Những cung bậc cảm xúc Việt từ nửa vòng trái đất

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:12
Một cảm giác thật thú vị khi bay nửa vòng trái đất, vượt Thái Bình Dương rồi đến những thành phố rất xa lạ bên bờ Đại Tây Dương của nước Mỹ như Boston, New York, Washington D.C bất chợt được nghe trong đám đông có tiếng Việt, thứ âm thanh thân thuộc như máu thịt của mình. Mỗi khi nghe thấy tiếng đồng bào, chúng tôi bao giờ cũng dừng lại thăm hỏi như người làng gặp nhau.

Cộng đồng người Việt ở đây đã có những cách giúp đỡ lẫn nhau để thuận lợi nhất. Với khả năng tháo vát sẵn có, người Việt luôn tạo ra những phương cách kinh doanh, buôn bán sao cho giá cả thuận lợi nhất. Những khu chợ của người Việt bao giờ cũng có giá cả thấp hơn so với thị trường nói chung. Đi xe bus của người Việt cùng một tuyến với xe khách Mỹ thì giá cả thấp bằng nửa xe khách Mỹ. Thí dụ đi xe Bus từ Santa Ana tới San Francisco thì xe Mỹ là 70 USD, không phục vụ ăn uống nhưng xe Việt chỉ 35 USD kèm ăn uống.

Cộng đồng Việt được đánh giá là chăm chỉ. Họ làm tất cả những công việc từ đơn giản tới phức tạp cần có bằng cấp để ổn định cuộc sống. Nghề bác sĩ và dược sĩ được lựa chọn nhiều và có thu nhập cao. Không ít gia đình trở nên giàu có. Một số gia đình có du thuyền và thậm chí có biệt thự trên đồi Beverly, nơi nổi tiếng nhiều nhà giàu ở Mỹ. Một nghề khác được chọn nhiều là chăm sóc tóc và móng, gọi là neo (nail). Nghề neo cần kiên nhẫn, tỉ mỉ và có gu thẩm mỹ. Công việc này thu nhập chủ yếu bằng tiền thưởng, bên Mỹ gọi là tip. Tuy người Mỹ ít khi vung tay quá trán, nhưng gom tiền tip cho công việc này cũng đủ sống.

Kiếm sống bên Mỹ không hề dễ dàng. Mặc dù cơ hội đều sẵn sàng cho những người muốn làm việc, nhưng chuẩn để làm việc rất khắc nghiệt. Lời đồn rằng người Mỹ thực dụng, chỉ quan tâm tới thực lực mà không quan tâm tới bằng cấp là sai. Phải nói là Mỹ rất máy móc mới đúng. Bất kỳ nghề gì cũng phải có bằng cấp chứng thực. Tất cả người Việt gia nhập cộng đồng này từ mới tới cũ đều phải tham gia học và thi để có bằng thì mới được hành nghề. 

Có đôi vợ chồng khi ở Việt Nam là bác sĩ và vị trí tốt, khi tới Mỹ hòa nhập vô cùng vất vả, bởi phải học lại để có bằng. Họ đã bị sốc tới nửa năm. Mỗi người Việt trong độ tuổi lao động ở đây thường có ít nhất vài tấm bằng chuyên môn. Ở những nơi đông người Việt như Santa Ana hay San Jose và những nơi khác đều phải nỗ lực để có một tấm bằng chuyên môn mới có được cơ hội làm việc.

Tất nhiên lao động trí óc bao giờ cũng có thu nhập cao. Những người không có năng lực tham gia các công việc lao động trí óc thì có thể tham gia lao động đơn giản như buôn bán ở chợ hoặc trên đường phố. Tuy đơn giản, nhưng vẫn phải nắm luật Mỹ rành thì mới sống được. Luật pháp Mỹ bảo vệ mọi công dân bằng cách phạt không nhẹ tý nào.

Đang trên đường phố Washington, tôi nghe có tiếng Việt thánh thót từ một chiếc ôtô bán đồ lưu niệm. Những chiếc xe lưu động này thường gặp ở quảng trường. Xe thì bán áo phông, mũ, móc chìa khóa có hình ảnh Tổng thống Mỹ, xe thì bán thức ăn nhanh như hotdog, Kebab… Điều lạ là những xe này không được cố định vị trí bán. Mỗi hôm họ dừng bán một đường phố khác nhau theo bốc thăm. Nếu sai chỗ thì sẽ bị phạt nặng.

Ghé vào thăm hỏi thì biết ông bà chủ chiếc xe này tuổi đã cao. Ông tên là Khâu, đã 70 tuổi, quê Bình Phước, đã tới Mỹ cách đây gần 40 năm. Ông rất vui khi gặp đồng hương. Ông thăm hỏi nhiều thứ ở Việt Nam và tỏ ra biết khá nhiều tin tức qua Internet. Nhưng khi hỏi vì sao gần 40 năm ông không về quê thì ông Khâu than thở: “Xem trên internet thấy Việt Nam thay đổi, xây dựng nhiều nhà cửa đường sá mà mừng quá. Bạn bè về quê rồi qua đây kể, tôi thích lắm chú à, nhưng tôi muốn về lắm mà không thể vì sợ đi máy bay. Tôi bị ám ảnh độ cao”. Tôi mua từ cửa hàng ông một chiếc chuông nhỏ có khắc tên Washington D.C. Tiếng kêu của nó rất vui tai.

Siêu thị người Việt ở Orange County.

Bà Mỹ, ngày xưa ở Chợ Lớn, nay kinh doanh tạp hóa ở Orange County cũng gần 70 tuổi khoe với chất giọng Nam Bộ: “Tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam. Mỗi lần về tôi lại đi một nơi mới để du lịch. Nước mình thay đổi nhanh quá! Mấy bữa gần đây tôi hay đi miền Bắc, nơi mà ngày xưa tôi có mơ cũng không tới được chú à. Tôi đi Hà Nội, vào đền Ngọc Sơn ở Hồ Hoàn Kiếm rồi đi thăm chùa Hương và nhiều nơi lắm. Trời đất ơi… Vịnh Hạ Long của mình đẹp quá! Tôi sẽ đi hết để biết đất nước mình đẹp thế nào”, bà Mỹ thốt lên một cách tự hào.

Ở New York, tôi thăm hỏi một chị ngũ tuần bán hoa quả trên đường phố. Khác với những kiều bào hào hứng khi gặp tôi, chị cảm thấy lúng túng. Sau vài câu mới biết nguyên nhân. Chị mới sang đây được 2 năm và rất sợ bị chủ sạp phạt vì “tám” với khách. Tội nghiệp. Xem ra môi trường New York khắc nghiệt hơn nhiều. Không phải giấc mơ Mỹ nào cũng dễ chịu. Người Việt ở New York không đông nên việc đùm bọc nhau cũng khó hơn nơi khác. Chia tay, chị cười bẽn lẽn như một lời xin lỗi.

Lối sống Mỹ rất tiết kiệm. Người Mỹ luôn thiếu tiền. Khoản thu của họ lớn đến đâu thì khoản chi cũng lấy đi của mỗi cá nhân không ít hơn. Nghìn USD là tiền và 1 USD với họ không phải là rác. Khi đến nhà hàng, người Mỹ thường đắn đo thực đơn rất lâu rồi mới quyết định. Nhà hàng mà một suất 50 USD (khoảng triệu mốt tiền Việt) thì rất nhiều người Mỹ không dám vào. Mỗi người phải tự lo cho chính mình. Đây cũng là động lực để mỗi cá nhân buộc phải vươn lên.

Tới San Francisco, chúng tôi gặp một cô gái tên Trinh (quê Lâm Đồng) đã sang đây từ năm 10 tuổi. Do ít tiếp xúc với đồng hương và truyền thông Việt Nam nên tiếng Việt quên gần hết. Cô phục vụ cho tiệm ăn của Nhật. Khi biết tôi đã đi một vòng nước Mỹ qua hơn 10 thành phố thì cô reo lên: “Ôi người giàu!”. Cô không biết dùng những từ quen thuộc như “đại gia”.

Nói như vậy tuy không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hoàn toàn sai. Nhiều người Mỹ cũng không dám bỏ ra thời gian và tiền để đi xa đến thế. Người Việt cũng vậy, nhưng dường như  mỗi người Việt xa quê đều mong muốn được về quê nhiều hơn để được đi dọc từ Nam chí Bắc, thỏa ước mơ được thấy quê hương mình tươi đẹp như thế nào.

Lê Tâm (từ Orange County - Hoa Kỳ)
.
.
.