Nỗi lo từ rau quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:08
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Tân Thanh, trong tháng 8/2015, các loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc gồm có: táo là 1.970 tấn, nho là 971 tấn,… Các loại rau gồm: cà rốt là 2.425 tấn, súp lơ là 337 tấn…


Cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày cuối tháng 9/2015, hoạt động nhập khẩu rau củ quả từ Trung Quốc về Việt Nam đang diễn ra khá sôi động. Từng xe container chở nông sản nối đuôi nhau để chờ thông quan. Mặc dù đang là những tháng giữa mùa thu nhưng chủng loại rau củ quả nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn khá phong phú, gồm cả những loại nông sản vụ đông như súp lơ, cải bắp, hành tây…

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Tân Thanh, trong tháng 8/2015, các loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc gồm có: táo là 1.970 tấn, nho là 971 tấn,… Các loại rau gồm: cà rốt là 2.425 tấn, súp lơ là 337 tấn… 

Hoa quả đựng trong các thùng có chữ Trung Quốc tại chợ Long Biên.

Trong nửa đầu tháng 9/2015, số lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 2.589 tấn, tiếp đó là nho với số lượng là 1.226 tấn và cam với số lượng là 55 tấn. Các loại rau củ nhập khẩu chiếm số lượng lớn, bao gồm có cà rốt với số lượng 2.380 tấn, súp lơ là 665 tấn,... 

Như vậy, có thể thấy, việc nhập khẩu các loại rau, củ quả từ Trung Quốc vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại cửa khẩu Tân Thanh. 

Theo quy luật thông thường, sau khi nhập khẩu qua biên giới Lạng Sơn, các loại rau củ quả này sẽ được tập trung tại các chợ đầu mối ở khu vực Hà Nội và được các tư thương thu mua để phân phối đến các chợ và đến tay người tiêu dùng.

Các loại hàng này khi đến tay người tiêu dùng lại trở thành hàng Việt Nam. Theo một tiểu thương bán hàng tại đây thì quả nhập của Trung Quốc họ vẫn để nguyên bao bì, nhãn mác trong các thùng xốp. Khi có khách thì mới dỡ ra. “Khách họ mua buôn đưa đi các nơi bán, họ thay nhãn mác hay nói là hàng Việt, hàng Australia..., làm sao chúng tôi biết được”.

Kiểm tra ATVSTP hoa quả tại cửa khẩu Tân Thanh.

Đội lốt hàng Việt nữa phải kể tới dưa vàng hình bầu dục, loại quả từ 3kg trở lên. Khi tới chợ Long Biên, chúng tôi thấy dưa vàng còn nguyên nhãn mác Trung Quốc trong các thùng xốp được gỡ từ xe tải xuống, nhưng những quả dưa này khi vào sạp hoa quả thì người bán hàng đều nói: “hàng Việt Nam” được trồng ở các tỉnh phía Nam. 

Nửa tháng trở lại đây, tại nhiều chợ của Hà Nội xuất hiện loại cam xanh có lá, người bán thì nói rằng đây là cam Hà Giang. Nhưng theo bà Đặng Thị Ngân, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh thì cam này nhập từ Trung Quốc về, trong nửa đầu tháng 9  nhập 55 tấn. Để mua được củ cà rốt “ta” thời điểm này cực kỳ khó, mà trên thị trường hiện nay hầu hết là cà rốt nhập từ Trung Quốc. 

Có mặt ở chợ đầu mối chúng tôi thấy bên các mặt hàng rau củ trong nước sản xuất như rau muống, su su thì còn rất nhiều hàng rau, củ của Trung Quốc như củ cải, khoai tây, hành tỏi, ớt xanh, ớt đỏ, bắp cải, quả lặc lè… Rau, củ, quả bị đội lốt hàng Việt hay hàng Australia, Mỹ một là dễ tiêu thụ, hai là tăng lợi nhuận. Và vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng đánh tráo nhãn mác.

Việc kiểm tra, kiểm soát nhãn hàng hóa do lực lượng Quản lý thị trường đảm nhiệm. “Trong siêu thị hoặc cửa hàng kinh doanh có cấp phép thì chúng tôi còn kiểm tra, xử lý được khi phát hiện vi phạm. Nhưng ở chợ, hàng bán rong thì Quản lý thị trường không kiểm tra vì họ có giấy phép kinh doanh đâu, họ có giấy tờ gì đâu mà xuất trình cho mình kiểm tra”, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết. Như vậy, chẳng khác nào rau, củ, quả ở chợ, hàng bán rong thả nổi cho tiểu thương muốn “hét” xuất xứ gì thì hét sao? Còn quyền lợi người tiêu dùng thì ai bảo vệ?

Người bán hồng khẳng định: Đây là hàng Việt. 

Ai dám chắc hàng hóa đó có đảm bảo ATVSTP hay không? Lấy lý do kiểm dịch rau, củ, quả từ biên giới, khi vào trong nội địa được coi là “vòng an toàn” nên không cơ quan chức năng nào lấy mẫu kiểm tra (trừ khi có thông tin sản phẩm đó có bất thường). Vô lý hơn nữa là trong khi cửa khẩu lấy mẫu kiểm tra thì cứ lấy, còn hàng nhập thì vẫn được phép thông quan và lưu thông trong nội địa. Vài ngày sau có kết quả kiểm nghiệm, nếu lô hàng đó không đạt phải thu hồi thì doanh nghiệp đã tiêu thụ gần hết.

Nếu không cơ quan chức năng nào xử lý rau, củ, quả đội lốt đặc sản Việt ở chợ, sạp hàng thì thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về người tiêu dùng khi phải mua hàng không rõ xuất xứ, bị “đội giá” vì lợi nhuận của người kinh doanh.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.