Nông dân “ôm nợ” với giấc mộng đổi đời từ cao su

Thứ Hai, 27/08/2018, 09:04
Cách đây 17 năm, nhiều hộ dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hăng hái phá bỏ những khoảnh rừng trồng bạch đàn để chuyển sang trồng cây cao su với hy vọng “đổi đời”. Nhưng đến nay, trải qua những trận bão lớn làm hư hại, cùng với giá mủ cao su liên tục giảm mạnh đã khiến cho họ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do bởi nợ nần chồng chất…

Qua tìm hiểu, vào năm 2001, thực hiện dự án “Đa dạng hóa nông thôn”, với sự khuyến khích của chính quyền và cơ quan liên quan về việc trồng cây cao su và viễn cảnh làm giàu từ cây cao su đã khiến nhiều hộ dân các xã Bình Khương, Bình An, Bình Minh, Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hăng hái phá bỏ đất rừng, chủ yếu là trồng cây bạch đàn, để chuyển sang trồng cao su.

Ông Nguyễn Liên (trú tại thôn Tây Phước, xã Bình Khương) cho biết, gia đình ông đã phá bỏ 1,7ha đất trồng bạch đàn để chuyển sang trồng cao su, với hi vọng giống cây này sẽ mang lại lợi nhuận cao, bởi mủ cao su thời điểm đó rất được giá. Vì điều kiện khó khăn, gia đình ông chấp nhận vay 26 triệu đồng từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau trận bão năm 2009, vườn cao su của ông gãy hơn 60%, từ 900 cây chỉ còn 300 cây.

Từ đó đến nay, gia đình tui cố gắng chăm sóc số cao su còn lại mong vớt vát được phần nào, tuy nhiên giá mủ liên tục giảm mạnh nên cũng chug hoàn cảnh với nhiều hộ dân khác trồng cao su ở đây, đó là nợ nần ngập đầu, đến nay cũng chẳng thể trả nợ ngân hàng. Tính đến nay, số tiền gia đình ông nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi lên tới 80 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Lê Văn Liễn (trú tại thôn Trà Lăm, xã Bình Khương) cũng đang chật vật với món nợ vay ngân hàng hàng chục triệu đồng để trồng cao su từ năm 2001.

Ông Liễn tâm sự: “Gia đình tôi đã chuyển 1ha cây bạch đàn sang trồng cao su, thế nhưng sau trận bão 2009, diện tích cao su trong vườn bị gãy mất một nửa. Số cao su còn lại cũng đã cho cho mủ nhưng cũng chỉ thu hoạch cho đỡ phí thôi chứ thu nhập không ăn thua. Cứ như vậy rồi không biết bao giờ mới trả hết tiền nợ ngân hàng nữa”…

Được biết, khi nhận thấy cao su không còn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phần lớn hộ dân đã phá bỏ diện tích cao su để quay về với giống cây truyền thống là cây keo lá tràm. Tuy nhiên, một số hộ vì không có tiền trả ngân hàng nên không thể phá bỏ hoàn toàn diện tích trồng cao su, vì họ sợ như vậy là vi phạm hợp đồng vay vốn.

Theo thống kê của UBND xã Bình Khương, ban đầu dự án trồng cao su có tới hơn 40 hộ dân tham gia trồng với 38ha diện tích đất trên địa bàn xã. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chỉ còn lại khoảng 10 hộ còn trồng cao su trên diện tích khoảng 10ha. Đa số những hộ dân này còn giữ lại diện tích cao su là vì vướng nợ ngân hàng vẫn chưa thể trả.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Khương trao đổi rằng, ngay khi xảy ra những trận thiên tai, bão lũ gây hư hại cây cao su, chính quyền xã cũng đã có tổ chức họp dân, mời phía ngân hàng lên để bàn bạc, đề nghị có hướng khoanh nợ cho các hộ dân đã vay tiền. Thế nhưng, sau các cuộc họp cho đến nay vẫn không thấy ngân hàng khoanh nợ, trong khi đó “lãi mẹ đẻ lãi con”, mà đa số hộ dân còn nợ tiền ngân hàng đều có hoàn cảnh khó khăn nên để trả hết số tiền cả gốc lẫn lãi đối với họ là rất khó.

Vì vậy, chính quyền địa phương rất mong muốn Nhà nước, cũng như tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ dân còn nợ tiền vay ngân hàng để trồng cây cao su theo dự án “Đa dạng hóa nông thôn” giải quyết tình trạng khó khăn này. Đồng thời, có hướng giúp đỡ người dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo…  

Linh Nguyễn
.
.
.