Khốn khổ, cùng cực như... lao động tự do!

Thứ Hai, 09/10/2017, 09:42
Theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), toàn Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động. Có đến 98% trong số này không có bảo hiểm xã hội (BHXH); chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Điều này đồng nghĩa với việc người lao động (NLĐ) không có cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, nhất là khi hết tuổi lao động. TP Hồ Chí Minh là một trong địa phương tập trung đông nhất lao động phi chính thức đến từ các tỉnh và cũng rơi vào tình cảnh tương tự…

Nhà hàng L. nổi tiếng ở quận Thủ Đức có sử dụng lao động theo kiểu riêng của họ. Theo những người từng làm công ở đây cho biết, chiêu thức mà quán này sử dụng trên 10 năm nay là “giam” lương của nhân viên. Từ người làm bếp đến nhân viên phục vụ, thu ngân, kế toán, bảo vệ... đều bị chủ quán nợ từ 1-2 tháng lương và không bao giờ trả số nợ này. Bởi trước khi vào làm, người chủ đã thỏa thuận nếu ai tự ý nghỉ việc hoặc bị đuổi việc vì vi phạm nội quy thì không được nhận phần lương còn lại.

Và như vậy, khả năng nào xảy ra thì người lao động cũng “trắng tay”. Ai phản ứng lập tức bị chủ quán túm cổ áo, đòi cho giang hồ xử. Khi đã “lâm trận”, biết gặp phải người chủ bất lương thì đã muộn nên các nhân viên hoặc cố “chịu đấm ăn xôi” hoặc tự ý bỏ việc, chấp nhận mất tiền lương. Ngoài ra, trong nội quy của quán rất nhiều khoản phạt tiền, nhiều người làm đến cuối tháng còn bị âm lương.

Theo một số nhà chuyên môn cho biết, không chỉ ở lĩnh vực ăn uống mà ở các cơ sở sản xuất nhỏ, hộ kinh doanh cá thể ở nhiều ngành nghề khác cũng áp dụng chiêu thức này nhằm “cột chân” và vắt kiệt sức NLĐ. Vì với thời gian làm việc quá dài mà mức lương lại khiêm tốn như hiện nay thì NLĐ khó có thể gắn bó lâu dài với nơi làm việc.

Anh Bảy, một thầu xây dựng lâu năm ở quận 9 cho biết, giá tiền xây dựng nhà phần thô hiện nay anh nhận làm phải từ 3 triệu đồng/m2 trở lên mới có lời. Thế nhưng, nhiều chủ thầu đến từ các tỉnh có thể nhận với giá chỉ tầm 2,6-2,7 triệu đồng/m2. Vậy người thầu có làm ăn gian dối không? Chắc chắn không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề chính ở đây là cách họ sử dụng lao động.

Ghi nhận qua nhiều công trình nhận thầu giá rẻ cho thấy, thời gian mà NLĐ làm việc là hết sức khắt khe, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 18h, chỉ nghỉ buổi trưa hơn 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, đối với các chủ thầu bình thường, thời gian làm việc theo giờ hành chính nhưng tiền công lại cao hơn.

Lao động tự do làm khuân vác ở chợ đầu mối Bình Điền.

Hỏi một phụ hồ tên Thành làm cho một công trình trên địa bàn Bình Thạnh, anh ta cho biết quê ở Phú Yên, vào TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ cho một thầu xây dựng cùng quê. “Thấy gia cảnh em khó khăn, chủ thầu cho cha mẹ em vay 20 triệu đồng sửa nhà rồi kêu em vào làm phụ hồ trừ nợ dần. Làm việc vất vả nhưng rồi cũng quen, vả lại, ở đây đâu quen biết ai, cũng chẳng có tiền bỏ túi nên cứ thế mà làm”-Thành tâm sự.

Hoàn cảnh của Thành là một thực tế chung của lao động tự do chứ không riêng nghề xây dựng. Lao động bốc xếp ở các chợ lớn như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Bình Điền… là những người làm ăn lương công nhật, chẳng có gì ràng buộc với nhau. Tuy nhiên, để trói buộc số lao động này, các nhà thầu cho họ vay tiền nặng lãi để giải quyết khó khăn, gửi về cho gia đình… rồi trừ nợ hằng ngày vào tiền công. Từ đó buộc họ phải “cày” để trả nợ và ít ai dám quỵt nợ vì họ hiểu nhà thầu sẽ không tha cho họ. 

Từ thực tế ghi nhận cho thấy, người sử dụng lao động tự do lợi dụng mối quan hệ làng xóm, họ hàng ở quê để tuyển người và bóc lột sức lao động của họ bằng đồng lương rẻ mạt. Mà sợi dây ràng buộc thông qua việc cho vay, cho mượn tiền bạc để tạo sự hàm ơn, sự lệ thuộc nên NLĐ dù có khổ mấy cũng phải cam lòng.

Cách đây không lâu, Thạc sĩ Phạm Thanh Thôi (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có đề tài nghiên cứu về thực trạng lao động tự do là người nhập cư làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ ở TP Hồ Chí Minh. Qua thăm dò ý kiến của 300 lao động cho thấy, họ có quan hệ anh em ruột với chủ cơ sở chiếm 2,7%; là bà con họ hàng chiếm 16,3% và người cùng quê quán chiếm 8,7%.

Mỗi ngày, NLĐ phải làm việc từ 10-12 giờ chiếm 49%; từ 13-14 giờ chiếm 12,3% và từ 15- 16 giờ chiếm 4%. Có đến 78,7% cho rằng, chỉ được giải lao chút ít sau bữa ăn trưa và ăn tối; 14,3% không được giải lao trong quá trình lao động. Còn về mức lương, có đến 67,9% chủ cơ sở không trả lương thoả đáng cho họ.

Thế nhưng, thời gian lao động gắn bó với người chủ lại khá dài: từ 3-5 năm chiếm tỷ lệ 16%; từ 5-10 năm chiếm 9,3%. Có điều sự gắn bó ấy không phải xuất phát từ sự hài lòng, tự nguyện mà từ các nguyên nhân như đề cập trên. 

Trong khi đó để giải quyết thực trạng này rất khó, bởi hầu hết những NLĐ tự do đều không có hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Về mặt pháp lý, không có trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể, nhất là khi xảy ra tranh chấp lao động, tiền lương. Mặt khác, qua khảo sát tại quận 11, quận 8 và Bình Tân cho thấy hầu hết các cơ sở sản xuất qui mô hộ gia đình không có các tổ chức hoạt động đoàn, hội dành cho công nhân. Có 60% NLĐ được hỏi cho rằng họ không được ai mời tham gia hoạt động đoàn, hội gì và 32,7% nói có mời nhưng họ  không có thời gian để tham gia.

Cũng theo Thạc sĩ Phạm Thanh Thôi, trung bình mỗi năm khoảng hơn 200 ngàn người (độ tuổi từ 15-39 chiếm khoảng 90%) từ các tỉnh đến làm việc, học tập và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 76% lao động đang làm việc tại thành phố, phần lớn là dân nhập cư. Rõ ràng đóng góp của họ cho sự phát triển kinh tế TP.Hồ Chí Minh là rất đáng kể nhưng họ chưa được người sử dụng lao động và chính quyền địa phương các cấp ở TP Hồ Chí Minh quan tâm bảo vệ quyền lợi cũng như các nhu cầu thiết yếu khác.

M.Hải
.
.
.