Những lời sám hối chân thành

Thứ Sáu, 28/11/2014, 15:22
“…Suốt năm năm qua, không đêm nào là em không tự sám hối về những lỗi lầm mình đã gây ra, vì em tin sám hối cũng là một cách để nhắc nhở mình không bao giờ được phạm phải sai lầm như thế nữa” và “em tin với những gì mình đã nhận ra, cảm thấy, với quyết tâm trong lao động, cải tạo em sẽ có cơ hội làm lại đời mình, có cơ hội để bù đắp lại những gì mình gây ra cho anh chị, vợ con. Anh chị hãy tha thứ và cho em một cơ hội nữa anh chị nhé”.

Nội dung trên là một trong hàng trăm lá thư phạm nhân Trại giam Thanh Lâm gửi cho gia đình bị hại, sám hối lỗi lầm mình đã gây ra, mong được tha thứ và  quyết tâm cải tạo cuộc đời. Để viết được những dòng thư chân thành đó, các phạm nhân – có người còn mới học xóa mù, có người mới học xong tiểu học.

Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những chuyển biến sâu sắc của từng phạm nhân khi tham gia viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Anh cho biết, việc viết thư đã tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm của mỗi phạm nhân. Những suy tư, trăn trở bấy lâu bị kìm nén giờ họ có cơ hội được giãi bày. Có nhiều phạm nhân không dám đối diện với những lỗi lầm mình đã gây ra, ngại ngùng không dám nói lời xin lỗi nhưng khi có cuộc phát động viết thư đã mạnh dạn cầm bút nói lên lời xin lỗi tới người bị hại, thân nhân người bị hại, gia đình, vợ con… Mỗi bức thư đều là sự trải lòng của mỗi phạm nhân, sự sám hối khi phải đối diện với tòa án lương tâm về những lỗi lầm mình đã gây ra, đây cũng là một cách giúp cho họ cảm thấy tâm hồn mình được thanh thản, tiếp thêm sức mạnh trong lao động, cải tạo để trở thành người công dân có ích.

Sau khi phát động cuộc thi, Trại đã nhận được hàng nghìn lá thư của phạm nhân gửi cho thân nhân của mình; bị hại và gia đình bị hại và gửi cho tổ chức đoàn thể.

Thư của phạm nhân Thiều Văn Biên gửi cho mẹ của nạn nhân là bác Trịnh Thị Bình, ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Biên tâm sự: “…dù cháu có nói thế nào đi nữa, hay có phải chịu hình phạt nghiêm khắc thế nào thì cũng không thể làm vơi đi nỗi đau mà gia đình bác phải trải qua khi phải mất đi người con yêu quý, nhưng trong thâm tâm cháu lúc nào cũng cầu mong nhận được sự tha thứ từ gia đình của bác vì sự việc xảy ra…”. 

Phạm nhân Hà Văn Tình gửi cho vợ Trần Thị Nhung ở xã An Nông, Triệu Sơn, Thanh Hoá bộc lộ nỗi ân hận: “Từ quá trình học tập, lao động cải tạo anh càng nhận rõ lỗi lầm của mình. Anh đã sai lầm quá lớn để cho em và mọi người buồn vì anh. Trong thâm tâm anh luôn muốn nói với em rằng “anh xin lỗi”. Chỉ vì thiếu hiểu biết, sự nông nổi của tuổi trẻ anh đã vướng vào vòng lao lý. Bây giờ dù hối hận nhưng cũng không thể nào thay đổi được nữa. Anh đi để lại cho em với trăm ngàn nổi lo lắng, lo toan cho gia đình, gánh nặng của cuộc sống mưu sinh càng làm em thêm mệt mỏi. Tất cả cũng vì anh, vì anh mà bây giờ em không còn nở nụ cười trên môi, em không còn vui vẻ như trước nữa. Là do anh, anh ngàn lần xin lỗi em, không mong em tha thứ, chỉ mong rằng em vẫn cho anh một cơ hội để sau khi chấp hành xong án phạt tù hoàn lương trở về anh sẽ lại được chăm lo, bù đắp cho em, em yêu nhé!”.

Trong những bức thư gửi tới thân nhân gia đình phạm nhân thì thư gửi cho bố mẹ chiếm số lượng lớn, hơn ai hết bố mẹ là người quan tâm, lo lắng và cũng là những người mà họ cảm thấy mắc nợ nhiều nhất “Bố mẹ biết không con đã hối hận và khao khát vô cùng những bữa cơm mẹ nấu, rồi khi nghe tin con bị sốt rét mẹ đã vội vàng lên trại thăm con, nhìn mẹ già đi nhiều vì lo cho con, mẹ đi suốt cả chặng đường mấy trăm cây số mà không ăn gì chỉ để đợi rồi gặp xem con thế nào con đã thương mẹ biết nhường nào và hiểu vì sao người ta nói rằng tình mẫu tử là bao la vô bờ bến”. (Thư phạm nhân Đinh Văn Tú gửi bố mẹ đẻ.

Trại giam Thanh Lâm trao thưởng cho các phạm nhân cải tạo tốt.

Bên cạnh đó, còn có nhiều phạm nhân đã thể hiện sự ăn năn hối hận vì hậu quả mình đã gây ra đối với chính quyền nơi mình sinh sống; cơ quan, tổ chức nơi mình đã từng công tác, vì chính bản thân mình đã làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín, thất thoát về vật chất và suy giảm niềm tin của mọi người. Ngoài những bức thư gửi cho thân nhân của mình, các tổ chức xã hội, các gia đình người bị hại, còn có những trang thư nói lên những tình cảm sâu sắc, đẹp đẽ, nhân văn của Ban giám thị, của các cán bộ ngày đêm “một nắng hai sương” dành  tình cảm thương yêu, quan tâm, săn sóc như một người thầy, một người cha đối với đứa con bị phạm lỗi lầm…

Sau khi nhận được thư, Trại giam Thanh Lâm đã  lựa chọn 30 đối tượng nhận thư  của 30 phạm nhân để tiếp xúc, gặp gỡ, tiếp xúc với những người nhận được thư. Qua tiếp xúc, tuy cảm nhận của mỗi người nhận thư khác nhau nhưng nhìn chung họ đều mở lòng tha thứ cho những tội lỗi mà phạm nhân đã gây ra cho họ, nó thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong bản chất của con người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Tuy nhiên bên cạnh sự cảm thông, sẻ chia và tha thứ của gia đình, của cơ quan tổ chức đoàn thể xã hội, thì phần lớn thân nhân gia đình của bị hại đã nhận lời xin lỗi, song không ít trường hợp họ không thể tha thứ ngay được, mà cần phải có thời gian và đòi hỏi mỗi phạm nhân phải thực sự ăn năn hối cải, chấp hành nghiêm nội quy trại giam, cùng gia đình quan tâm và tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra, để làm vơi đi phần nào sự mất mát cho gia đình bị hại. Điển hình như bà  bà Trịnh Thị Bình, thôn Oanh Kiều 3, xã Thiệu Công, Thiệu Hóa, Thanh Hóa là thân nhân người bị hại trong vụ án giết người do phạm nhân Thiều Văn Biên gây ra...

Đối với thân nhân gia đình phạm nhân, họ rất vui mừng, xúc động khi nhận được thư xin lỗi từ cha, con, chồng… Họ gửi lời cảm ơn chân thành tới cán bộ trại giam và mong rằng cán bộ trại giam sẽ thay họ giáo dục con em họ trở thành con người có ích, biết yêu quý lao động, sớm được hưởng sự khoan hồng của Đảng và nhà nước.

Phương Thủy
.
.
.