Nỗ lực thoát nghèo của Pỉ Thiết

Thứ Hai, 26/01/2015, 09:42
Không tin vào sự sắp đặt của số mệnh, bằng chính bàn tay lao động của mình, Pỉ Thiết, người con gái Vân Kiều ở bản RaLi (thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) quyết tâm thay đổi cuộc sống. Đến nay, chị cùng gia đình đã tạo dựng một cơ ngơi khang trang, có tiềm lực kinh tế vững vàng, mỗi năm tích lũy được gần 200 triệu đồng…

Đến bản RaLi, hỏi Pỉ Thiết không ai là không biết. Nhiều bậc cao niên trong thôn nhắc đến chị như một tấm gương nỗ lực vượt khó phi thường. Đón chúng tôi bên bậc cầu thang nhà sàn, Pỉ Thiết cười hiền hậu: “Miềng có làm được chi đâu mà nhà báo muốn viết. Có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ miềng tìm hiểu cách làm ăn thông qua ti vi, báo đài đó”… 

Pỉ Thiết sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, như nhiều gia đình đồng bào Vân Kiều khác ở vùng núi cheo leo, địa hình phức tạp này. Khi chị biết mang cái gùi để lên nương cũng là lúc chị phải bắt đầu những năm tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quần quật tối ngày trên nương rẫy.

Chị Pỉ Thiết đang bán hàng cho khách.

Người bạn đồng hành nhiều nhất cùng chị có lẽ là ông mặt trời mỗi lần lên rẫy, là tiếng suối róc rách mỗi lần đứng bóng chị nghỉ ngơi. Lam lũ, khó nhọc phát rẫy, trỉa bắp khắp các ngọn đồi.

Không có con chữ, cái nghèo vẫn đeo bám quanh năm suốt tháng. Sự đói nghèo ám ảnh cả tuổi thanh xuân. Đến tuổi trưởng thành, chị lập gia đình với anh Hồ Văn Nhờ, thôn A Ho, xã Thanh. Vì gia đình chồng đông anh em nên anh chị buộc phải ra riêng.

“Ngày đầu hai vợ chồng chỉ có một mái nhà tre nứa dựng tạm trên mảnh đất của ba mẹ mình cho. Cực không tả nổi. Mỗi bữa chỉ có lưng bát sắn”, Pỉ Thiết nhớ lại. Bằng những nỗ lực và quyết tâm của mình, Pỉ Thiết đã cùng chồng gầy dựng cơ ngơi bằng hai bàn tay trắng và quyết tâm thay đổi cuộc sống khó nghèo.

Hằng ngày sau giờ lên rẫy, chị sang nhà hàng xóm xem nhờ ti vi, thấy chương trình nào dạy cách làm giàu chị đều chăm chú nghe. Mỗi khi xã có lớp tập huấn trồng trọt chị đều xung phong xin đi. Tầm gần chục năm trở lại đây, khi phong trào trồng sắn xóa nghèo được triển khai ở vùng Lìa, Pỉ Thiết mạnh dạn trồng 2ha. Bên cạnh đó chị còn khai hoang trồng 2ha tràm, 1ha bời lời và 1ha lúa nước.

Bên cạnh việc tích cực mở rộng diện tích nương rẫy để trồng thêm ngô, chuối và nhiều sắn, chị đã mạnh dạn mở một quán hàng nhỏ để cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho đồng bào trong thôn bản. Từ một người không biết chữ, chị đã năng động biết cách thu lãi từ hình thức buôn bán, kinh doanh dịch vụ.

Pỉ Thiết nói: “Lúc còn độc thân thì nghèo khổ mấy rồi cũng qua nhưng  một khi đã làm vợ, làm mẹ, tôi phải có trách nhiệm với chồng và những đứa con của mình. Nhiều chị em, bạn bè trang lứa nói với tôi cuộc đời mỗi người, giàu nghèo sướng khổ đều có số mệnh cả, nhưng tôi thì không tin. Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước quan tâm cho vay vốn làm ăn nên tôi đã mạnh dạn đầu tư mở quán bán hàng tạp hoá. Dần dần, tôi đã trả hết nợ và thoát nghèo”.

Hiện nay, ngoài buôn bán, chị còn nấu rượu và nuôi heo. Với nghề nấu rượu, chị cũng có bí quyết riêng của mình khi mà chính chị đã chế được một loại men rượu riêng biệt chiết xuất từ 9 loại rễ cây khác nhau, giúp chất lượng rượu của chị luôn ngon và uy tín. Ngoài ra chị còn biết tận dụng hèm rượu để nuôi heo…

Để có được thành công như hôm nay, vai trò của anh Hồ Văn Nhờ, người chồng luôn đồng cam cộng khổ với chị là không nhỏ. Là một người con bản làng, ngoài sức vóc mạnh khỏe, anh còn là một người chồng, người cha mẫu mực về tinh thần yêu lao động. Mỗi ngày đều xoay vần với công việc, có rất ít thời gian để nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè, anh không thấy thiệt thòi mà còn xem đó là niềm hạnh phúc.

Anh Nhờ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng đông anh em nên khó khăn lắm, nhưng từ khi lập gia đình, kinh tế đã khá hơn. Thấy vợ chịu khó, tôi rất mừng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình buôn bán; nhưng cũng không bỏ đất, bỏ rừng, bỏ việc trồng cây. Đó là nguồn vốn cho con chúng tôi sau này”.

Chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh, cho biết thêm: “Hội Phụ nữ xã Thanh rất vui vì có một hội viên năng động như chị Pỉ Thiết. Mô hình kinh tế tổng hợp của chị không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn là tấm gương cho những hội viên khác noi theo. Bây giờ chị là người khá giả nhất thôn. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, Pỉ Thiết thực sự là tấm gương sáng vượt lên bao định kiến về giới để nâng cao vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thành công của chị đã khẳng định phụ nữ miền núi bây giờ không chỉ biết sinh con, lên rẫy mà còn làm kinh tế giỏi, giúp gia đình từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu”...

Phan Thanh Bình
.
.
.