Thuốc và thực phẩm chức năng giả - báo trước cái chết thật: Những hệ lụy khó lường

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:00
Dùng hàng giả loại nào cũng nguy hiểm, nhưng thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người thì càng nguy hiểm gấp bội. Một số sản phẩm không có tác dụng tốt cho sức khỏe đã đành, nhiều sản phẩm khác, đặc biệt là thuốc chữa bệnh thì cực kỳ nguy hại cho tính mạng con người.
>> Thực phẩm chức năng - tràn lan các sản phẩm không đúng chất lượng

Thế nhưng, hầu hết người tiêu dùng, nếu bị sử dụng loại hàng giả đặc biệt này đều không hề biết mình là nạn nhân. Chẳng may bệnh nặng lên thì chỉ biết đổ lỗi cho số phận mà không hề biết rằng, thủ phạm giấu mặt lại chính là những lô thuốc giả… mà họ vẫn phải bỏ tiền ra mua như thuốc thật tại các nhà thuốc trên thị trường.

Thuốc, TPCN giả tuồn vào đâu? 

Khi tìm hiểu thông tin về lĩnh vực này, quả thực, chúng tôi, những người viết bài cũng thấy hoang mang, không biết mình đã từng mua và dùng phải thuốc, TPCN giả chưa. Bởi theo tài liệu do các cơ quan chức năng cung cấp khi điều tra về các đường dây làm thuốc và TPCN giả, thì loại hàng giả đặc biệt này đã tuồn vào cuộc sống dân sinh qua rất nhiều ngả đường tinh vi khác nhau.

Nhiều kẻ làm giả loại hàng này đều có chuyên môn về dược, thậm chí chúng thành lập cả công ty liên quan đến lĩnh vực dược. Chẳng hạn, đối tượng Quách Thị Lành, Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Anh Ngọc, chuyên tráo thuốc rẻ thành thuốc đắt như đã nêu ở bài 1 là bác sỹ dược; đối tượng Phạm Văn Luật chuyên buôn bán thuốc Viagra giả bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội bắt giữ cuối năm 2013 là trình dược viên; cặp vợ chồng Trần Đăng Trường, Công ty TNHH XNK Ngân Sơn Thịnh bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ về hành vi sản xuất thuốc giả cũng từng là nhân viên kinh doanh tân dược.

Những đối tượng này có mối quan hệ với các cửa hàng bán thuốc, TPCN ở các trung tâm kinh doanh dược phẩm, thậm chí còn tuồn được vào cả bệnh viện…

Như đường dây sản xuất TPCN giả của Hoàng Thị Hồng Liên đã được các đối tượng mang đi tiêu thụ ở một số cửa hàng bán thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, thậm chí chúng khai còn đưa vào cho một số cửa hàng ở Trung tâm thuốc Hapulico, “chợ” thuốc thuộc diện lớn nhất miền Bắc. Vợ chồng Trần Đăng Trường cũng khai nhận đã tiêu thụ thuốc tại một số cửa hàng ở Trung tâm Dược phẩm quận 10 và Trung tâm Dược Codupha với giá rẻ hơn thị trường.

Quái chiêu là Quách Thị Lành, sau khi sản xuất thuốc giả, Lành đã cho tiêu thụ các loại thuốc như Postinor2, thuốc tiêm Acetaphen do Thái Lan sản xuất chủ yếu cho thị trường phía Nam, Tây Nguyên; còn ở phía Bắc là các loại thuốc kháng sinh dùng để tiêm. Rất nguy hiểm, các loại thuốc tiêm được Lành đưa vào tiêu thụ tại một số bệnh viện, bằng thủ đoạn làm quen và tạo tình cảm với một số lãnh đạo của bệnh viện để bán thuốc. Lần đầu, Lành bán thuốc thật chia hoa hồng lớn cho người có trách nhiệm quyết định vấn đề này. Sau khi chiếm được lòng tin, Lành cho tiêu thụ thuốc giả cùng loại vào các bệnh viện trên. Sau vụ việc này, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã bị kiểm điểm.      

Việc tiêu thụ thuốc, TPCN giả diễn ra rất đa dạng. Có trường hợp còn in vỏ bao bì mới không có số viza. Khi bán, đối tượng giới thiệu là hàng xách tay từ nước ngoài về. Nhiều trường hợp, chúng bán rẻ hơn, không xuất hóa đơn lý do là nguồn thuốc được đưa ra từ bệnh viện…  

Với những trò tiêu thụ tinh vi ấy nên nhiều khi các đối tượng đưa thuốc giả, TPCN giả vào các nhà thuốc mà các chủ hiệu thuốc có khi cũng không nhận biết được, chỉ thấy giá rẻ hơn là ham. Có vụ xảy ra tại một nhà thuốc ở đường Văn Miếu, khi Thanh tra Bộ Y tế phát hiện bán thuốc giả, hóa ra là của nhân viên bán hàng thuê, lợi dụng công việc và sự thiếu kiểm soát của chủ, câu kết với bọn làm thuốc giả đưa vào.

Điều nguy hiểm là người tiêu dùng - bị hại không hề biết mình là bị hại của thuốc, TPCN giả. Khi họ sử dụng, không thấy hiệu quả, thậm chí nếu nguy hại sức khỏe thì có lẽ cũng chỉ biết đổ cho… số phận. Ngay cả một nữ bác sỹ kiêm thêm việc bán thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor2, tạm gọi là chị X. Chị X mua một lô thuốc Postinor2 của 2 đối tượng là nhân viên của Quách Thị Lành. Trong một lần, chị X. uống luôn thuốc tránh thai khẩn cấp mình đang bán nhưng kết quả, chị này vẫn… có thai ngoài ý muốn và khi phát hiện thì cái thai đã quá to, không thể bỏ được. 

Vô tình, người phụ nữ này đã kể câu chuyện đó với một trinh sát của Đội Chống hàng giả. Với kinh nghiệm đánh án, các trinh sát cực kỳ quan tâm đến thông tin này. Và từ đó, dù mất nhiều công, nhưng họ đã lần ra đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả của Quách Thị Lành.

Trong khi đó, theo Trung tá Vũ Công Chí, Đội phó Đội Chống hàng giả, việc bắt giữ các vụ sản xuất, tiêu thụ thuốc giả rất khó khăn. Hầu hết các vụ việc đều có một quy trình khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến việc tiêu thụ hàng hóa. Vụ sản xuất TPCN giả do Hoàng Thị Hồng Liên điều hành là một ví dụ. Liên thuê một hệ thống kho bãi tại Trung tâm Giao thương quốc tế, thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Ngoài việc thuê người vận chuyển TPCN giả đi tiêu thụ, Liên còn thuê người đóng gói, tất cả tạo thành một khâu khép kín. Để bắt giữ được đường dây này, lực lượng đánh án mất rất nhiều công… 

Thời gian gần đây, các đối tượng còn liên tục thay đổi địa điểm, chúng vừa làm vừa nghe ngóng, chỉ cần thấy động tĩnh là lập tức di chuyển địa điểm. Trong quá trình giao dịch, chúng sử dụng tiếng “lóng” và thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc.  

Cán bộ Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đang xét nghiệm để tìm ra thuốc giả.

Hậu quả nhãn tiền

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ Nguyễn Đăng Lâm, Viện phó Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết: Thuốc giả trước hết không thể chữa được bệnh dẫn đến bệnh sẽ diễn biến xấu đi. Trong trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong cho người bệnh sử dụng, trường hợp nhẹ hơn có thể ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan trong  cơ thể, gây kháng thuốc, nhờn thuốc

Còn theo Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Giám định hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, thuốc giả sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với một số loại bệnh. Chẳng hạn, đối với bệnh lao, nếu được điều trị thuốc theo đúng phác đồ thì bệnh sẽ thuyên giảm. Còn nếu thuốc lao bị làm giả, người bệnh dùng vào không đủ liều lượng sẽ dẫn đến việc bệnh bị tăng nặng, khó lường… Trong một số trường hợp dùng thuốc giả, người bệnh còn có thể bị ngộ độc thuốc do cơ thể không thích ứng với các thành phần trong thuốc giả.

Trong vụ cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội bắt quả tang Bùi Văn Hiệp, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và thiết bị y tế HT Hòa Kỳ đang vận chuyển 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp thuốc Zin C-Kid. 

Từ lời khai của Hiệp, Phòng PC46 Công an TP Hà Nội mở rộng vụ án đã bắt giữ Nguyễn Anh Văn là người trực tiếp sản xuất số lô thuốc giả trên. Theo lời khai của Văn thì anh ta cùng với Hiệp mua nguyên liệu thuốc, vỏ hộp bao bì, tem nhãn, đề can và thuê 2 sinh viên đóng gói. Trong đó, thuốc Lumbrotine được dùng để đặc trị cho những người điều trị di chứng tai biến mạch máu não, tê nhức mỏi chân tay, còn thuốc nhãn hiệu Zin C-Kid là thuốc điều trị, bổ sung kẽm cho trẻ em chậm tăng trưởng, phụ nữ đang mang thai… Với nhãn mác ghi như ở trên thì các loại thuốc này đều dùng cho những đối tượng rất đặc biệt, trong trường hợp người bị cao huyết áp sử dụng thì chẳng những không khỏi bệnh mà còn gây tác hại khôn lường. Với các em nhỏ và phụ nữ mang thai, những người cần được bảo vệ thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều…

Trong vụ làm giả thuốc của Quách Thị Lành, một số người sử dụng phải thuốc Postinor2 giả đã có con ngoài ý muốn. Nguy hiểm hơn cả là những người đã dùng phải những loại thuốc đặc trị do Lành “tráo” từ thuốc này thành thuốc khác. Những người này bị nguy hiểm đến tính mạng có lẽ cũng vẫn không biết rằng do mình đã dùng phải thuốc giả….

Về các sản phẩm TPCN bị làm giả, theo Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, qua giám định một số vụ làm TPCN giả đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, các anh phát hiện đa số không có hoặc có hàm lượng các chất quy định thấp dẫn đến việc các loại TPCN này không hề có tác dụng như quảng cáo. Và theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, trong một số sản phẩm TPCN bị kiểm tra, còn phát hiện có những chất không được phép sử dụng như sisbutramine, vardenafil… gây ảnh hưởng đến tim mạch của người sử dụng.

T. Hòa- X.Mai
.
.
.