóa ở Đà Nẵng đã lấy đi nhiều không gian quê yên bình từ nông thôn đến miền núi, miền biển. Hàng loạt làng chài Đông Hải, Thọ Quang, Mân Thái, Tân Trà, Thanh Khê, Xuân Hà... cũng bị cuốn đi, chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng ở eo biển Thọ Quang, vẫn còn nhiều ngư dân bám biển, đánh bắt gần bờ. Họ đang giữ một không gian làng biển để mưu sinh. Đó cũng là một không gian rất “quê” dù tiếp giáp với con đường du lịch “5 sao” với những cao ốc ngất trời.

Nơi đó có những ghe thuyền cũ kĩ, những ngư dân da sạm nắng gió với những chiếc áo bạc màu, với câu hát bả trạo mùa hội làng… “Khi còn thanh niên thì theo tàu bạn đi tới Hoàng Sa, Trường Sa. Giờ sức yếu rồi thì đi ghe thúng, bắt con cá, con tép gần bờ. Không lội cát, không ra biển kéo lưới, hít thở là trong người bồn chồn không yên”, ông Nguyễn Văn Lập, trú phường Thọ Quang, một ngư dân hơn nửa đời người bám biển bộc bạch.

Dù không theo nghề biển, nhưng cũng như nhiều người trong làng, anh Lâm, một người bạn công tác ở đơn vị thuộc Công an TP Đà Nẵng, cùng láng giềng chung tiền mua mấy tay lưới. Cuối tuần rảnh rỗi là cả nhóm gọi ra biển, lúc nào cũng có cá mang về. Còn anh Phạm Thanh, một doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng thì yêu biển đến đam mê. Mỗi sáng, khi đi tắm biển, anh hay mua bánh mì, mua thức ăn ra biển tặng ngư dân và mua những con cá, con mực mới được bắt lên từ biển còn đang ngoe nguẩy để mang về tặng bạn, đôi khi còn mượn xoong nồi chế biến tại bãi biển ăn mời ngư dân ăn cùng.

Quê không chỉ ở cái cảnh, mà ẩn sâu trong đó là văn hóa, là cách sống, là giọng nói, nói chung là hồn cốt của một cộng đồng. Quê không chỉ là hoài niệm, mà còn là sự lựa chọn. Dường như có một xu hướng sống đang dần hình thành - Xu hướng chuyển về sống ở quê. Có rất nhiều người trẻ đã về các vùng quê của Đà Nẵng để lập trang trại và sống ở đó, hoặc đơn giản là dựng một mái nhà nhỏ, trồng cây trái xung quanh, thỉnh thoảng đưa gia đình về chơi.

Người ít có điều kiện hơn thỉnh thoảng vẫn rủ nhau về các vùng quê Hòa Khương, Hòa Bắc dựng lều bên suối, đêm ngắm sao trời, nghe tiếng nước suối chảy róc rách qua kẽ đá, tiếng côn trùng nỉ non mà để tình quê thấm sâu vào da thịt. Tự dưng, trong lòng tôi chợt ngân nga lời bài hát “Khi chúng ta già”. Ôi yêu Đà Nẵng… quê.

Thân Lai
.
.
.