Niềm vui ngày Xuân ở đôi bờ Cửa Đại

Thứ Năm, 18/02/2016, 08:15
Việc cây cầu Cửa Đại được đưa vào sử dụng đã thỏa lòng mong ước bấy lâu nay của người dân, xóa bỏ được tình trạng đò giang cách trở của đôi bờ Thu Bồn…

Nhìn từng đoàn du khách tham quan cầu Cửa Đại cười đùa vui vẻ, chụp hình kỷ niệm dưới ánh nắng xuân ấm áp, ông Nguyễn Trường Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam), bày tỏ rằng, cầu Cửa Đại nối đôi bờ hạ lưu sông Thu Bồn, từ đô thị cổ Hội An sang vùng Đông huyện Duy Xuyên, đưa vào sử dụng được xem là “cú hích” mạnh mẽ để khu vực này phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, khi giao thông đi lại giữa miền quê từng là căn cứ cách mạng năm xưa với đô thị cổ Hội An được thuận lợi, sẽ dễ dàng thu hút khách du lịch đến đây thăm thú. Từ đó tạo nên một chuỗi du lịch khám phá mới: Phố cổ - miền quê – di tích cách mạng, đầy hứa hẹn…

Nhận định của ông Năm là hoàn toàn có cơ sở. Ít ai biết rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Duy Nghĩa là căn cứ địa cách mạng của vùng Đông huyện Duy Xuyên và thị xã Hội An (nay là TP Hội An). Nơi đây đã diễn ra 4 sự kiện nổi bật đi vào lịch sử, gồm sự kiện đồng khởi súng bẹ dừa; trận quyết chiến 23 ngày đêm tại Nổng Thoàng; vụ thảm sát hầm bà Hảnh; vụ thảm sát vườn ông Lĩnh. Trong đó, sự kiện đồng khởi súng bẹ dừa tại rừng dừa nước thôn Thuận An là một sự kiện lịch sử đặc biệt. Dựa vào mưu trí và sự dũng cảm, cán bộ và du kích địa phương đã dùng súng… bẹ dừa để đồng khởi và đã giải phóng quê hương năm 1964.

Cụ Nguyễn Thị Hồng, trú ở thôn Sơn Viên, Duy Nghĩa, tuổi đã ngoài 80, tâm sự rằng, bao đời nay, người dân quê cát Duy Nghĩa muốn qua phố Hội chỉ có cách đi trên những con đò chòng chành. Đến mùa nước lũ thì đành chịu. Việc cây cầu Cửa Đại được đưa vào sử dụng đã thỏa lòng mong ước bấy lâu nay của người dân, xóa bỏ được tình trạng đò giang cách trở của đôi bờ Thu Bồn…

Cầu Cửa Đại vừa được đưa vào sử dụng.

Theo dự án, cầu Cửa Đại được khởi công từ cuối tháng 9-2010, với tổng mức đầu tư khoảng 3.450 tỷ đồng (50% là vốn Trung ương; 50% vốn từ khai thác quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 18,3km, trong đó, phần cầu chính 830m, đường dẫn phía Bắc dài 400m và đường dẫn phía Nam dài 240m. Đây là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Nam và của khu vực, nhằm khai thác hiệu quả 70km bờ biển và 20 nghìn héc-ta đất ven biển ở phía Nam tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Trường Năm cho biết thêm, người dân xã Duy Nghĩa làm nông nghiệp là chủ yếu, trong khi đất sản xuất đã ít, lại bạc màu nên cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn. Khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng, để đón du khách từ phố cổ Hội An sang, chính quyền và người dân đã tính đến chuyện phát triển du lịch miền quê theo hình thức du lịch cộng đồng, hoặc “home stay”.

Ngọc Thi
.
.
.