Nơi dòng sông mang phù sa người lính

Thứ Hai, 19/09/2016, 08:59
Đất nước hòa bình, quê hương im tiếng súng và những cuộc hành hương về Quảng Trị, dâng nén hương thơm, thả bó hoa tươi xuống dòng Thạch Hãn vẫn vẹn nguyên như lời hẹn ước từ sâu trong tâm khảm mỗi người.


Cuộc hành hương với ý niệm về nguồn, về với đồng đội, về bên dòng sông để tri ân những người lính đã hóa phù sa tưới tắm bãi bồi, làm tươi mát những nương dâu…

Lịch sử đã ghi dấu ấn ở Thành cổ Quảng Trị bằng một cuộc chiến khốc liệt, bi hùng; đó là cuộc chiến Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972. Với 81 ngày đêm, với hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, đã gần như san phẳng toà thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị.

Hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Thành cổ Quảng Trị là một ngôi nhà chung, nghĩa trang không mộ chí.

Thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Dòng Thạch Hãn giữa ngày tháng 9 lặng lờ những chiếc lá thu vàng mênh mang mặt nước. Dừng chân bên cầu Thạch Hãn, hai mươi giọt máu hồng trên Tượng đài Mai Quốc Ca - biểu tượng những trái tim trung dũng in bóng xuống dòng sông…

Đã 44 năm trôi qua, câu chuyện về các anh, những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng mỗi người con dân Việt, trong mỗi chuyến hành hương về nguồn. Xuôi sông nhìn về phía biển, Tháp chuông Thành cổ, Bến tưởng niệm Nhan Biều nghiêng soi.

Dòng sông như dáng hình người mẹ ôm lấy, vỗ về những đứa con yêu thương, là tấm gương phản chiếu và là chứng nhân lịch sử tạc ghi về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước quật cường.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến dịch Quảng Trị bắt đầu, giặc mở cuộc hành quân đánh phá tái chiếm tỉnh Quảng Trị, dòng Thạch Hãn đã chứng kiến những cuộc tiến công vượt sông, mở đường dưới mưa bom, bão đạn.

Để bảo vệ cho Thành cổ, trong trong 81 ngày đêm huyền thoại của mùa hè đỏ lửa năm ấy, bình quân mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sỹ.

Lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên, họ không tiếc tuổi thanh xuân của mình, chiến đấu quật cường và anh dũng hi sinh vì độc lập, với quyết tâm còn người còn trận địa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà mất tất cả chứ không thể mất tự do; góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mang về những mùa xuân no ấm, hòa bình cho nhân dân, Tổ quốc.

Những người lính tuổi mười tám, đôi mươi mãi mãi nằm lại với lòng sông, lặng im tan vào đất để giữ lấy từng tấc đất quê hương. Dòng sông mang sứ mệnh lịch sử ấy chứa biết bao nhiêu máu xương của chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Trở thành một biểu tượng lịch sử của mảnh đất Quảng Trị anh hùng…

Sông Thạch Hãn trong mỗi chúng ta luôn là niềm yêu thương tha thiết, có nỗi trở trăn quẫy đạp trên hành trình của mỗi cuộc hành hương trở về. Đặt những bước chân thật nhẹ, rưng rưng trong chất giọng nghèn nghẹn của người hướng dẫn viên đi qua những di vật liệt sĩ.

Dừng lại bến sông lặng lờ hoa đỏ, nghe man mác nỗi lòng người lính: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông nơi đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”…

Khói hương ngút ngàn, tiếng chuông vọng khúc nguyện cầu vang vọng ngõ phố. Những người lính tóc nay đã đổi màu vẫn đóng quân phục đứng trang nghiêm, dõi mắt nhìn ra dòng sông bằng niềm xúc động.

Mẹ già rơm rớm nước mắt thương nhớ những đứa con chưa về… Tất cả nỗi nhớ, niềm thương, lòng tri ân và cảm phục hội tụ trong mỗi ngọn nến, trên mỗi nén nhang thơm, trong mỗi nhánh hoa trôi bồng bềnh.

Dòng sông linh thiêng màu nhiệm, con đò xuôi nhẹ sợ đánh thức giấc ngủ ngàn năm. Những tuổi xuân ý nghĩa đã hóa thân vào cây cỏ, vào sông nước quê hương để cỏ dưới chân Cổ Thành xanh ngút ngàn và nước nguồn Thạch Hãn sạch trong, chảy miết trùng khơi.

Như một câu hát bật môi trong tâm tưởng người xa xứ “Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy như nghĩa tình tôi với quê hương…”. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần về đây lòng chúng ta lại thổn thức khi nghe ân tình thiết tha, niềm vọng tưởng khôn nguôi.

Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy quan trọng của tỉnh Quảng Trị.

Với người dân địa phương, dòng Thạch Hãn luôn có một ý nghĩa đặc biệt từ bao đời nay. Từ xa xưa, dòng sông này là con đường thủy thuận lợi nối liền nhiều khu vực đồng bằng ở Quảng Trị.

Đó là điểm giao thương nối liền nhiều huyện như Hải Lăng, Triệu Phong, và là nguồn cung cấp nước ngọt cho những bãi biền, đồng ruộng xanh tốt quanh năm ở những nơi mà dòng sông này chảy qua.

Trở lại Thạch Hãn, đi trong niềm hân hoan của người dân nơi đây giữa ngày hòa bình, cảm nhận rõ hơn niềm vui, niềm tự hào của họ trước tin vui công trình cầu Thành cổ kết nối đôi bờ dòng sông Thạch Hãn lịch sử sắp được khởi công.

Tin rằng công trình ấy không chỉ có ý nghĩa quan trọng về giao thông nối đôi miền đất nước mà còn là điểm nối dòng sông lịch sử, nối những chuyến hành hương về miền Thành cổ để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không quên rằng, nơi dòng Thạch Hãn ấy, những người lính tuổi đôi mươi đã hiến dâng thanh xuân vĩnh hằng cho Tổ quốc, để sống tốt hơn cho hòa bình thắm mãi!

Thái Diệu
.
.
.