Quyết liệt triển khai để Bộ luật Lao động sớm đi vào cuộc sống

Chủ Nhật, 08/12/2019, 14:27
Bộ luật Lao động sửa đổi ngay khi vừa được Quốc hội thông qua đã nhận được những đánh giá tích cực, đặc biệt là Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã có những điều chỉnh để phù hợp, đáp ứng được các mối quan hệ lao động trong bối cảnh mới, đáp ứng được các quy chuẩn khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế.

 Bộ luật sẽ có hiệu lực từ 1-1- 2021, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khi áp dụng, Bộ luật sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.                                                                     

PV: Thưa TS Nguyễn Thị Lan Hương, là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực lao động, bà đánh giá thế nào về những điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tất nhiên khi sửa luật thì cơ quan soạn thảo phải đặt ra mục tiêu phù hợp với bối cảnh mới. Có 7 điểm nóng dự kiến định sửa thì cũng đã đạt được 5 điểm như: tuổi nghỉ hưu phù hợp với xu hướng già hóa dân số; điều chỉnh lại các quy định về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, an toàn vệ sinh lao động… 

Về cơ bản thì Bộ luật Lao động sửa đổi lần này tiến bộ hơn, cân bằng hơn về mặt lợi ích, chứ không chỉ đơn thuần là điều chỉnh phạm vi hẹp đối với lao động làm công ăn lương, mà còn điều chỉnh quan hệ lao động ở các khu vực khác như khu vực không có hợp đồng lao động.

PV: Một trong những vấn đề bà vừa nhắc tới là tăng tuổi nghỉ hưu, đây là một trong những vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm. Thậm chí hiện nay, mặc dù luật đã được thông qua nhưng vẫn có không ít người còn băn khoăn về vấn đề này?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Với những người đến giờ vẫn băn khoăn về câu chuyện này, theo tôi là họ đang hiểu sai. Chính sách này điều chỉnh trong vòng mấy chục năm, mỗi năm cộng thêm 3 tháng, chứ không phải ngay lập tức người ta nghỉ hưu ở tuổi tối đa. Rất nhiều người gặp tôi cũng nói rằng không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu được. Đây là những người chưa hiểu hoặc chưa tìm hiểu kỹ thông tin về chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Về mặt này, theo quan điểm của tôi, ngay cả việc tuyên truyền cũng chưa đạt, làm cho người ta cứ nghĩ rằng kéo dài thời gian nghỉ hưu là khó khăn, là vất vả. 

Phải hiểu rõ bản chất của chính sách, có những người làm việc ở khu vực ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì tuổi nghỉ hưu được giữ nguyên, thậm chí còn giảm xuống. Thêm nữa, từ năm 1945 khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 60 tuổi, chúng ta đã áp dụng chính sách nghỉ hưu hiện nay, còn nay khi tuổi thọ trung bình là hơn 70 tuổi thì chúng ta phải điều chỉnh. 

Thêm nữa là điều kiện lao động hiện nay đã tốt lên rất nhiều. Đến năm 2035 thì nữ mới về nghỉ hưu ở 60 tuổi, lúc đó điều kiện lao động còn nhiều cải thiện nữa, thậm chí lúc đó người ta còn muốn đi làm thêm. Nhiều người lầm tưởng ngày mai nghỉ hưu thì nữ đã 60 tuổi, còn nam 65 tuổi. Ở đây có sự điều chỉnh rất từ từ trong vòng hơn 20 năm.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.

PV: Bà đánh giá Bộ luật Lao động sửa đổi lần này sẽ tác động như thế nào đến người lao động?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Chức năng đầu tiên của Bộ luật Lao động là điều chỉnh quan hệ lao động. Tôi cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này đã rộng hơn. Thứ hai, Luật có tác dụng bảo vệ người lao động trong bối cảnh mới. Ví dụ tại sao phải điều chỉnh hợp đồng lao động, bởi người lao động hiện nay họ đâu có phải chỉ làm việc ở một vị trí. Họ làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, ví dụ như tôi đã gặp rất nhiều trường hợp ban ngày họ là nhân viên văn phòng, tối đến họ lại chạy xe ôm, taxi công nghệ. Có nghĩa một ngày của họ có rất nhiều chủ sử dụng lao động do đó Bộ luật Lao động phải sửa đổi để điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới hiện nay như điều chỉnh về hợp đồng lao động, điều kiện đóng bảo hiểm xã hội. Có nghĩa phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

PV: Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động lần này rộng hơn và được đánh giá là phù hợp với thực tế hiện nay của thị trường lao động. Theo quan điểm của bà, nó sẽ có tác động thế nào đến tương lai việc làm tới đây?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Bộ luật Lao động như một máy quét tất cả các quan hệ lao động trong thị trường lao động. Bộ luật phản ánh tốt các ngóc ngách của quan hệ lao động rất đa dạng hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng đã thể hiện ra vai trò của Nhà nước tốt hơn, dân chủ hóa tốt hơn. Có nghĩa Nhà nước sẽ không làm những việc mà thị trường làm được như mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương. Thêm nữa, Bộ luật này cũng tăng cường điều chỉnh các mối quan hệ như già hóa dân số, vấn đề đình công. 

Bộ luật Lao động sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện rất tốt cho tương lai việc làm tới đây. Thị trường lao động hiện nay có rất nhiều phân khúc khác nhau và rất linh hoạt. Trong một ngày người lao động có thể sắm rất nhiều vai. Những vấn đề này Bộ luật đã có sự điều chỉnh. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng làm cho thông tin thị trường lao động lành mạnh hơn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm khác.

PV: Cũng như bà phân tích, tinh thần Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường lao động hiện nay để phù hợp hơn với thực tế. Bắt đầu tư 2021, Bộ luật này sẽ có hiệu lực, chúng ta phải triển khai thực hiện thế nào để Bộ luật sớm đi vào cuộc sống?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Việc đầu tiên cần làm là phải cung cấp được đầy đủ thông tin cho người dân hiểu. Ở đây chính là câu chuyện truyền thông, làm sao để người dân hiểu được ngọn ngành của Bộ luật. Hiện nay, còn quá nhiều vấn đề mà truyền thông chưa tốt, từ đó mới dẫn đến việc không ít người vẫn băn khoăn về một số điều trong luật. Ví dụ phải tuyên truyền để người ta hiểu rõ đi làm thêm 3 tháng để nhận lương hưu 5 triệu hay là nghỉ sớm để chỉ được nhận 3,5 triệu. Phải cho người ta thấy rõ lợi ích của mình, chứ nếu người ta cứ nghĩ kéo dài thêm thời gian mà chẳng được cái gì thì người ta băn khoăn là đúng.

Thêm một việc nữa là cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành nhưng phải đồng loạt và phải dựa trên các công cụ hiện đại. Ví dụ tôi sinh năm 1980 thì đến năm bao nhiêu tôi về hưu và lúc đó tôi bao nhiêu tuổi. Thì phải có những phần mềm chỉ việc nhấn nút tra là có ngay thông tin là sẽ giải tỏa cho người ta rất nhiều thắc mắc. Khi người ta nắm rõ thông tin, người ta sẽ bình tĩnh. Còn đối với doanh nghiệp người ta khi nắm bắt rõ những quy định của luật người ta cũng có những sự chuẩn bị tinh thần nhất định. Ví dụ nhưng trước đây mỗi lần bàn tăng lương tối thiểu là cứ ầm cả lên nhưng mình làm minh bạch với điều kiện này, tỷ lệ này cho nên tôi tăng lương tối thiểu, tôi có sự thông báo trước, điều chỉnh từ từ. Tất cả những việc đó là những liệu pháp giảm sốc.

PV: Có một thực tế là hiện nay khi triển khai luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật đều rất chậm. Chính vì thế gây ra rất nhiều khó khăn để luật có thể đi vào cuộc sống. Đối với Bộ luật Lao động sự ảnh hưởng còn lớn hơn nữa. Theo bà thì phải làm thế nào để không xảy ra sự chậm trễ này?

TS Nguyễn Thị Lan Hương: Đây cũng là vấn đề tôi muốn nói. Đối với Bộ luật Lao động sửa đổi này, đã có một chuyên gia đếm ra có đếm 1/3 điều khoản sau này Chính phủ sẽ hướng dẫn. Đây là một vấn đề cần bàn. Trước đây có quy định về miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng chờ mãi chẳng thấy thông tư hướng dẫn, rồi đến khi có thông tư hướng dẫn cũng chẳng ai áp dụng. Đúng ra khi xây dựng luật cần phải giảm bớt những vấn đề này. 

Trong luật cần phải thể hiện những điểm định lượng bởi nếu sau này quá nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ phá vỡ tư tưởng luật. Bởi khi xây dựng một thông tư, nghị định người ta chỉ đề cao phần trước mắt, còn bộ luật sẽ dài hơi hơn. Việc có quá nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn cũng là một điểm trừ của sự tiến bộ trong bộ luật này.

Bắt đầu từ 2021 bộ luật này sẽ chính thức có hiệu lực thì tất cả các thông tư, nghị định hướng dẫn phải triển khai trong năm 2020. Khi đi vào thực hiện phải đồng bộ, tránh tình trạng khi thực hiện xây dựng thông tư sau lại đè thông tư ra trước. Cách làm phải khác trước, chứ làm luật tân tiến hơn mà cách làm vẫn cũ thì không ổn. Nói tóm lại, để bộ luật này sớm đi vào cuộc sống thì phải làm tốt công tác tuyên truyền nhưng cách làm phải mới phù hợp với thời đại công nghệ. 

Thêm nữa là phải chuyển bộ luật sang dạng hỏi đáp để người ta tra, thì người ta nắm bắt luật tốt hơn. Phải quy định, nhanh chóng thậm chí là quyết liệt những điều mà Chính phủ hướng dẫn đều phải làm trong năm 2020, khi luật có hiệu lực thì triển khai được đồng bộ. Cuối cùng một số điểm còn chưa thông qua như giảm thời gian làm việc chung nhưng tăng thời gian làm thêm cần phải tiếp tục nghiên cứu và phải có những đánh giá cụ thể.

PV: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Lan Hương!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.