Niềm vui của những ngư dân sở hữu con tàu triệu đô

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:49
Sáng sớm 16-12, tại Hải Phòng, Công ty Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an) đã tổ chức lễ hạ thủy tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09 do ông Nguyễn Xiêm (ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ tàu.

Tàu Thiện Hải 09 có chiều dài 34,86m; chiều rộng 7,2m; chiều cao mạn 3,5m; thuyền viên 12 người; công suất máy 940/BHP/701 KW, máy của hãng Mitshubishi Nhật Bản; trọng tải tàu là 275 tấn…

Tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09 do Công ty Nam Triệu - Bộ Công an đóng, được hạ thủy sáng 16-12. Ảnh: An Khang.

Trong cái rét căm căm buổi sớm mùa đông trên đất Bắc, ngay trước lúc con tàu trị giá gần 1 triệu USD được hạ thủy, ông Nguyễn Xiêm lập cập chạm tay vào chiếc chân vịt con tàu hậu cần nghề cá mang tên Thiện Hải 09, do ông làm chủ.

Thế là, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, ông bỗng chốc được sở hữu con tàu quý giá, trở thành ngư dân triệu phú đô la. Tần ngần ngắm chiếc chân vịt bằng đồng sáng choang, ông Xiêm xúc động nói với chúng tôi: “Có con tàu này, thời gian đi biển của anh em tôi sẽ dài hơn. Tàu lớn để chứa nước ngọt, đá, dầu và ngăn lạnh chứa cá cung cấp cho các tàu cá đánh bắt cá trên biển. Người dân Lý Sơn chúng tôi có nghề truyền thống là trồng tỏi và đi biển. Được vay vốn đóng con tàu vỏ sắt này, chúng tôi thêm tự tin và quyết tâm vươn khơi bám biển”.

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và tỉnh Quảng Ngãi trao chìa khóa tượng trưng cho chủ tàu Thiện Hải 09.

Có mặt tại lễ hạ thủy tàu Thiện Hải 09, chúng tôi chứng kiến bầu không khí háo hức, xúc động của ông Nguyễn Xiêm cùng nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi, Bình Định có tàu được đóng tại Công ty Nam Triệu.

Lần thứ tư được đến Hải Phòng thăm con tàu của mình đang được hoàn thiện, ngư dân Nguyễn Công Đồng (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Thú thực, tôi cũng khá hồi hộp và lo lắng. Mong sao sớm đến ngày con tàu của tôi được hạ thủy và đưa vào khai thác. Tàu của tôi hiện là tàu gỗ, đi biển không được lâu đã phải trở về đất liền. Nếu có con tàu sắt, chúng tôi có thể đi biển hàng tháng trời, bởi tàu đủ lớn, đủ bền, chứa được nhiều cá, đá lạnh, dầu và nước ngọt, chúng tôi sẽ bám biểm được lâu hơn trong mỗi chuyến ra khơi”…

Ngư dân Nguyễn Xiêm vui mừng bên con tàu trước lúc hạ thủy.

Để có những con tàu vỏ sắt như ngày hôm nay, cũng là mơ ước của bao ngư dân cả nước, ngày 7-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó giao cho “các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển thủy sản quy định tại nghị định này”.

Nhận thức rõ Nghị định 67 của Chính phủ là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển ngành thủy sản nói riêng, đặc biệt là giúp ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Công ty Nam Triệu, một doanh nghiệp công nghiệp an ninh có hơn 30 năm kinh nghiệm đóng tàu, cũng là đơn vị duy nhất của Bộ Công an có chức năng dịch vụ, kinh doanh đóng mới và sửa chữa các loại phương tiện thủy, tìm hiểu khảo sát ở các địa phương, phối hợp với các ngành chức năng tiếp nhận đóng mới, sửa chữa nâng cấp tàu hậu cần nghề cá giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Ngoài con tàu của ông Nguyễn Xiêm được hạ thủy hôm nay, Công ty đang thi công 15 tàu và mới tiếp nhận 30 hồ sơ đóng mới cho ngư dân một số tỉnh, trong đó có Quảng Ngãi, Bình Định… 

Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu cho biết: “Công ty Nam Triệu đã cử nhiều lượt cán bộ và lãnh đạo đi thực tế, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con ngư dân các tỉnh miền Trung. Qua đó, chúng tôi đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cùng bà con chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục theo quy định để thiết kế, đóng mới những con tàu bảo đảm chất lượng, phù hợp với tập quán, thực tế đánh bắt thủy hải sản của ngư dân. Đến nay, Công ty Nam Triệu đã ký kết được trên 30 hợp đồng đóng tàu cá và tàu hậu cần nghề cá cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa… với tổng trị giá hợp đồng trên 700 tỷ đồng. Hiện Công ty đang tổ chức thi công 15 tàu cá và tàu hậu cần nghề cá”.

Được mời dự lễ hạ thủy tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09, ngư dân Nguyễn Thư (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: “Tôi hiện chỉ có con tàu gỗ, vẫn đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa nhưng có lúc bị tàu nước ngoài đe dọa, cản trở bằng cách chạy tàu (vỏ sắt) chặn ngang đường tàu hoặc lao thẳng vào tàu của tôi. Tàu tôi vỏ gỗ nên phải tránh, vì nếu bị đâm thì tàu mình sẽ vỡ, nước tràn vô và chìm… Nhờ có Nghị định 67 của Chính phủ, chúng tôi có tàu sắt, không sợ tàu nước ngoài khiêu khích. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám ngư trường truyền thống, vừa khai thác tài nguyên biển đảo của cha ông để lại, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”. Ông Thư cho biết thêm: “Tôi và anh em lên mạng tìm hiểu thông tin, rồi trao đổi với nhiều bạn tàu và liên hệ với Công ty Nam Triệu của Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, kí hợp đồng đóng tàu. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng rất ủng hộ nguyện vọng của chúng tôi”.

Tại buổi lễ hạ thủy tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09, Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật và đồng chí Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao chìa khóa tượng trưng cho chủ tàu Thiện Hải 09 và khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để Công ty Nam Triệu tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của những con tàu, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ.

Duy Hiển – Thu Hòa
.
.
.