Riêng miền Bắc diễn ra hơn 6.000 vụ phá rừng

Thứ Sáu, 30/11/2018, 11:10
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong thời gian tới, để bảo vệ phát triển rừng, sẽ phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp; chủ rừng phải chịu trách nhiệm nếu để mất rừng.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, thống kê của 31 tỉnh khu vực phía Bắc, đến hết ngày 30-11, đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 49% số vụ vi phạm cả nước, giảm 1.098 vụ (15%) so với năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 452 ha, giảm 223 ha (33%) so với năm 2017. Tổng số vụ đã xử lý là 5.378 vụ, trong đó, khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ.

Năm 2018, các tỉnh khu vực phía Bắc để xảy ra 149 vụ cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại 232 ha, giảm 9,5% về số vụ và giảm 20% về diện tích thiệt hại so với năm 2017. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ.

 Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua giảm mạnh, có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương, đã góp phần vào thành tích chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng của toàn quốc (số vụ vi phạm giảm 15% và diện tích thiệt hại giảm 33%). 

Về cơ bản, rừng đã và đang được quản lý bảo vệ và phát triển; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, khai thác rừng trái phép.

Phá rừng quy mô lớn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Hữu Toàn

Tuy nhiên, theo ông Công, tình trạng phá rừng trái pháp luật, đặc biệt phá rừng tự nhiên để trồng rừng, khai thác lâm sản vẫn diễn ra ở một số nơi, nhiều vụ việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện và xử lý. Còn những điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ.

 Ngoài ra, các chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, việc cập nhật, báo cáo diện tích rừng bị phá không trung thực; không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời tới cơ quan chức năng để xử lý; không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý.

Trước thực trạng này, Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra giải pháp sẽ thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. 

Ngoài ra, sẽ phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp cũng như tăng cường sự phối hợp các lực lượng trong việc bảo vệ rừng. Đối với chủ rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị sẽ phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật và chủ rừng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để mất rừng. 

Diệp Linh
.
.
.