Khẩn cấp đưa lương thực, nước uống đến người dân vùng lũ

Thứ Bảy, 17/12/2016, 15:36
Sáng ngày 17-12, ở tỉnh Quảng Ngãi mưa đã tạnh, nước lũ trên các con sông cũng đã bắt đầu rút nhưng nhiều vùng quê vẫn đang còn bị ngập sâu. Chính quyền địa phương và đơn vị chức năng đang khẩn trương tiếp cận vùng bị cô lập để tiếp tế lương thực cho các hộ dân.

Vùng lũ Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nằm bên dòng sông Vệ vẫn còn ngập chìm trong nước. Các tuyến đường về khu vực này vẫn đang bị nước phong tỏa. Phương tiện di chuyển duy nhất đến các khu dân cư là thuyền. Trong sáng nay, UBND huyện Tư Nghĩa và nhiều đoàn thể đã chèo ghe mang mì tôm, nước uống cứu trợ cho các hộ dân ở đây.

Ngôi nhà của bà Lê Thị Liên ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp nước còn đến đầu gối. Tấm phản gỗ được kê cao bằng trên những chiếc ghế gỗ là nơi trú ngụ của bà Liên trong những ngày nước lũ dâng cao. Ngồi mân mê vạt áo đã sờn vai, bà Lê Thị Liên nghẹn ngào: "Mấy hôm nay là nước nó bao vây hết không đi đâu được hết. Nhà thì mì cũng hết rồi, gạo thì cũng ướt hết không có cái gì ăn".

Gần 100 cán bộ, chiến sĩ PCCC Quảng Ngãi cùng phương tiện chuyên dụng đến Trường Tiểu học Hành Tín Đông, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành giúp thầy cô giáo ở đây dọn bùn non đọng trên sân, nền và bàn ghế để cho các em học sinh có nơi học tập trở lại.

Nhà văn hóa thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa mấy hôm nay là chỗ trú ngụ che mưa của hơn 20 chục con người. Bà Bùi Thị Hường, 80 tuổi hôm nay được lực lượng xung kích đưa về nhà vì nước trong nhà bà đã rút. Nhìn nhà cửa, tài sản trong dính đầy bùn non bà Hương không khỏi xót xa, “Giờ có nấu nướng gì được đâu. Ướt hết rồi. Giờ được chính quyền địa phương và các đoàn thế cho mì gói thì rất mừng. Giờ có cái ăn đỡ lo đói”, bà Hương nghẹn lòng.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay thì các khu dân cư dọc ven sông Vệ vẫn còn bị nước phong tỏa. Trong điều kiện nước lũ chưa rút hết, huyện đang tập trung lực lượng ưu đưa mì tôm, nước uống đến cho các hộ dân bị ngập sâu và lâu ngày.

Hơn 10.000 thùng mì ăn liền đã được các lực lượng Công an, dân quân khẩn trương đưa vào tiếp tế cho người dân vùng ngập.

“Trong thời điểm hiện nay thì việc ưu tiên hàng đầu là bảo đảm ăn uống hàng ngày cho người dân. Hiện nay thì gạo lúa của bà con chúng ta thì cũng đã ngập hết cho nên cái khẩn cấp chủ yếu là hỗ trợ cho bà con chúng ta là về mì tôm, nước uống để bảo đảm cho cuộc sống của bà con hàng ngày là cần thiết nhất” - bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nói.

Thuyền là phương tiện duy nhất để đưa lương thực và nước uống cho người dân vùng lũ Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chủ động lực lượng, phối hợp với các địa phương, nhất là các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi bố trí lực lượng hiện có của đơn vị, phân công về các địa phương để kịp thời hỗ trợ trong công tác ứng phó mưa lũ, sơ tán, di dời dân, chuyển lương thực, nhu yếu phẩm cho các khu vực bị chia cắt do ngập sâu, túc trực, canh gác các điểm còn ngập sâu, điểm có nguy cơ hư hỏng, sạt lở để khắc phục ngay khi có sự cố xảy ra.

Người dân đang gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, nước các sông đang rút và chúng tôi đang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên, hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương, vùng ngập sâu để mà giúp dân làm công tác vệ sinh môi trường, giúp dân khôi phục cuộc sống trở lại bình thường và đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho sản xuất“,  ông Đặng Văn Minh, PCT UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.

Khoảng 200.000 chậu hoa tết ở Quảng Ngãi bị lũ nhất chìm. Bao nhiêu tài sản, công sức của người trồng hoa giờ trôi theo dòng nước lũ.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đợt lũ vừa qua là đợt lũ lớn nhất trong năm nay, đặc biệt trên sông Vệ, mực nước tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 2013. Tổng số nhà bị ngập trên 17.500 hộ. Chính quyền các địa phương đã tổ chức di dời xen ghép trên 4.500 hộ dân nằm trong vùng ngập sâu, sạt lở núi đến nới an toàn.

Mưa lũ đã làm 5 nhà sập hoàn toàn, 3 nhà bị hư hỏng và 12 nhà bị ảnh hưởng của sạt lở núi. Mưa lũ đã làm thiệt hại hoàn toàn 4 phòng ở công vụ tại Trường tiểu học Sơn Nham, huyện Sơn Hà, làm hư hỏng 6 phòng học tại Trường THCS Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh và hầu hết các điểm trường tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ bị ngập sâu, học sinh đánh phải nghỉ học.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại 25ha lúa, trên 360ha rau màu các loại, gần 90ha đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá, hầu hết các tuyến kênh mương trên địa bàn các huyện, tp bị ngập sâu và gây hư hỏng nặng. Toàn tỉnh có 15 tuyến đường liên huyện, liên xã bị ngập sâu gây chia cắt, với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 9.800 mét khối. 


Anh Thư
.
.
.