Quỹ bảo hiểm xã hội sinh lời hơn 34 nghìn tỷ đồng

Thứ Hai, 08/05/2017, 08:58
Chính phủ vừa có báo báo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2016. Vẫn như mọi năm, Bảo hiểm xã hội chủ yếu đầu tư vào việc cho ngân sách vay, mua trái phiếu Chính phủ và gửi ngân hàng. Cùng với đó, nợ đọng và trục lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục “phức tạp”.


Theo báo cáo, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội (đã nhập cả quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện từ ngày 1-1-2016) đến cuối năm 2016 khoảng 453,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,44% so với cuối năm 2015.Trong năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã đầu tư 150.061 tỷ đồng, số thu hồi (gốc) là 67.071 tỷ đồng. Tổng số dư nợ đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm là 500.258 tỷ đồng, tăng 19% so năm 2015. 

Các hình thức đầu tư chủ yếu vẫn là mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội có “than phiền” về việc gửi tiền tại các ngân hàng này (theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới) có lãi suất thấp (bình quân 5%/năm) chỉ bằng 64% so lãi suất cho ngân sách nhà nước vay và bằng 71% so với lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn là khu vực có nợ đọng bảo hiểm xã hội cao nhất.

Số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư trong năm khoảng 34.407 tỷ đồng, tăng 1.930 tỷ đồng (tăng 5,9%, trong khi tổng dư nợ đầu tư tăng đến 19%) so năm 2015. 

Tỷ lệ tiền lãi thu được tính trên số dư nợ đầu tư bình quân đạt 7,23%, trong đó đầu tư vào thủy điện Lai Châu mang lại lợi nhuận nhiều nhất (9,2%), tiếp đến là cho ngân sách nhà nước vay (bình quân 7,78%), mua trái phiếu Chính phủ (bình quân 7,04%), gửi tiền có kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại đạt lãi suất thấp nhất, bình quân 5%. 

Dự kiến số tiền sinh lời bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 20.094 tỷ đồng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3.683 tỷ đồng; số còn lại được phân bổ vào quỹ bảo hiểm y tế, trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.

Về độ phủ sóng bảo hiểm xã hội, báo cáo cho biết chưa đạt như kỳ vọng và còn tăng thấp hơn tốc độ tăng bình quân giai đoạn trước. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến hết năm 2016 là hơn 13 triệu người, tăng hơn 775 nghìn người so với năm 2015 (6,31%), trong đó gần 12,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bình quân, một đơn vị tăng mới có 35 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. 

Ở khu vực doanh nghiệp, số đơn vị tăng mới đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, năm 2016, có 13.157 doanh nghiệp tăng mới, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho 75.978 lao động (bình quân 5,8 người/doanh nghiệp). Tỷ lệ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội dưới 10 lao động chiếm 78,54% tổng số doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Tính đến hết 2016, số thu bảo hiểm xã hội ước 174,5 nghìn tỷ đồng. Cũng tính đến thời điểm này, nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 6,55 nghìn tỷ đồng, bằng 3,64% tổng số phải thu, giảm 510 tỷ đồng so với năm 2015. 

Nợ đọng tập trung ở khu vực các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (8,66% so với số phải thu), các hợp tác xã (6,28% số phải thu) và các doanh nghiệp Nhà nước (5,5% so với số phải thu). 

Nợ bảo hiểm xã hội đã giảm so với một số năm trước nhưng tỷ lệ nợ vẫn còn cao ở các doanh nghiệp. Công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đã được tăng cường nhưng hiệu quả thu hồi tiền nợ bảo hiểm xã hội chưa cao.

Năm 2016 là năm đầu tiên cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội; đã thực hiện hoặc phối hợp thực hiện khoảng 10.000 cuộc thanh, kiểm tra, phát hiện 39.445 người lao động chưa được đóng hoặc được đóng thiếu thời gian với số tiền trên 23,6 tỷ đồng; 11.600 người lao động được đóng thiếu mức tiền lương theo quy định của pháp luật với số tiền trên 9 tỷ đồng; 6.800 lượt người hưởng sai quy định với số tiền gần 7,9 tỷ đồng. 

Kết quả đã thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội số tiền trên 62 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 104 đơn vị sử dụng lao động với số tiền 2,1 tỷ đồng, trong đó đã thu được 1,5 tỷ đồng.

Mặc dù số lượt thanh tra còn ít, nhưng qua đó cũng thấy tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến. Các vi phạm điển hình là không đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, ghi mức lương trong hợp đồng lao động thấp hơn mức lương thực trả, ký hợp đồng lao động theo thời vụ nhiều lần để trốn đóng bảo hiểm xã hội, gian lận trong việc lập hồ sơ thực hiện chế độ. 

Tình hình vi phạm sau thanh tra, kiểm tra vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Tình trạng lạm dụng để trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản (quỹ này năm 2016 chi 100% tỷ lệ thu, không có kết dư) bảo hiểm thất nghiệp còn có diễn biến phức tạp. 

Nguyên nhân là do một số đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ từ người lao động không thẩm định chặt chẽ, thậm chí có nơi còn thông đồng với người lao động để trục lợi quỹ; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội còn hạn chế.

V. Hân
.
.
.