Những ngư dân nghị lực vượt qua bất hạnh

Thứ Tư, 19/06/2019, 08:25
Đối với ngư dân, biển cả là quê hương, là chốn mưu sinh thấm đẫm máu xương của cha ông từ bao đời nên dù có những rủi ro, họ cũng không thể bỏ biển. Họ luôn đoàn kết, chung lưng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và, sau những mất mát, đau thương, những ngư dân dạn dày nắng gió vẫn can trường, mạnh mẽ mỉm cười vượt lên số phận...


Chúng tôi về thôn Phú Quý, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), ghé nhà vợ chồng anh Trần Ngọc Tuấn và chị Dương Thị Cam. Trước căn nhà nhỏ của họ là quầy tạp hóa đơn sơ, với một chiếc tủ gỗ bên trong đựng một ít chai gia vị, nước mắm, bánh kẹo, mì tôm...

Cạnh đó, anh Tuấn ngồi xếp bằng cặm cụi làm dớn (dụng cụ bắt cá) để bán cho những người đi biển trong làng. Nhìn đôi tay anh thoăn thoắt móc lưới vào khung, khó ai có thể ngờ anh đã bị liệt nửa người, hai chân không còn cảm giác từ lâu.

Anh Tuấn đan dớn để bán cho ngư dân trong vùng kiếm thêm thu nhập.

Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt anh Tuấn đượm buồn, nhớ lại nỗi bất hạnh bất ngờ ập đến với mình. Đó là năm anh mới 34 tuổi, trong một lần đi biển đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Khi anh lặn xuống biển sâu hơn 30m thì bình thở báo sắp hết oxi. Anh liền nhanh chóng ngoi lên, vì nếu ở mực nước sâu như vậy mà hết oxi thì sẽ chết vì ngạt. Nhưng điều anh không lường trước được là trong lúc mất bình tĩnh anh đã ngoi lên khỏi mặt nước quá nhanh, khiến áp suất chưa kịp điều chỉnh dẫn đến toàn thân tê cứng.

Sau khi được sơ cứu và điều trị, anh may mắn sống sót, nhưng lại bị liệt nửa người. Trở về với cơ thể tàn tật, anh chẳng dám nhìn thẳng vào mắt người vợ trẻ, vì sợ chị bắt gặp ánh mắt yếu đuối tuyệt vọng của mình. Chị Cam năm đó mới 26 tuổi, đã phải thay chồng gồng gánh gia đình, vừa chăm chồng bị liệt, vừa nuôi 3 đứa con thơ, đứa lớn học lớp 1, đứa út chỉ mới lên 3…

Nhắc lại những ngày tháng khổ cực đó, chị Cam cũng không hiểu vì sao mình lại có thể mạnh mẽ đến vậy.

“Có lẽ tình yêu thương dành cho chồng con là thứ duy nhất tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng. Tôi chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết phải thật cứng rắn để là chỗ dựa cho chồng con mà thôi”, chị Cam ngồi xuống cạnh chồng cười hiền hậu và kể tiếp rằng, từ ngày đó, chị đã làm đủ mọi việc, từ đồng áng đến đào sắn (mì) thuê, vá lưới...

Bất cứ ai thuê gì chị làm nấy, miễn là có tiền lo cho gia đình. Thời gian đầu sức khỏe anh Tuấn rất yếu, chỉ có thể ngồi một chỗ. Sau này, thấy chồng ở nhà buồn, bà con trong xóm cũng động viên nên chị bàn tính vay mượn mua cái tủ gỗ nhỏ, mở tạp hóa tại nhà để anh bán, vừa kiếm thêm chút đỉnh, vừa để có người ra vô cho anh đỡ buồn.

Kể từ đó, anh Tuấn vui vẻ và hoạt bát hơn hẳn, anh chịu khó vận động để cơ thể linh hoạt hơn. Dần dần, anh có thể giúp chị làm những việc lặt vặt trong nhà. Hai năm nay, nhờ một vài người trong xóm góp ý, anh nảy ra ý tưởng làm dớn bắt cá để bán cho ngư dân trong vùng.

Tuy không phải là thu nhập chính, vì chỉ khi có người đặt hàng anh mới làm, nhưng đây cũng được coi là công việc mà anh tâm đắc. Bởi ít ra dù tàn tật nhưng anh cũng làm được cái gì đó để phụ vợ lo cho gia đình…

Mân mê từng cái dớn vừa hoàn thành, anh Tuấn vui vẻ khoe: “Tính ra mỗi cái cũng kiếm được chừng 50 ngàn, đợt nào khách đặt nhiều, tôi làm tới mức phồng rộp hết cả hai bàn tay, nhưng vẫn thấy vui lắm. Chỉ mong có người đặt làm đều đều như vậy thôi”. Dứt lời, anh cười giòn tan, đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả.

Tại các làng chài ven biển Bình Châu cũng có rất nhiều trường hợp tương tự anh Tuấn. Nhưng để nói về lòng kiên trì và nghị lực vượt lên chính mình thì trường hợp anh Nguyễn Nhị (57 tuổi), ở thôn Định Tân được xem là điển hình.

Cuộc đời anh Nhị trải qua 5 lần gặp nạn trên biển, mỗi lần như vậy anh bị thiệt hại rất nhiều về tài sản. Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì bám biển mưu sinh và chưa từng có suy nghĩ bỏ nghề. Chỉ sau lần bị nạn cách đây hơn 10 năm, anh bị thương nặng tới mức phải nằm một chỗ, mất hoàn toàn khả năng lao động, lúc ấy, anh mới đành ngậm ngùi dừng nghiệp biển sau gần nửa cuộc đời gắn bó.

Anh Nhị nhớ lại, đó là một ngày cuối tháng 12-2008, trong lúc đang chèo thúng đi thu lưới, bất ngờ có một con cá kềm nhảy phóc lên và oái ăm thay, mũi nhọn của con cá lại đâm thẳng vào kẽ xương cổ, khiến anh bất tỉnh tại chỗ. May mắn anh được người bạn đi cùng đưa về tàu sơ cứu tạm thời, rồi chuyển vào quần đảo Trường Sa để các bác sĩ cấp cứu.

Sau một thời gian dài điều trị, dù giữ được mạng sống, nhưng anh bị chấn thương tủy sống cổ, liệt tứ chi, chỉ có thể nằm một chỗ. Ngày từ viện trở về, sức khỏe của anh yếu tới nỗi, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến vợ.

Vợ anh, chị Lê Thị Bốn vẫn chưa thôi ám ảnh về giai đoạn vất vả, khó khăn ấy. Chị kể, thời điểm đó, các con đều đã lập gia đình và lấy chồng xa, ở nhà chỉ có hai vợ chồng với nhau.

Vì anh Nhị chẳng thể tự mình làm bất cứ việc gì nên chị phải túc trực bên cạnh để chăm sóc chồng, chẳng dám rời anh nửa bước. Chi phí điều trị thuốc men cho chồng quá lớn, trong khi chị lại không thể đi làm để có thêm thu nhập. Kinh tế gia đình cũng vì vậy mà lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn vô cùng.

Thấy vợ quá vất vả, anh Nhị càng thương vợ bao nhiêu thì lại càng day dứt bấy nhiêu. Và rồi, sau một năm nằm yên một chỗ, anh tập cử động tay chân, cơ thể anh cũng bắt đầu có cảm giác. Và cứ thế, bằng nghị lực của mình, ròng rã suốt 6 năm trời, anh Nhị tập đi và đã làm nên “kì tích” cho cuộc đời mình.

Giờ đây, dù một nửa cơ thể còn yếu và đau đớn mỗi khi trái gió trở trời, nhưng anh có thể tự mình sinh hoạt và tự đi lại. Vợ anh cũng vay mượn người thân mở quầy tạp hóa nhỏ tại nhà để anh buôn bán kiếm thêm chút tiền trang trải thêm cuộc sống gia đình… 

Linh Nguyễn
.
.
.