Nỗi niềm ăn, ngủ cùng mai

Thứ Sáu, 29/01/2016, 08:41
Những ngày này, hàng ngàn chậu hoa mai được đặt kín vỉa hè dọc theo quốc lộ 1A đoạn qua thị xã An Nhơn và thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định tạo nên một vẻ đẹp khó lẫn. Đây cũng là thời điểm các chủ nhà vườn và những người buôn mai “khăn gói” ra lề đường, dựng lều, ăn ngủ cùng mai để mưu sinh.


8 năm nay, anh Nguyễn Quốc Huy (33 tuổi, ở thôn Hảo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) đều chọn đoạn Quốc lộ qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) để đưa mai nhà đến bán. 

Khác với trước, 3 năm trở lại đây, thị trấn Diêu Trì cho phân lô đấu giá. “Năm nay, lô chỉ rộng 6m (bề ngang), giá là 1 triệu đồng. Một lô như vậy chỉ xếp được khoảng 60 cây mai. Năm nay, đường tránh chạy ngang làng mai đã mở, tôi cũng có ý định dựng sàn ven đường để bán mai nhưng rồi nghĩ, nhiều nhà xe, tài xế chưa quen với đường mới, họ vẫn có thói quen dừng xe ở khu gần cầu Ông Đô này để mua hoa nên tiếp tục đầu tư vào đây”, anh Huy tâm sự.

Mặc kệ mưa bay, lạnh giá, người bán hoa vẫn chăm chỉ mời và hướng dẫn khách mua mai.

Từ mùng 10 tháng Chạp, anh Huy cùng người em họ đã lo bắt điện, dựng lều ăn ngủ cùng mai.

Ông Nguyễn Văn Ánh (50 tuổi) và anh Phan Hữu Đức (35 tuổi) cùng ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Cùng là công nhân xưởng gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài, dịp cuối năm, doanh nghiệp chưa có đơn hàng, cả hai rủ nhau đi buôn mai. 

“Vậy mà cũng được 5 năm đi buôn hoa ngày Tết cùng nhau rồi đấy! Đợt này, buôn bán khó khăn hơn. Riêng việc đi lùng mai đã vất vả rồi vì năm nay mai nở rộ trước thời điểm cận Tết nhiều. Chúng tôi chọn được 100 cây để buôn bán với bạn bè, khách quen”, ông Ánh chia sẻ.

Gần đó là lều của chị Nguyễn Thị Hồng Nga. Chị giãi bày: “Mọi năm vợ chồng tôi bán tại nhà vườn với số lượng lớn nhưng giá thấp lắm, chẳng bõ bèn với cái công mình bỏ ra gần 300 ngày trong năm. Năm nay ra đây làm thử”.

Vì khách hàng chủ yếu là những chuyến xe khách liên tỉnh hoặc xe chở hàng nên giờ bán hoa chủ yếu vào thời điểm từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối và 1 đến 3 giờ sáng. Anh Phan Hữu Đức kể: “Bán được cây mai không dễ chút nào! Cứ có xe dừng, chạy rà rà qua lô của mình là vội vàng chạy ra mời khách. Nhiều khi vừa tung mền chạy ra thì xe cũng vụt chạy qua lô bên cạnh. Đó là chưa kể, khách mua hoa thường tranh thủ đặt chậu hoa ở các vị trí khá “hiểm” như đầu xe, trần xe... Phụ nhà xe đưa được cây mai lên tới chỗ cần đặt nhiều lúc mệt bở hơi”.

Năm nay, anh Nguyễn Đình Chiến (31 tuổi, ở khu vực Chánh Thạnh, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) đấu giá trúng lô đất ngay trước sảnh Nhà hàng Hoàng Long. Anh kể: “Tôi là người mua mai nuôi. Cứ sau Tết, tôi mua cây đã có dáng sẵn để về chăm, bán vào cuối năm. Đầu năm nay, tôi đầu tư hơn 50 triệu mua 100 cây mai để nuôi. Vì thời tiết thất thường, mai đã nở quá nửa. Tôi chỉ đưa được 40 chậu còn búp xanh đem đi bán. Đến đây đã 3 ngày, tôi chỉ mới bán được 2 cây mai. Khách hàng cứ hỏi có mai giá 300, 400 ngàn đồng không, trong khi giá mai gốc mình mua đã 500 ngàn đồng...”.

Công việc làm quanh năm nhưng chỉ thu được một mùa nên các chủ nhà vườn và cả thương lái đều dồn hết tâm sức vào thời điểm cận Tết. Cảnh thức đêm, chập chờn theo những ánh đèn xe, mời gọi, tư vấn cho khách đến mức quên cả ăn là hình ảnh dễ thấy trên những con đường hoa mai.

H.Nguyên - T.Nguyên
.
.
.