Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thứ Ba, 10/03/2015, 11:38
Mặc dù điều kiện kinh tế không mấy khá giả, nhưng bằng tấm lòng nhân ái, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (38 tuổi, trú ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã đứng ra nhận nuôi, đỡ đầu cho gần 40 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật có số phận không may mắn. Đặc biệt, gia đình chị còn thành lập một Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tư thục để tạo điều kiện nuôi dạy các em được tốt hơn...

Chúng tôi đến Trung tâm BTXH Hoa Sen (do vợ chồng chị Thúy thành lập) đúng lúc chị Thúy đang ân cần chăm sóc, bôi thuốc chống nhiễm trùng ở vết thương đầu gối cho một cháu trai chừng 7 tuổi.

Chị bảo: “Trẻ con hiếu động quá, nên chuyện các cháu bị vấp ngã, xây xước chân tay là chuyện thường. Tuy nhiên, nếu mình chủ quan, không biết cách chăm sóc, rửa vết thương cho các cháu thì sẽ bị nhiễm trùng ngay!”.

Nghe những lời tâm sự như thế, tôi biết rằng chị Thúy luôn có một tấm lòng nhân ái bao la đối với những đứa trẻ không may mắn mà chị nhận nuôi dưỡng ở đây.

Chị Thúy kể, năm 1999, chị tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ; sau đó xin vào làm việc tại một công ty du lịch ở TP Huế và dạy tiếng Pháp cho một tổ chức từ thiện Việt Pháp tại Huế.

“Trong những chuyến công tác từ thiện ấy, mình đã tình cờ bắt gặp những đứa bé không cha, không mẹ; thậm chí có em chỉ mới 6 tuổi đã bồng bế, dắt díu theo 2 em nhỏ rất đáng thương. Thế là mình nghĩ, tại sao mình không xây dựng một mái ấm để đưa các em về chăm sóc, nuôi dạy và cho các em đi học như những đứa trẻ khác...”, chị Thúy tâm sự.

Sau nhiều năm nỗ lực làm việc hết mình, chị Thúy đã tích cóp được số vốn kha khá, đến năm 2012, chị và người chồng quốc tịch Pháp là anh Garcia Jean bắt tay xây dựng trung tâm xã hội để biến điều hằng ước mơ bấy lâu trở thành hiện thực.

Ban đầu, chị tiếp nhận nuôi dạy 10 cháu mồ côi và khuyết tật. Thế nhưng, vì cuộc sống khó khăn nên rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của chị, một lần nữa, bằng tình yêu thương vô bờ bến, chị mở rộng vòng tay để tiếp nhận thêm 26 cháu (từ 4 đến 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng.

Chị Thúy bên những đứa trẻ do mình nhận nuôi, chăm sóc trong một bữa cơm.

Nhìn mái ấm tình thương do vợ chồng chị Thúy tự bỏ tiền túi và vay mượn gần 1,6 tỷ đồng để xây dựng 2 gian nhà với diện tích 200m2 để làm nơi nuôi dạy gần 40 đứa trẻ mà nhiều người đã bày tỏ sự cảm phục lẫn kính nể khi hiếm có người phụ nữ nào lại làm nên một điều “kỳ diệu” như chị Thúy.

Đặc biệt hơn, chị còn lập một thư viện “mi ni” với trên 4.000 đầu sách, tài liệu phục vụ cho việc học của các em ở trung tâm sau giờ học ở lớp.

Lúc rảnh rỗi, chị còn tự mình dạy cho các em những kỹ năng sống để giúp trẻ bị khuyết tật, khiếm khuyết một phần cơ thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng...

Vừa trở về trung tâm sau một buổi học chính khóa ở nhà trường, em Nguyễn Thị Hoài Thương (học sinh lớp 6 trường THCS Hương Hồ) vội chạy đến bên chị Thúy ríu ra ríu rít kể chuyện.

Thương cho tôi hay, em mồ côi cha từ nhỏ nên một mình mẹ gồng gánh, làm tất cả mọi việc để nuôi 5 chị em ăn học, trong đó 2 chị gái của em vẫn còn đang học đại học.

Nhà Thương nghèo nhưng cả mấy chị em đều học giỏi nên “mẹ Thúy” đã nhận em về nuôi và còn cho em được đến lớp học. “Chúng em luôn xem mẹ Thúy như là người mẹ thứ 2 của mình vậy”, Thương xúc động nói…

Mặc dù đã bỏ tiền tỷ xây dựng trung tâm để chăm lo cho các em nhỏ có mảnh đời bất hạnh nhưng ngược lại, vợ chồng cùng cô gái nhỏ của chị Thúy lại sống trong ngôi nhà nhỏ khoảng 10m2, rất giản dị.

Dù vậy nhưng chị Thúy luôn dành mọi thứ từ công sức đến tiền bạc để làm từ thiện, xây dựng phong trào khuyến học.

Cụ thể, chị đã vận động địa phương để mượn một căn nhà văn hóa, sau đó thuê 2 cô giáo và 1 cấp dưỡng để mở lớp mẫu giáo, nuôi dạy cho gần 50 em trên địa bàn xã...

Nói về việc làm của chị Thúy, ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ, khẳng định: “Nhờ cái tâm và việc làm thiện nguyện của chị Thúy mà nhiều con em trên địa bàn phường được biết con chữ, được học hành đến nơi đến chốn. Trong đó, được sự vận động của chị, nhiều hộ gia đình làm nghề sông nước trên địa bàn phường đã đồng ý cho con em đến trường học chữ. Không những thế, chị Thúy còn kêu gọi thêm các nhà tài trợ hỗ trợ tiền học phí, sách vở với mức 2 triệu đồng/ năm cho khoảng 400 học sinh nghèo hiếu học ở địa phương và các phường khác trên địa bàn TP Huế. Việc làm này của chị rất đáng được ghi nhận”.

Trước lúc chia tay chúng tôi, chị Thúy bày tỏ nỗi lòng, rằng: “Hy vọng những đứa trẻ đang sống và lớn lên trong mái ấm tình thương của mình sẽ biết cố gắng, sống có nghị lực để vượt qua số phận, sau này trở thành những người có ích cho xã hội, như thế là vợ chồng mình vui và hạnh phúc lắm rồi!”.

Anh Khoa
.
.
.