Quy định phi công nghỉ việc phải báo trước 4 tháng

Chủ Nhật, 30/09/2018, 06:43
Tại cuộc họp giao ban báo chí quý 3-2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều 28-9 nhiều vấn đề “nóng” của ngành Giao thông thời gian qua được đề cập đến như phi công nghỉ việc phải báo trước 4 tháng, phương án thu phí Trạm BOT Cai Lậy, sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long…


Trao đổi về phản ánh vi phạm trong tuyển dụng phi công Vietnam Airlines của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hãng Vietnam Airlines đã có báo cáo, rà soát các nội dung tuyển dụng phi công mà đại biểu Cương yêu cầu. Bộ GTVT đã trả lời thư cho đại biểu. 

“Mỗi hãng có quy trình đào tạo và tuyển dụng phi công riêng. Doanh nghiệp được làm theo đúng quy trình đó, việc đưa quy trình có vi phạm hay không thì chúng tôi đang xác minh”, ông Đông cho hay. 

Bộ GTVT khẳng định, quy định phi công nghỉ việc báo trước 4 tháng là phù hợp thực tiễn.

Đề cập Thông tư 21 của Bộ GTVT quy định phi công nghỉ việc phải báo trước ít nhất 120 ngày là trái Bộ luật Lao động (Bộ luật quy định, lao động nghỉ việc phải báo trước ít nhất 45 ngày), Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Thông tư đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật Hàng không quy định, phi công là lao động đặc thù. 

Để tuyển phi công có kinh nghiệm thì mất ít nhất 4 tháng, do phi công phải học chính sách an toàn, làm quen các loại đường bay, có quá trình bay mô phỏng. Trước đây, các hãng hàng không đề nghị quy định báo trước 6 tháng, sau đó Bộ GTVT đã quy định rút ngắn xuống 120 ngày. Ngoài ra, phi công bỏ hãng vào dịp cao điểm hè hoặc Tết thì đề nghị lùi thêm một tháng, để duy trì hoạt động hàng không bình thường, tránh rối loạn.

Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng, cuối năm 2017, các chuyến bay của hãng Jetstar Pacific bị ảnh hưởng do thiếu phi công, hãng Vietnam Airlines phải điều động phi công sang hỗ trợ. Cách đây 2 tháng, hãng Vietjet có nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng do thiếu tiếp viên, vì nhiều tiếp viên báo nghỉ ốm song thực tế là họ dự tuyển vào hãng khác. 

“Hiện nay tình trạng thiếu phi công trên thế giới là phổ biến nên tìm phi công cần thời gian. Do đó, quy định nghỉ việc phải điều chỉnh vì lợi ích của cá nhân và lợi ích cộng đồng”, ông Đông khẳng định.

Cũng tại cuộc họp chiều 28-9, trao đổi về vấn đề trạm thu phí BOT gây “nóng” trong dư luận suốt thời gian qua, mà cao trào là Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ từng đề xuất 5 phương án xử lý Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) sau đó gom lại thành 3. 

Do việc mua lại dự án của Nhà nước khó khăn, theo chỉ đạo của Chính phủ, mới đây Bộ xem xét tới hai phương án, một là giữ nguyên trạm BOT hiện tại trên quốc lộ 1 để thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh; hai là xây thêm trạm trên tuyến tránh để thu phí riêng từng tuyến. 

“Chúng tôi đã họp và tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ hoàn tất các phương án, để chọn một trong hai. Bộ sẽ tập trung tiếp thu phương án xây dựng thêm trạm thu phí tại tuyến tránh và thu phí riêng trên hai tuyến đường để hoàn vốn đầu tư ban đầu”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Đầu tháng 9, UBND Tiền Giang có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất hai phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy. Một là giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km. 

Phương án hai là xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km. 

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, phương án hai sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng, Bộ GTVT phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi dư luận biết.

Diệp Linh
.
.
.