Quảng Trị: Khó khăn tìm nguồn nước chống hạn

Chủ Nhật, 14/06/2015, 11:57
Quảng Trị đang huy động mọi nguồn lực để chống hạn, tập trung cứu vãn diện tích lớn ruộng lúa, hoa màu của bà con nông dân đã gieo sạ, trồng, trỉa nhưng chết dần vì thiếu nước… Do nguồn nước tại các sông, hồ, khe suối đều đã cạn kiệt, nhiều nơi trơ đáy, nứt toang hoác nên công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Trung Trực, nông dân ở khóm 3, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) dắt đàn bò tìm nước uống cho chúng ở hồ chứa nước Khe Sanh nhưng tìm mãi không có nơi nào còn nước. Ông Trực thở dài: “Hôm qua còn được vài vũng nước đọng nhưng hôm nay cạn sạch hết cả”. Sao bác không tìm ở các hồ khác? “Còn hồ mô nữa chú! Hồ này lớn nhất rồi”. Theo ông Trực, hơn 40 năm qua, hồ Khe Sanh chưa bao giờ cạn nước. Nhưng nay mọi cây cối tốt tươi hai bên bờ hồ đều đã chết héo.

Lòng hồ chứa nước Khe Sanh đã nứt toang hoác. 

Chúng tôi theo sau ông Trực bước trên mặt đất nứt toang hoác giữa lòng hồ, cảm giác như đi trên đá. Theo hướng tay ông, những hàng tre được trồng để chống sạt lở bờ hồ, sống qua hàng chục năm, vốn có sức chịu hạn rất tốt, cũng đã chết đứng vì hạn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho biết, nguồn nước cung cấp cho bà con lấy từ suối La La trên địa bàn. Nhưng mực nước ở suối hiện tại đã xuống rất thấp; liền hai tháng nay, đơn vị đã huy động trên 500 ngày công để nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng lượng nước thu gom được rất ít, chỉ 1000m³/ngày đêm. Công ty cấp nước Quảng Trị hiện đang khảo sát khu vực có thể thu gom nước từ các sông ngòi, khe suối trên địa bàn tại khóm 6, thị trấn Khe Sanh để xây dựng thành hồ chứa đưa nước về xử lý tại xí nghiệp, sớm cấp nước đảm bảo cuộc sống sinh hoạt, ăn uống cho người dân.

Ở huyện vùng cao Hướng Hóa, xã Tân Long là nơi thiếu thốn nhất nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và sản xuất. Ông Trần Văn Hóa, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long lo lắng: “Khoảng một tuần nữa mà trời không mưa, thì tất cả 17,5 héc-ta lúa nước và lúa rẫy của bà con mất trắng. Riêng về cây sắn, từ đầu tháng 3, toàn xã đã trồng được hơn 70 héc-ta. Do trời nắng hạn, bà con liên tục tưới nước cho cây. Nhưng gần một tháng nay, do không còn nguồn nước để tưới, hơn 90% diện tích bị khô lá, mối ăn thân, rể, mất trắng hoàn toàn”.

Bà Võ Thị Kính, thôn Long Hưng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa bòn từng giọt nước để ăn uống, sinh hoạt.

Tân Long nằm vào cuối nguồn cung cấp nước của cả hai nhà máy Khe Sanh và Lao Bảo; vào các tháng cao điểm thiếu nước, bà con vì thế hầu như không có nước để sử dụng. Nước giếng khoan, nước lấy ở các khe suối trong rừng sâu trở nên rất đắt đỏ, mỗi m³ có giá từ 150 đến 180 nghìn đồng. Ông Trương Trí, thôn Long Hưng, xã Tân Long quệt mồ hôi cho biết: “Tui đã tìm mọi cách để chống hạn cho vườn chuối nhà mình nhưng trời không mưa nên đành chịu, nguồn nước các sông, hồ, khe suối có thể lấy được đều đã cạn kiệt cả rồi”.

Ông Hồ Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Trước tình hình khô hạn kéo dài xảy ra trên toàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở, người dân địa phương huy động mọi nguồn lực, thực hiện mọi phương án để chống hạn. Tuy nhiên, đến nay do hầu hết nguồn nước mặt trên địa bàn đã cạn kiệt, công tác chống hạn đang gặp rất nhiều khó khăn”. “Toàn huyện hiện có trên 200/1150 héc-ta lúa nước, 4000 héc-ta sắn bị mất trắng hoàn toàn do nắng hạn. Huyện đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây củ quả phù hợp với thời tiết nhưng do hạn nặng các loại cây này cũng không phát triển nổi”.

Không chỉ vùng cao Quảng Trị, các vùng đồng bằng, vùng ven biển của địa phương này đều đang phải đối mặt với nạn hạn hán rất nặng. Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết: “Các năm, công ty đảm nhận tưới trên 15.700 héc-ta lúa hè thu nhưng năm nay chỉ có thể tưới được cho khoảng 13.000 héc-ta. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng như hiện nay và thời gian tới nếu trời không mưa, thì lượng nước tại các hồ chứa cũng chỉ đáp ứng được 50% trong số 13.000 héc-ta nói trên”.

Nhằm nổ lực chống hạn, ngày 9/6/2015, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành chức năng trong tỉnh. Đề nghị các đơn vị liên quan cần sớm rà soát lại phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bám sát tình hình chuyển đổi ở cơ sở để khi vướng mắc có giải pháp kịp thời. Đề nghị Sở NN-PTNN tỉnh, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị tăng cường cử người kiểm tra, kiểm soát, tập trung chỉ đạo tưới luân phiên, tiết kiệm nước, kịp thời phát hiện ra những chỗ bất hợp lý để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế…

Phan Thanh Bình
.
.
.