“Quỷ đội lốt người” và câu hỏi nhức buốt về tình người

Thứ Ba, 24/07/2018, 08:27
Bị tra tấn như thời trung cổ là những gì mà chị Y Nhiêu, 23 tuổi, trú tại thôn Pêng Siêl, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum phải chịu đựng trong thời gian đi làm thuê ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. 


Những vết sẹo chi chít trên mặt, trên da thịt cho thấy, chị bị hành hạ suốt một thời gian dài. Tại sao vụ việc không sớm được phát hiện? Tại sao rất nhiều vụ liên quan đến bạo hành khác, trong đó có việc ngược đãi trẻ em ở các cơ sở mầm non cũng rơi vào tình trạng này?

Hình ảnh chị Y Nhiêu gầy yếu, hoảng loạn với chi chít những vết thương trên đầu, trên tay chân và nhiều chỗ khác thân thể khiến nhiều người xót xa. Xót xa cho một cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở buôn làng vốn dĩ phải khỏe mạnh, phơi phới như cây trong rừng, như bông hoa ven suối nhưng bị hành hạ, vùi dập đến tàn tạ. Kinh khủng hơn khi người ta liệt kê những dụng cụ mà bà Nguyễn Thị H đã dùng để tra tấn chị như kìm, gậy, kéo…

Tôi giật mình ớn lạnh khi nghĩ đến cảnh, người đàn bà này dùng kìm để vặn răng Y Nhiêu. Bà H có phải là con người nữa không khi đối xử với người giúp việc của mình như vậy? Vì kinh tế khó khăn, chị Y Nhiêu phải rời buôn làng đến quán café của bà H để xin việc. Bà H sau đó đã nhận chị làm người giúp việc gia đình.

Khoảng tháng 6, nghi ngờ chị Y Nhiêu ăn trộm tiền, bà H đã không từ thủ đoạn tàn độc nào khi tra tấn cô gái này. Vào một ngày, chị Y Nhiêu đã trốn khỏi địa ngục trần gian vốn là mái ấm của gia đình bà H để về với buôn làng. Từ đây, câu chuyện chị bị đánh đập, ngược đãi, xâm phạm thân thể, danh dự mới được phơi bày…

Ngày 23-7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký công văn hỏa tốc yêu cầu cơ quan Công an nhanh chóng xác minh làm rõ vụ việc liên quan đến chị Y Nhiêu và xử lý nghiêm. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra từ cơ quan Công an thì cộng đồng vẫn không ngừng xót xa cho chị Y Nhiêu và căm phẫn hành vi mất tính người của bà H.

Với những thương tích trên người, với những tổn thất về tinh thần mà chị Y Nhiêu đã gánh chịu, rồi đây cơ quan chức năng sẽ củng cố để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích của bà H. Pháp luật rồi sẽ có biện pháp để xử lý nghiêm kẻ gây tội nhưng cái để lại sau vụ việc này (và những vụ việc có tính chất tương tự) là những câu hỏi đầy dằn vặt.

Tại sao sống ở thời kỳ này rồi mà con người ta có thể đối xử với nhau dã man như thế? Những người sống cùng bà H sao không lên tiếng can ngăn? Hàng xóm ở đâu sao không nghe tiếng kêu khóc của cô gái này?...

Cách đây khoảng 10 năm, tại Hà Nội, câu chuyện về cô gái làm giúp việc cho một quán phở bị hành hạ dã man được phát hiện đã gây chấn động. Khác với Y Nhiêu là tự trốn thoát, cô gái này được những người xung quanh phát hiện và giải cứu. Thân thể cô chi chít sẹo, những tàn tích của các đòn tra tấn. Tinh thần cô bị những thương tổn không gì xóa nhòa.

Sau đó, vợ chồng chủ quán phở bị khởi tố, bắt giam, xét xử. Cô gái được một doanh nghiệp ở Hải Dương nhận đỡ đầu. Câu chuyện của cô gái sau đó đã có hậu, khi kẻ tàn ác phải trả giá và những người có tấm lòng vàng đã giải cứu, bao bọc và chở che cô. Nay, lại thêm câu chuyện của Y Nhiêu khiến cộng đồng dậy sóng…

Mới đây thôi, vụ việc trẻ em ở nhóm trẻ Mầm non Mẹ Mười tại Đà Nẵng được phát hiện bị bảo mẫu hành hạ dã man cũng gây rúng động dư luận. Không muốn tin cũng phải tin, bởi những hình ảnh trong clip là chân thật.

Hằng tháng, họ nhận tiền của cha mẹ chúng để trông nom, chăm sóc, dạy dỗ. Thế nhưng, cái cách người ta đối xử với chúng thì ngược lại. Việc trẻ em bị bạo hành ở đây không phải chỉ một người biết. Thế nhưng, nó vẫn bị giữ im lặng. Có thể, các cô bảo mẫu ở cơ sở này vì miếng cơm manh áo, vì bị tiêm nhiễm thói tàn độc của chủ, vì vô cảm… nên phụ huynh và cả cơ quan quản lý lẫn bảo vệ trẻ em địa phương không biết.

Làm gì để bớt đi một thân phận yếu thế bị chà đạp? Ngoài việc lan truyền những giá trị tốt đẹp, nhân văn cao cả trong cộng đồng thì cũng chính cộng đồng là nơi phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ và giải cứu đồng loại của mình trước những “con quỷ đội lốt người”.

Cao Hồng
.
.
.