Nỗ lực ngăn chặn “những cái chết từ từ”

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:16
Thuốc lá là thủ phạm gây ra “những cái chết từ từ”. Bởi thế, việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá là đặc biệt quan trọng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực và được áp dụng trong thực tế nhiều năm nay, tuy nhiên hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.

Nhiều người dân còn hoài nghi với tính khả thi của các quy định xử phạt liên quan đến thuốc lá. Thế nhưng, những nỗ lực của các cơ quan chức năng đã mang lại một số kết quả bước đầu quan trọng.

Xử phạt nhiều đơn vị vi phạm       

Theo thông tin từ Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, tổng hợp số liệu của Bộ Công an, Thanh tra Bộ Y tế và các tỉnh cho thấy, năm 2015 tổng số tiền phạt các tổ chức và cá nhân là 192,2 triệu đồng. Có 330 đơn vị bị xử phạt, 32 người bị phạt, 169 vụ nhắc nhở do lực lượng công an thực hiện. Trong quý 4 năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 16 đơn vị không tuân thủ Luật phòng chống tác hại thuốc lá, số tiền phạt 136 triệu đồng.

Quý 1 năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành tại Hà Nội kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại 118 đơn vị, xử phạt 60 triệu đồng. Nhìn vào các con số trên có thể nhận thấy, bước đầu công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu quả. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực kết hợp nhiều biện pháp, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan.

Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời tháng 7-2013 trực thuộc Bộ Y tế. Sau hơn 4 năm hoạt động, mạng lưới phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc được thiết lập. 62 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm, tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá cũng bước đầu được đẩy mạnh.

Hiện nay, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ 26 bộ, ngành, 62 tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tập trung vào 3 mục tiêu: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc.

Nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh: Trường học không khói thuốc, cơ sở y tế không khói thuốc, cơ quan hành chính nhà nước không khói thuốc, khách sạn nhà hàng không khói thuốc, phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc. Tăng cường năng lực thanh tra, công an về tác hại thuốc la, các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn.

Một số cơ quan thực thi nghiêm quy định môi trường không khói thuốc như: Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Trong 4 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tại các tỉnh, thành phố, cơ quan… tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc, về các quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thời gian qua, xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc cũng là một chỉ số quan trọng. Với sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hơn 800 lãnh đạo, chủ tịch công đoàn các đơn vị ngành Y tế, gần 2.000 cán bộ công đoàn ngành Y tế các cấp được tập huấn về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, năm 2015 có 100% các bệnh viện Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, 92% Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế và công đoàn cơ sở trực thuộc ký cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc lá. Điển hình là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện C Đà Nẵng…

Việc xây dựng trường học không khói thuốc cũng là mục tiêu ưu tiên trong xây dựng môi trường không khói thuốc thông qua sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và qua sự chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá còn hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng môi trường không khói thuốc, trong đó có các hoạt động tăng cường xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc tại thành phố Hội An, Hạ Long, Nha Trang, Hải Phòng, Huế, TP Hồ Chí Minh…

Cần kiểm soát việc bày bán thuốc lá nơi công cộng.

Cần người dân đồng hành

Những kết quả trên là tín hiệu đáng mừng để chúng ta tiếp tục phấn đấu loại bỏ dần tác hại của thuốc lá ra khỏi đời sống. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn để xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Đó là, thuế thuốc lá ở Việt Nam còn thấp, giá thuốc lá còn quá rẻ; thuốc lá được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng; trên thị trường hiện còn xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, shisha… (có chứa chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine) quảng cáo gây hiểu lầm về sự an toàn cho sức khỏe…

Những khó khăn này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Bởi thế, mọi người dân cần có ý thức tham gia tích cực vào hoạt động này, cùng các cơ quan chức năng tạo môi trường trong sạch, không khói thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí: Bệnh viện Bạch Mai: 18006606; Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 18001214; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: 024. 36320630; Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: 024.36221959.
Minh Đức
.
.
.