Thi hành án dân sự trong các vụ phân chia tài sản trong gia tộc:

Nỗi buồn cảnh “nồi da nấu thịt”

Thứ Sáu, 19/12/2014, 09:39
Ông Chu Quang Tiến, Cục phó Cục Thi hành án dân sự (THA) Hà Nội đúc kết, đa số những vụ THA dân sự liên quan đến việc phân chia tài sản trong gia tộc là các bản án: chia thừa kế; chia tài sản chung; hôn nhân – gia đình. Mỗi vụ THA dạng này đều có những tình tiết khác biệt, song tựu trung lại vẫn là cảnh “nồi da nấu thịt”. Mà khi tham gia giải quyết, không chỉ cán bộ THA mà chính quyền địa phương, người dân sở tại mà cả dư luận đều có nỗi niềm chung là: Buồn!

“Án” thân tộc chiếm 5-7%

Mấy chục năm làm công tác THA, trải qua nhiều vị trí công tác, từ chấp hành viên đến thủ trưởng cơ quan THA, ông Chu Quang Tiến đã gặp khá nhiều vụ việc anh em ruột thịt tranh chấp tài sản của bố mẹ đến mức phải đưa nhau ra toà. Thế mà với nhiều vụ, dù đã có phán quyết của toà nhưng việc thực thi các bản án này lại không hề dễ. Nguyên nhân chủ yếu là trong số những người có nghĩa vụ quyền lợi không đồng ý với phán quyết của toà. Thế mới có chuyện, án có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan THA không thể thi hành bởi người ta vẫn gửi đơn kháng án đến các cơ quan tố tụng... Theo đánh giá của ông Tiến, tại Hà Nội những vụ THA dân sự liên quan đến những người thân thiết trong gia đình chiếm 5-7% và đa số các vụ này đều chiếm nhiều thời gian, công sức của cán bộ THA.

Sự kiện hai người em trai “ôm bom” bằng xăng và gas cố thủ trong nhà hôm 12/12 tại 61B Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội để phản đối việc phải trả nhà cho người anh trai trưởng theo phán quyết của toà là một điển hình của những vụ THA liên quan đến chia thừa kế. Vụ việc gây chú ý đặc biệt của dư luận bởi nó ở ngay trung tâm phố cổ. Hơn nữa, đó lại là việc liên quan đến những người anh em ruột thịt trong một gia đình.

Theo chúng tôi được biết, ông Bùi Tiến Thành, người được quyền THA là con trai trưởng trong một gia đình có 11 anh em (4 trai, 7 gái). Bố mẹ ông di chúc để lại cho  ông thừa kế ngôi nhà này. Thế nhưng, một số người em trong gia đình không đồng tình, khiến ông Thành phải nhờ toà phân xử. Qua hai cấp toà đều tuyên, ông Thành là người thừa kế hợp pháp tài sản nhà đất tại 61B Lò Sũ. Sau khi bản án có hiệu lực, tháng 3/2014, ông Thành làm đơn yêu cầu THA theo quy định của pháp luật.

Vụ việc của gia đình ở 61 Lò Sũ gây chú ý cho nhiều người.

Cơ quan THA sau đó đã ra quyết định THA và cưỡng chế THA. Ngày 17/7/2014, TAND TC có quyết định tạm hoãn THA (thời gian hoãn không quá 3 tháng). Mặc dù hết thời hạn hoãn THA nhưng TAND TC chưa có văn bản trả lời chính thức hết thời hạn nên Cục THA Hà Nội 2 lần có văn bản yêu cầu trả lời bằng văn bản. Và ngày 17/10, TAND TC đã có văn bản trả lời, hết thời hạn hoãn THA.

Sau khi có văn bản trả lời chính thức, Cục THA Hà Nội thực hiện các bước tiến hành THA. Do không nhận được sự đồng thuận của hai ông Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Cường (hai người em của ông Thành) nên cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế THA. Theo kế hoạch, 8h30 ngày 12/12, cơ quan THA và các cơ quan liên quan sẽ cưỡng chế THA đối với ông Cường, ông Dũng. Tuy nhiên, trước đó 30 phút các cơ quan này sẽ tạo điều kiện để 3 anh em ông Thành thoả thuận, tránh phải cưỡng chế. Thế nhưng, dự kiến của các cơ quan chức năng đã không thành bởi khi tới nơi, ông Cường và ông Dũng đã ôm “bom” xăng và gas cố thủ ở trong nhà. Phải đến 14h30 cùng ngày, vụ việc mới được giải quyết xong sau khi hai ông này chấp nhận ký vào biên bản tự rời khỏi ngôi nhà 61B Lò Sũ để trả lại quyền làm chủ cho anh trai mình.

Khi tình thân bị xem nhẹ

“Chiến đấu đến cùng”, “không khoan nhượng” là những cụm từ mà ông Chu Quang Tiến nhắc đến khi tôi đề cập đến tính chất phức tạp của một số vụ việc liên quan đến việc tranh chấp tài sản của anh em trong cùng một nhà. Ví như vụ ở 61B Lò Sũ, cơ quan THA và chính quyền địa phương đã tổ chức 5 cuộc gặp với những người liên quan tại: UBND phường Lý Thái Tổ, tại cơ quan THA, tại nhà nhưng chỉ có bên được THA có mặt, còn bên “bị” thì không. Đấy còn chưa kể, họ kháng cáo đến khắp nơi, gây mất nhiều thời gian cho cơ quan chức năng.

Nhưng với vụ việc xảy ra ở quận Thanh Xuân thì khác. Họ cùng là anh em ruột thịt tranh chấp nhau về đất và đưa nhau ra toà. Các cấp toà đã có phán quyết nhưng trong số họ có người không đồng tình nên đã có đơn  kháng nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… Đến khi các cơ quan có thẩm quyền đều trả lời, “không có căn cứ xem xét lại bản án”, cơ quan THA đã thực hiện nhiệm vụ của mình. Vận động, thuyết phục các đương sự tự nguyện THA không được, cơ quan chức năng phải tiến hành cưỡng chế. Thế nhưng, hậu cưỡng chế THA, họ vẫn… “chiến đấu” với nhau.

Những người máu mủ ruột rà chà đạp lên tình thân khiến nhân tình thế thái thêm một câu chuyện buồn đã đành, đến cả cán bộ THA và thủ trưởng cơ quan THA  không… chịu làm theo ý họ, cũng bị họ… kiện lại. Ông Chu Quang Tiến cho biết, có một vụ kiện về hợp đồng mua bán tài sản của những người là anh chị em ruột trong một gia đình ở quận Hoàn Kiếm. Toà phán quyết, giao dịch mua bán của những người em với bên mua là sai và ra quyết định huỷ hợp đồng mua bán này.

Cơ quan THA đã tiến hành thực hiện bản án. Thế nhưng, người chị trong gia đình này sau nhiều lần yêu cầu cơ quan THA phải giao lại tài sản này cho mình không được (dù bản án không đề cập đến nội dung này) nên đã kiện thủ trưởng cơ quan THA. Đơn kiện gửi đi các cơ quan của Hà Nội, cơ quan TW. Cứ mỗi lần như vậy, ông Tiến lại phải trả lời các cơ quan chức năng. Thời gian kéo dài gần chục năm và đến nay, thi thoảng ông vẫn nhận được đơn kiện.

Chẳng bố mẹ nào muốn khi mình mất đi, con cái mình lại tranh giành tài sản, dứt bỏ tình anh em. Trong mỗi gia đình, người bố, người mẹ có quyền để lại tài sản thừa kế hoặc không cho con. Nếu mỗi người trong gia đình đều nghĩ về tình ruột thịt, vì gia đình mình sẽ tránh được những vụ tranh chấp thừa kế phải đưa ra toà. Và như vậy, các cơ quan THA, chính quyền địa phương, bà con khối phố sẽ tránh phải nghe, phải nhìn thêm một vụ “nồi da nấu thịt”.

Cao Hồng
.
.
.