Sản xuất sữa đậu nành “chui” giữa khu tập thể

Thứ Ba, 06/06/2017, 09:54
Một cơ sở sản xuất sữa đậu lành nằm giữa khu tập thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Đã nhiều năm nay, ngay tại tầng 1 của nhà tập thể B3, Khu tập thể Vĩnh Hồ, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội- nơi sinh sống của gần 70 hộ, người dân phải sống chung với một xưởng sản xuất sữa đậu nành phát ra tiếng ồn, nước thải… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt.

Anh Nguyễn Phú Tuyến, trú tại phòng 105, B3, Khu tập thể Vĩnh Hồ bức xúc phản ánh với PV Báo CAND: Từ năm 2014 đến nay, xưởng sản xuất tào phớ, sữa chua… tại phòng 103, 104, B3 đặt nhiều loại máy móc công suất lớn, hoạt động suốt ngày đêm gây tiếng ồn, rung lắc, ảnh hưởng các hộ dân sinh sống tại tầng 2, 3, 4 và các hộ liền kề. Nước thải từ cơ sở sản xuất này khi thải ra cống chung của khu dân cư gây mùi xú uế.

Liên quan đến những bức xúc của bà con tại tổ dân cư số 12A, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, ông Phùng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho biết: Từ năm 2012 đến nay, UBND phường đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân về cơ sở sản xuất gây tiếng ồn, mùi nước thải ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân tại đây. 

Đây vốn là cơ sở sản xuất sữa đậu nành và hạt chống ẩm của Công ty CP cung ứng công nghiệp C.I.F.F.O.B do ông Lê Hồng Sơn làm chủ kinh doanh, sau đó đã chuyển cho ông Lê Tiến Lâm sản xuất theo mô hình cá thể. 

Tại thời điểm kiểm tra tháng 10-2013, cơ sở này không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy xác nhận về môi trường. Đặc biệt, tháng 12-2016, UBND phường Thịnh Quang đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên môi trường thuộc UBND quận Đống Đa, Phòng Cảnh sát PCCC, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội… và đại diện tổ dân phố tiến hành kiểm tra và xác nhận việc tổ chức sản xuất- kinh doanh của chủ cơ sở tại địa điểm trên.

Căn cứ theo quy định tại khoản 11, Điều 6, Luật Nhà ở quy định, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.

UBND phường và cán bộ tổ dân phố nhiều lần vận động, yêu cầu chủ cơ sở di chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh theo quy định.

Gần đây nhất, ngày 3-6, chính quyền địa phương lại tiếp tục yêu cầu cơ sở sản xuất của ông Lê Tiến Lâm phải di dời theo quy định của Luật Nhà trước ngày 16-6.

Theo ông Phùng Văn Quân, nếu chủ cơ sở còn “chây ì”, UBND phường sẽ báo cáo xin ý kiến của UBND quận Đống Đa và Sở Kế hoạch đầu tư để có biện pháp quyết liệt, đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.

Hương Hiếu
.
.
.