Đại hạn ở Tây Nguyên:

Sự bất thường từ những dòng sông

Chủ Nhật, 06/12/2015, 07:24
Tỉnh Đắk Nông, một trong những địa phương bị xếp vào nhóm có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm, hiện cũng đã bị thiệt hại khá nặng nề do nắng nóng gây ra. Huyện Cư Jút đang lâm vào cảnh thiếu nước tưới trầm trọng.

Nỗi khổ người dân

Huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của đợt hạn hán năm nay. Dưới cái nắng chói chang, cụ bà Nguyễn Thị Hai (70 tuổi), trú thôn 2, xã Chư Kty vẫn oằn mình đi gánh nước về nhà. Bà thều thào kể: “Nhà tôi khoan giếng 2 lần cũng không tìm ra nước”.

Hàng trăm hộ dân tại xã Chư Kty nhiều tháng qua đã phải dùng xe công nông, xe trâu, quang gánh đi hàng chục cây số để mua nước sinh hoạt về dùng. Ông Trần Văn Cứ, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Kty trăn trở: “Nước sinh hoạt người dân còn tự tìm được cách xoay xở chứ mấy chục héc-ta lúa hạn căng đòng sắp trổ và cà phê sắp chết héo thì phải chờ cấp trên cứu giúp. Người dân hiện phải bơm chuyền nước từ sông về Bàu Lác, rồi mới bơm nước từ Bàu Lác lên tưới vô đồng nên rất tốn kém”.

Những con sông Tây Nguyên đang dần bị “bức tử” bởi thủy điện.

Tỉnh Đắk Nông, một trong những địa phương bị xếp vào nhóm có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm, hiện cũng đã bị thiệt hại khá nặng nề do nắng nóng gây ra. Huyện Cư Jút đang lâm vào cảnh thiếu nước tưới trầm trọng. Ông Hứa Văn Lâm (thôn 15, xã Đắk Drông) cho biết: “Nhà tôi hiện có hơn 4 sào lúa đang bước vào thời kỳ trổ bông nhưng hơn 20 ngày qua không hề có mưa, ao hồ lại cạn kiệt không còn giọt nước nào để tưới. Có khả năng vụ mùa này bị mất trắng”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, thiệt hại do hạn năm 2015 phủ tổng diện tích trên 12.000 ha, ước tính khoảng 170 tỷ đồng...

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên, mùa mưa ở Tây Nguyên năm nay sẽ đến muộn hơn so với các năm trước từ 15 đến 20 ngày (khoảng đầu tháng 5 - 2016 mới có mưa) nên nắng hạn gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn vùng.

Những dòng sông bị bức tử

Kể từ khi Thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) chặn dòng sông Ba theo một quy trình ngược, cho chảy về phía tỉnh Bình Định thì vùng hạ lưu sông Ba từ Gia Lai về Phú Yên đã phải chịu thiệt hại trong mùa khô và nhận lũ lớn vào mùa mưa.

Khô hạn và ô nhiễm, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước với lưu lượng ít nhất 4m3/s kể từ ngày 16-11-2015 để giải quyết những khó khăn trước mắt cho cuộc sống người dân vùng hạ lưu thủy điện trên sông Ba. Tuy nhiên, do hạn nặng, nguồn nước đập thủy điện ở mức thấp nên việc xả nước cho vùng hạ lưu rất khó khăn...

Một dự án thủy điện khác cũng thiết kế nắn dòng chảy theo quy trình ngược là Thủy điện Thượng Kon Tum. Theo thiết kế sẽ chặn dòng lấy nước từ sông Đắk Snghé chảy theo đường hầm dài 25km qua các ngọn núi rồi đổ về sông Trà Khúc, Quảng Ngãi chứ không cho chảy lại theo dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Tất yếu, điều này sẽ gây cạn kiệt và suy giảm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái khu vực hạ lưu sông Đắk Snghé, sông Đắk Bla và Sê San. Cuộc sống hàng ngàn người dân ở 25 xã, phường của các huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bị ảnh hưởng...

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên của tỉnh Lâm Đồng, sau đó đổ vào sông Sài Gòn rồi xuôi ra biển Đông. Theo thống kê, trên dòng sông này có đến hàng chục nhà máy thủy điện đã và đang được xây dựng theo phương thức bậc thang.

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 được xây dựng trên địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Theo thiết kế, con đập chính của nhà máy thủy điện nằm chắn ngang qua sông Đồng Nai, nước từ dòng sông này được dẫn theo một đường hầm về nhà máy nằm ở xã Lộc Bảo phát điện rồi mới được trả lại dòng sông cách vị trí ban đầu khoảng 14km. Theo khảo sát của phóng viên, sau khi ngăn dòng, đoạn sông phía sau thân đập dài khoảng 15km chỉ có dòng chảy rất nhỏ, lòng sông cạn trơ đá và cát, cây cỏ mọc um tùm.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, công trình thủy điện Sêrêpốk 4A có công suất thiết kế 64MW. Nguồn nước của nhà máy được lấy trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Sêrêpốk 4 rồi thông qua tuyến kênh dẫn dòng dài khoảng 15km, đi qua địa phận các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na của huyện Buôn Đôn. Việc nhà máy lấy nước trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Sêrêpốk 4 đã làm khô cạn hơn 20km dòng chảy của sông Sêrêpốk đoạn qua địa bàn các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Ana, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, du lịch sinh thái cũng như đời sống của hàng trăm hộ dân.

Cùng với nạn thủy điện chằng chịt, nạn phá rừng bừa bãi, tình trạng khai thác hệ thống nước ngầm ở Tây Nguyên quá sức đã làm cho môi trường thiên nhiên ở đây ngày càng bị bức tử. Từ những việc làm thiếu khoa học và bất chấp quy luật tự nhiên, cuộc sống của chúng ta đã và đang bị sự trừng phạt bởi chính thiên nhiên đem lại.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Hà (đơn vị kinh doanh Khu du lịch sinh thái thác Bảy Nhánh) than thở: “Kể từ ngày Thủy điện Sêrêpốk 4A ngăn dòng, tình hình kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn, so với năm 2013, lượng khách đến tham quan giảm đi hơn một nửa. “Khách đến rồi một đi không trở lại. Từ ngày vận hành Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A, hơn 20km lòng sông Sêrêpốk bị cạn trơ đáy, trong đó có đoạn thác Bảy Nhánh do Công ty quản lý, kinh doanh trở nên hoang tàn, trơ trọi không còn hấp dẫn với du khách”.

“Kinh doanh du lịch sinh thái mà không có nước thì coi như bỏ đi. Đã hơn 4 năm nay, các sông suối chảy qua khu du lịch gần như khô cạn. Lượng khách ngày một giảm bởi thời tiết quá nóng, nhiều cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy”, ông Nguyễn Đức, Trưởng Trung tâm Khu du lịch Buôn Đôn chia sẻ.

N.Như - V.Thành
.
.
.