Sông Thu Bồn bị “rút ruột”, hàng chục ngôi nhà chênh vênh bên miệng “hà bá”

Thứ Tư, 29/05/2019, 11:01
Hàng chục hộ dân sống dọc sông Thu Bồn tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đang ngày ngày sống trong thấp thỏm lo sợ vì tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà bị nứt toát tường, có nhà thì công trình phụ đã rơi lọt thỏm xuống lòng sông,… Người dân khẳng định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa bàn xã Quế Trung bị “rút ruột” trong thời gian dài.

Ông Lê Văn Bê (trú thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) vẫn chưa hết bàng hoảng kể lại với chúng tôi, cách đây hơn 3 năm, bờ sông Thu Bồn phía sau nhà ông bị sạt lở nặng khiến công trình phụ của gia đình ông bất ngờ bị đổ sập xuống lòng sông.

“Lúc đó may mà không có ai ở trong nhà vệ sinh, nếu không thì đã nguy hiểm tới tính mạng rồi. Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1980 tới giờ, nhưng thấy tình trạng sạt lở nặng bờ sông Thu Bồn chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây thôi”, ông Bê chia sẻ.

Ông Bê chỉ vị trí nơi công trình phụ của gia đình ông đã bị lọt thỏm xuống sông Thu Bồn.

Sau khi xảy ra sự việc trên, ông Bê đã bỏ kinh phí xây dựng một đoạn bờ kè khá kiên cố phía sau nhà, đồng thời xây dựng công trình phụ nới vào phía trong để tránh nguy cơ sạt lở.

Điều đáng lo ngại hơn là hiện nay do tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn vẫn tiếp diễn dẫn nên căn nhà của ông Bê đã xuất hiện rất nhiều vết nứt, có vết nứt rộng từ 2-3cm chạy dài trên tường, nguy cơ bị ngã đổ rất cao.

Ông Trần Thanh Vân, Trưởng thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, nhẩm tính cho biết hiện toàn thôn có 11 hộ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn gây ra.

Ông Vân khẳng định sông Thu Bồn bị sạt lở lý do chính là do tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông gây ra. Đặc biệt, từ 20h mỗi ngày thì các ghe bắt đầu ra hút cát, sỏi lòng sông khiến người dân rất bức xúc.

“Có gia đình sống 3-4 thế hệ không bị ảnh hưởng gì, nhưng vài năm trở lại đây thì tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hồi trước, khu vực thôn Trung Hạ có cây sung rất to nằm bên sông, người dân hay gọi là bến cây sung nhưng nay cây sung đã bị dòng nước sông Thu Bồn cuốn đi mất rồi. Điều đó cho thấy tình trạng sạt lở diễn ra ghê gớm như thế nào”, ông Vân nói.

Để tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông Thu Bồn đoạn qua xã Quế Trung, khoảng 20h30 ngày 28-5, phóng viên CAND đã đi dọc tuyến QL14H chạy men theo đoạn sông Thu Bồn và chứng kiến, giữa không gian yên tĩnh có phương tiện đang khai thác cát, sỏi inh ỏi, gây náo động cả một khúc sông.

Các đối tượng trên thuyền thường xuyên bật đèn pha quan sát xung quanh. Khi nghe có tiếng động trên đường QL14H, các đối tượng dùng pin công suất lớn rọi lên xem động tĩnh. Vì để đảm bảo an toàn, sau một hồi quan sát, phóng viên phải rút đi trong im lặng.

Trao đổi với phóng viên CAND, ông Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Sơn, cho biết trên địa bàn xã Quế Trung hiện chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông là Công ty CP Xây dựng thương mại và dịch vụ Tây Nông Sơn (Công ty Tây Nông Sơn).

Công ty này được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác năm 2011, được gia hạn 2 lần vào năm 2012 và năm 2016, thời hạn khai thác đến ngày 22-8-2019.

Mặc dù chưa được cấp phép, song bến bãi tập kết của Công ty Tây Nông Sơn vẫn được huyện Nông Sơn "tạo điều kiện" hoạt động rất nhộn nhịp.

Ông Ngọc khẳng định đến thời điểm này thì bến bãi tập kết cát, sỏi của Công ty Tây Nông Sơn vẫn chưa được cấp phép nhưng các cơ quan chức năng của huyện vẫn tạo điều kiện để bến bãi này hoạt động (!).

Về vấn đề lắp đặt camera tại vị trí mỏ và bến bãi tập kết theo quy định của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Ngọc cho biết đã nhiều lần đi kiểm tra và nhắc nhở Công ty Tây Nông Sơn thực hiện. Khi chúng tôi hỏi hiện giờ công ty này đã lắp camera tại vị trí mỏ chưa?, thì ông Ngọc rút máy điện thoại ra trao đổi với lãnh đạo Công ty rồi thông báo "đã bắt rồi" (?!).

Trong khi đó, Đại tá Lê Hữu Hiền, Trưởng Công an huyện Nông Sơn, cho biết Công ty Tây Nông Sơn đã từng bị phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác ngoài phạm vi mỏ được cấp phép.

Riêng về bến bãi tập kết và đường khớp nối của Công ty Tây Nông Sơn, Công an huyện Nông Sơn đã nhiều lần đề nghị với UBND huyện xem xét tính pháp lý hoạt động, song đến nay vẫn chưa thấy phía chính quyền huyện xử lý.

Thời gian tới, Công an huyện Nông Sơn sẽ lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát để kiểm tra Công ty Tây Nông Sơn có tuân thủ quy định giờ giấc trong hoạt động khai thác cát, sỏi hay không. Nếu phát hiện sai phạm sẽ đề nghị xử lý nghiêm.

Trao đổi với phóng viên CAND, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết bên cạnh việc đấu tranh với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, UBND tỉnh cũng đã bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát.

Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bãi tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường...

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6-18h từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6-17h từ tháng 10 đến hết tháng l2 dương lịch...

Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì bị đình chỉ khai thác.


Ngọc Thi (Clip)
.
.
.