Viết tiếp bài “Dựng kịch bản trục lợi lòng nhân ái”:

Những ‘kịch sĩ’ lừa đảo thu lợi từ lòng thương của người đi đường

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:30
Báo CAND có bài “Dựng kịch bản trục lợi lòng nhân ái” viết về các vụ việc xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Thật ra, hiện tượng này còn xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Cao thủ hơn là những chiêu thức đánh vào lòng thương hại khi đưa hình ảnh trẻ sơ sinh, người khuyết tật ra đường để “kiếm tiền”.

Ngoài ra, còn xuất hiện những chiêu độc như bị đánh cướp hết tài sản, bị ung thư ôm nhau nằm liệt trên cầu hay giả bộ chiều lòng du khách rồi trấn lột. Dù là báo chí phanh phui rất nhiều lần các kiểu lừa đảo này nhưng nhiều người vẫn “mở lòng” chỉ vì… thấy họ tội nghiệp. Cứ như vậy mà lòng nhân ái bị các đối tượng lừa đảo trục lợi hằng ngày, đem về cho chúng số tiền… không nhỏ.

“Kịch sĩ” Nguyễn Phát Đạt nhiều lần thực hiện chiêu lừa bị đánh cướp vé số nhưng nhiều người vẫn “dính bẫy”.

Nhân vật bị phanh phui gần đây nhất từng được một tờ báo lớn tại TP Hồ Chí Minh viết bài và quyên góp ủng hộ hơn 50 triệu đồng là ông Nguyễn Phát Đạt, người bán vé số bị cướp đánh gây chấn thương đầu. Nhưng thật sự thì ông Đạt đã thực hiện hàng chục vụ lừa đảo tương tự như vậy để lấy từ lòng nhân ái của người đi đường không biết bao nhiêu là tiền. Một ông lão bán vé số bị đánh tét đầu, cướp hết tài sản được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người chua xót, phẫn nộ những đối tượng táng tận lương tâm cướp cả miếng ăn của người già, người nghèo khổ.

Hình ảnh người đàn ông gầy gò, đầu và áo quần bê bết máu khiến ai chứng kiến cũng thương cảm. Có người phát hiện ông cùng vết thương nằm trên lề đường thương tình cho tiền, đón taxi đưa vào bệnh viện chữa trị nhưng khi cầm được tiền trong tay, vào đến bệnh viện thì người đàn ông này biến mất.

Hiệp sĩ Sài Gòn Nguyễn Việt Sin cho hay, trường hợp của ông Đạt đã được nhóm hiệp sĩ theo dõi và phát hiện. Ông Đạt thường xuyên sử dụng chiêu thức trên để đánh vào lòng thương hại của người đi đường. Mỗi lần “diễn kịch”, Đạt lấy đi không ít nước mắt của người đi đường. Người thương cảm thường giúi vào tay ông ta số tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Mỗi lần hạ màn, ông Đạt thường nắm trong tay cả chục triệu đồng. Không chỉ thực hiện hành vi lừa đảo tại các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mà ngay các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, ông Đạt cũng xuất hiện và thực hiện “vở kịch” của mình.

Ngoài Nguyễn Phát Đạt, trên đường phố TP Hồ Chí Minh hằng ngày vẫn xuất hiện những đối tượng lừa đảo khác với những màn kịch đầy thương cảm để đánh vào lòng thương người của người dân. Hình ảnh mà phóng viên chứng kiến nhiều nhất là hai mẹ con bị ung thư nằm trên cầu Hậu Giang, cầu Ông Buông (quận 6) hằng đêm dõi mắt vào dòng phương tiện qua lại.

Đối tượng giả ung thư nằm trên đường phố bỏ đi một cách khỏe mạnh khi bị hù có… Công an.

Khi có ai dừng xe hỏi chuyện thì người phụ nữ ngoài 40 tuổi chỉ vào bà cụ hơn 70 tuổi nằm thiêm thiếp cho biết: “Mẹ mình bị ung thư, không có tiền chữa trị nên bệnh viện trả về”. Chỉ cần nghe đến chuyện bị “bệnh viện trả về” thì không ai có thể cầm lòng được. Thế là, người 50.000 đồng, người 100.000 đồng giúp đỡ người phụ nữ này đưa mẹ về quê. Ấy vậy mà, cứ một tuần đều đặn hai đêm, hai mẹ con người phụ nữ này lại ra hai cây cầu trên để “hành nghề”.

Để xoay vòng, hai người phụ nữ này đến các địa bàn khác để tái diễn vở kịch. Một đồng nghiệp ở Biên Hòa, Đồng Nai cho hay, không chỉ xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, cặp “mẹ con ung thư” này còn xuất hiện tại TP Biên Hòa, mỗi ngày xuất hiện một vài tuyến đường “diễn trò” vì đã được rất nhiều người cho tiền. Một lần anh bạn đồng nghiệp hù “có Công an đến”, hai mẹ con như có “thuốc thần” bỗng hết bệnh tật, đứng dậy mạnh mẽ và dắt nhau bỏ đi! 

Người thành phố hay chạnh lòng thương cảm dễ bỏ chút ít tiền ra để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà không cần biết họ có thật sự gặp hoạn nạn như vậy không, nhất là những người lam lũ, rách rưới, bệnh tật lê lết trên đường phố. Chị Hoàng Cẩm Tiên (nhà quận 6) cho hay: “Chẳng biết họ bị thật hay giả bộ, chỉ cần nhìn thấy vết thương hay nghe họ kể về hoàn cảnh của họ là đau xót rồi, muốn giúp họ vơi đi phần nào đau đớn. Thời gian gần đây, báo chí phanh phui những vụ lừa đảo này nhiều quá mình mới e dè hơn. Tuy nhiên, mình cũng chặc lưỡi cho qua vì số tiền họ lừa mình chẳng đáng bao nhiêu!”. Suy nghĩ của chị Tiên cũng như bao người dân TP Hồ Chí Minh khác, thà bị mất ít tiền nhưng biết đâu người ta cần thật. Chính suy nghĩ này đã tạo ra đất sống cho các đối tượng lừa đảo.

Lòng tốt thì ai cũng có nhưng đặt lòng tốt vào đúng vị trí thì giá trị của lòng tốt ấy sẽ tăng lên gấp bội, ngược lại, chỉ vì cảm thương cho một số phận nào đó rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thì cần coi lại lòng tốt của mình đã đặt đúng chỗ hay chưa? Có rất nhiều phép thử để “vạch mặt” các đối tượng lừa đảo trên đường phố nếu như chúng ta tỉnh táo và không chạy theo cảm xúc nhất thời. Đừng để mình dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo “xỏ mũi”, để rồi những đồng tiền thương cảm được các đối tượng lừa đảo đưa vào các quán nhậu, trên chiếu bạc hay những nơi vui chơi khác mà có khi ngay cả những người cho tiền các đối tượng này cũng chưa một lần dám đặt chân đến.

Nghinh Phong
.
.
.