Những vụ tai nạn đau lòng và câu hỏi về trách nhiệm

Thứ Hai, 01/10/2018, 09:54
Vào tối 27-9, một cô gái quê ở Bắc Ninh đang đi xe máy trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị khung sắt từ công trình xây dựng tại đây rơi xuống đè chết tại chỗ. Vụ tai nạn này còn khiến thêm một nạn nhân khác là một người đàn ông đi xe máy qua đây bị thương phải đi cấp cứu.

Nhìn lại hiện trường vụ tai nạn được báo chí mô tả cận cảnh, bất cứ ai cũng phải rùng mình sợ hãi. Cả một tòa nhà cao tầng nằm sát mặt đường đang thi công dang dở hầu như không có sự che chắn, đảm bảo an toàn nào. Những viên gạch, thanh sắt, hay tấm bê tông từ trên cao chỉ cần chờ chực một sự bất cẩn là sẵn sàng lao xuống đường để gây tai họa cho bất cứ người đi đường nào qua đây.

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn đau lòng này được cơ quan chức năng xác định là do trụ bắt ròng rọc trên tầng mái dùng để thi công kính mặt tiền tòa nhà bung ra khỏi vị trí cố định khiến khung sắt rơi xuống đường. Tuột vít khiến khung sắt rơi, cần cẩu xây dựng gãy đè, thi công thiếu che chắn nên sắt thép lao xuống đường... gây chết người. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ; nhà thầu phụ sau đó cũng đã xin nhận hoàn toàn trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ sập cần cẩu, tuột dây cáp làm chết hoặc bị thương một, hai người. Chỉ mới đây thôi, trưa 11-8, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do đứt dây cáp cẩu xảy ra tại công trường xây dựng dự án tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã khiến hai người bị thương nặng.

Trước đó, rạng sáng 18-5, tại một công trình xây dựng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh), khi  công nhân tại công trình nói trên đang thực hiện việc cẩu phễu sắt chứa xi măng lên tầng thượng để thi công thì bất ngờ dây cáp bị đứt, phễu sắt rơi tự do xuống đất trúng một bảo vệ khiến người này tử vong.

Nghiêm trọng hơn, hồi tháng 1-2018, cũng tại một công trình xây dựng trên phố Tố Hữu (Hà Nội), cả một giàn giáo thi công đã sập xuống lúc rạng sáng khiến 3 người chết và 3 người bị thương nặng... Tất cả các vụ tai nạn tương tự đều có nguyên nhân từ sự bất cẩn, không tuân thủ những quy định về đảm bảo an toàn từ các công trình xây dựng.

Có thể dễ dàng nhận thấy tại hàng chục công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, rất ít những công trình tuân thủ và đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động. Không đảm bảo cho chính những người đang làm nhiệm vụ thi công tại công trình.

Người đi đường trên các tuyến đường dễ dàng bắt gặp cảnh những cần cẩu cao vút, mang theo cả những khối bê tông, bó thép đồ sộ tại những công trình xây dựng quay như chong chóng ra mặt đường uy hiếp người tham gia giao thông. Đấy là chưa kể tình trạng thiếu lưới, bạt che chắn an toàn, tình trạng thi công gây lún nứt mặt đường, gây nguy hiểm các công trình liền kề... khiến không ít người bức xúc.

Trên thực tế hiện tại đã có Luật An toàn, vệ sinh lao động và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật đi kèm quy định rõ về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, về trách nhiệm của nhà thầu, chủ đầu tư, người lao động... đối với công trình. Tuy nhiên, con số các vụ tai nạn vẫn cứ dài ra theo từng năm và gây bức xúc trong dư luận.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017 xảy ra  gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 920 người chết và gần 2.000 người bị thương nặng. Theo quy định thì ngoài trách nhiệm chính của nhà thầu, chủ đầu tư, người lao động, còn có trách nhiệm về công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương để xảy ra các vụ tai nạn lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, do những chế tài xử lý chưa nghiêm, đặc biệt là số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng được đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự hầu như rất ít nên trên thực tế chưa có tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Còn đối với lãnh đạo các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương nơi để xảy ra các sai phạm về an toàn lao động thì gần như cũng chưa có nơi nào bị xem xét, xử lý nên tình trạng vi phạm vẫn diễn ra và không có giải pháp triệt để.

Sau một vụ tai nạn lao động, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng sẽ rồi lại có văn bản yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng vi phạm an toàn lao động như những lần khác rồi tất cả... đâu lại vào đấy. Công trình xây dựng thiếu đảm bảo an toàn vẫn tồn tại và những vụ tai nạn đau lòng vẫn lơ lửng chực chờ, sẵn sàng giáng xuống đầu bất cứ ai.

Chính vì vậy, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan quản lý trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm và có hình thức xử lý nghiêm khắc, quyết liệt đang là những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay. Làm được như vậy mới hy vọng hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động đang có chiều hướng gia tăng thời gian qua.

Lam Giang
.
.
.