Người nghiện ma tuý lang thang ở Hà Nội:

Sẽ “gom” vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội

Thứ Bảy, 13/12/2014, 15:43
Hà Nội hiện có khoảng 16.000 người nghiện ma tuý. Đấy còn chưa kể, những người nghiện ma tuý thuộc diện… lang thang từ các nơi dạt về. Vậy công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện, đặc biệt với đối tượng lang thang của thành phố được thực hiện như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên (PV): TP Hồ Chí Minh hiện đang “thu gom” người nghiện ma tuý, Hà Nội có thực hiện việc này không thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Tính đến ngày 2/12, tại 10 Trung tâm Giáo dục Lao động (gọi tắt là Trung tâm) đang cai nghiện và quản lý sau cai cho 5.832 người. Trong số này, có 2.097 người đi cai bắt buộc do địa phương đưa vào; 1.084 người thuộc diện lang thang, không nơi cư trú ổn định; 540 người tự nguyện; 1.991 người quản lý sau cai. Những con số này cho thấy, số lượng người nghiện ma tuý vẫn được cai nghiện và quản lý sau cai tại các Trung tâm vẫn chiếm tỷ lệ lớn nên họ không “quậy” tơi bời ngoài xã hội và cũng chẳng phải “thu gom”.

PV: Hà Nội đã làm thế nào để “giữ” lại người nghiện ma tuý trong các Trung tâm sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (1/7/2013) thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Chúng tôi áp dụng đúng quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Với những người cai nghiện chưa đủ 24 tháng, chưa cho về. Chúng tôi cũng áp dụng Nghị định 94/2009, trong đó có quy định, với người ngoại tỉnh không có nơi cư trú ổn định, không việc làm thì vẫn được giữ lại Trung tâm thêm 24 tháng. Trong khi đó, con số người ngoại tỉnh nằm trong diện này chiếm 50%. Bởi áp dụng quy định này nên người nghiện ma tuý thuộc diện lang thang không có “cơ hội” ra ngoài xã hội để gián tiếp hoặc trực tiếp là những tác nhân gây mất ổn định ANTT.

PV: Ông hãy cho biết, việc áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong cai nghiện và quản lý cai nghiện được ngành chức năng của thành phố thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Luật Xử lý vi phạm hành chính chia người nghiện ma tuý thành 3 loại đối tượng: 1, Xét nghiệm dương tính nằm trong danh sách địa phương quản lý; trong hồ sơ thể hiện nhiều lần đi cai nghiện thì phường/xã lập hồ sơ chuyển Hội đồng tư vấn cấp quận/huyện. Nếu hồ sơ đủ  theo quy định, chuyển Toà án ra quyết định đi cai nghiện. Nếu hồ sơ chưa đủ theo quy định trả lại, sửa bổ sung rồi quay lại quận/huyện trước khi trình Toà án; 2, Xét nghiệm dương tính nhưng thuộc diện lang thang (không có nơi ở ổn định), thì có xác minh của Công an và tường trình của người nghiện rồi trình Toà án ra quyết đi cai bắt buộc hoặc trả lại hồ sơ cho xã/phường; 3, xét nghiệm dương tính nhưng chưa lệ thuộc vào ma tuý (chưa có trong danh sách quản lý của địa phương hoặc nằm trong danh sách nhưng chưa đi cai) thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 221/CP và Nghị định 111/CP. Tôi hy vọng ở đối tượng này nhất bởi họ vẫn có cơ hội thoát khỏi lệ thuộc vào ma tuý.

PV: Công tác quản lý sau cai nghiện được Hà Nội thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Trước kia, hết 24 tháng cai nghiện tập trung, người nghiện được cho về. Nhưng nay áp dụng Nghị định 94/2009, chúng tôi thấy đối tượng nào có nguy cơ cao (nghiện từ 3 năm trở lên; đi cai nhiều lần nhưng tái nghiện; không việc làm) thì giữ lại để quản lý tại Trung tâm (hiện nay Hà Nội đang quản lý sau cai tại Trung tâm 1.991 người) và quản lý tại công đồng. Tại cộng đồng, chúng tôi yêu cầu: Địa phương tiếp nhận người nghiện được Trung tâm giao; địa phương giao cho một trong các tổ chức đoàn thể theo dõi, quản lý người nghiện trong 24 tháng. Một quý, test ma tuý 2 lần, trong đó có 1 lần đột xuất. Nếu trong 24 tháng không lần nào có kết quả dương tính, cho họ ra khỏi danh sách quản lý. Tính đến nay, đã có 364 người ra khỏi danh sách quản lý. Nếu vi phạm và tái phạm, vẫn nằm trong danh sách quản lý.

PV: Trước kiến nghị của TP Hồ Chí Minh, trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Hà Nội hiện thực hiện việc này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Chúng tôi chờ Chính phủ có Nghị định hướng dẫn đồng loạt. Chúng tôi đã thực hiện việc góp ý dự thảo Nghị định này. UBND thành phố cũng giao các ngành Công an, Lao động Thương binh và Xã hội làm dự thảo quy chế hoạt động để tiếp nhận, chẩn đoán, tư vấn, cắt cơn (nếu cần) trong khi chờ Toà án xem xét ra quyết định. Hà Nội khác TP Hồ Chí Minh ở chỗ, các Trung tâm đã từng cắt cơn cho người nghiện thuộc diện lang thang nên cơ sở vật chất, con người đầy đủ; kinh nghiệm đã từng làm nên đề nghị thành phố bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận thêm đối tượng này tại 4 Trung tâm (số 1, 3, 2, 5).

PV: Theo dự thảo này, việc đưa đối tượng nghiện ma túy thuộc diện lang thang đi cai nghiện sẽ thực hiện như thế nào ạ?

Ông Nguyễn Kim Hùng: Công an tìm đối tượng nghi vấn, yêu cầu xét nghiệm. Nếu dương tính, Công an xã/phường hoặc quận/huyện có quyết định tạm thời đưa vào Trung tâm. Để tiếp nhận đối tượng này, các Trung tâm sẽ dành một khu – Cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Để chuẩn bị cho việc này, tại các Trung tâm chúng tôi đã tổ chức các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Hiện nay, chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Chính phủ để triển khai thực hiện cho đồng bộ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.