Những câu chuyện cảm động về “Con đường Hạnh Phúc”

Thứ Bảy, 28/03/2015, 09:13
Có những vùng đất, những địa danh khiến chúng ta luôn khát khao một lần đặt chân đến rồi ngược dòng thời gian, trở về ký ức xa xưa để thấu hiểu, đồng cảm và trân trọng bao con người đã làm nên lịch sử...

“Con đường Hạnh Phúc” nối dài từ thành phố Hà Giang qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn đến Mèo Vạc. Nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, bằng những dụng cụ lao động thô sơ, 1.200 thanh niên xung phong (TNXP) đã phá đá để mở ra con đường của máu và hoa, của gian khổ, hy sinh và hạnh phúc.

Người Hà Giang từ già đến trẻ đều có chung một niềm tự hào khi nhắc đến những dấu ấn lịch sử trên “Con đường Hạnh Phúc”. Đó là những năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ duy nhất có một con đường mòn dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Phía sau cổng trời, bốn bề đá chồng đá; hàng vạn đồng bào chìm trong nghèo đói, lạc hậu.

Thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào, năm 1959, Trung ương Đảng đã đồng ý cho tỉnh Hà Giang mở con đường xe hơi từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Biết một mình Hà Giang “sức mỏng”, Trung ương đã cho huy động thêm lực lượng thanh niên từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, sau này thêm 2 tỉnh Nam Định, Hải Dương để cùng chung sức mở đường. Trong số hàng nghìn TNXP mở đường ngày ấy, không ít người vẫn còn sống. Tuy đã tóc bạc, da mồi nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ hào hùng vẫn còn nguyên vẹn.

Nhớ thuở ngoài đôi mươi, từ Nam Định, ông Nguyễn Mạnh Thùy - hiện là Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Giang,  xung phong lên đường đánh Mỹ. Nhưng rồi chuyến xe chở ông và đồng đội lại được Trung ương quyết định chuyển hướng lên Hà Giang để hòa nhập vào đại công trường mở “Con đường Hạnh Phúc”.

Cũng như ông Thùy, mang trong mình sức trẻ và nhiệt huyết, cách đây hơn 50 năm, ông Hoàng Tùng Dương và bà Lương Thị Hử đã gia nhập đội TNXP Cao Bằng sang Hà Giang làm đường rồi nên duyên vợ chồng. Duyên phận đã níu kéo những người như ông Thùy hay vợ chồng ông Dương, bà Hử ở lại Hà Giang, gắn bó trọn đời với mảnh đất này.

Giờ đây, bên bếp lửa ấm áp, bà Hử lại nhớ về những năm tháng tuổi trẻ trên đại công trường ngày ấy. Bà bảo: “Quên sao được cái thời ăn rừng, ngủ lán, những đêm đông lạnh đến thấu xương, sáng dậy một ca nước quay vòng rửa mặt, đánh răng, chiều về cũng chừng ấy nước giặt tất, rèn mài đục choòng (xà beng 8 cạnh). Vậy mà chị em chúng tôi vẫn ra sức thi đua với anh em đục choòng đấy”.

“Con đường Hạnh Phúc” trở thành một trong những niềm tự hào lớn nhất của người dân Hà Giang.

Với ông Dương, dấu ấn sâu sắc trong 6 năm mở đường là những kỳ tích trên đại công trường. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao năng suất lao động, các đơn vị đã có sáng kiến dùng bao tải gai cho 2 đoạn tre khiêng đất đá, đóng xe cút kít chở đất đá đổ xuống vực, dùng nước đổ vào lỗ choòng, dùng vỏ bắp ngô buộc vào choòng đục đá để tránh nước bắn lên người. Đặc biệt, đơn vị Cao Bằng của ông Dương đã đưa ra nhiều sáng kiến đục đá, đẽo đá, xếp kè làm nên những cung đường cua gấp hàng trăm mét. Ông còn tự hào là một trong 30 TNXP của đội “dũng cảm” treo mình trên vách đá cao 50m đến 60m so với mặt đường, nhìn xuống là sông Nho Quế thăm thẳm để thi công đoạn đường Mã Pì Lèng.

“Như những con rắn mối, chúng tôi bám mình vào đá mà đục choòng, cậy và nhấc từng viên đá nhỏ. Sáng nào ra công trường, anh em cũng dặn lòng có thể mình sẽ không trở về. Thậm chí công trường còn chuẩn bị sẵn cả những đồ “hậu sự” để phòng khi bất trắc. Thế nhưng điều tuyệt vời là trong suốt 11 tháng thi công đoạn đường gian khổ này, không có anh em nào trong đội hy sinh” - ông Dương chia sẻ.

Không có mặt từ ngày đầu khởi công như vợ chồng ông Dương nhưng ông Thùy lại vinh dự được góp sức mình ở đoạn đường khó khăn nhất từ Đồng Văn lên Mèo Vạc. Đến tận bây giờ, ông Thùy vẫn nhớ mãi hình ảnh người đồng đội trẻ Lương Quốc Chanh (Lạng Sơn) chặn xe Trưởng ty Giao thông xin được lên công trường ở Đồng Văn. Nhưng rồi muỗi rừng và sốt rét đã khiến anh Chanh nằm lại nơi cao nguyên đá khi chưa tròn đôi mươi. Trước lúc nhắm mắt, anh nắm tay đồng đội trăng trối: “Hãy cho tôi yên nghỉ bên con đường để hàng ngày nhìn thấy anh em đi lại. Mai này hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, có ai còn nhớ đến tôi không?”.

Thương tiếc đồng đội bao nhiêu, anh em lại càng ra sức thi đua lao động bấy nhiêu. Phần thưởng dành cho người đục choòng giỏi nhất trong ngày có khi chỉ là một ca nước rửa mặt. Vậy mà ai cũng hào hứng tham gia.

Cả ngày vất vả trên công trường nhưng tối về, toàn lán trại lại là lớp học. Người biết chữ dạy cho người chưa biết, người biết nhiều kèm cặp người biết ít. Không chỉ tham gia dạy chữ cho anh em, ông Thùy còn là thành viên trong đội văn nghệ của công trường. Ngoài giờ lao động, đội văn nghệ lại đem tiếng hát, tiếng thơ át đi nỗi nhọc nhằn, gian khổ.

Kể sao cho hết những câu chuyện cảm động trên đại công trường Hạnh Phúc. Nói sao cho tỏ nỗi lòng của những TNXP “ăn gió, nằm sương” mở đường ngày ấy! 50 năm qua, “Con đường Hạnh Phúc” đã đưa ánh sáng văn minh tới những bản làng xa xôi, heo hút; đem ấm no đến với đồng bào dân tộc Hà Giang từ những chuyến xe chở hàng xuôi ngược. Cả 4 huyện nằm trên “Con đường Hạnh Phúc” là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã “thay da đổi thịt” nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Để giảm tỉ lệ hộ nghèo và rút dần khoảng cách với miền xuôi. Chính quyền nơi đây đang nỗ lực giúp dân xây dựng, áp dụng những mô hình phát triển kinh tế.

Đi trên “Con đường Hạnh Phúc” hôm nay, tôi còn được biết đến câu chuyện về những bạn trẻ giữa lòng Thủ đô gặp nhau qua mạng xã hội rồi góp tiền, quần áo đem lên Đồng Văn, Mèo Vạc ủng hộ đồng bào. Dưới chân cột cờ Lũng Cú, họ đã xin phép lãnh đạo Đồn Biên phòng để nối đuôi nhau xếp thành dải đất Việt Nam hình chữ S, thắp lên tình yêu Tổ quốc của lớp trẻ hôm nay. Và còn biết bao tri thức trẻ đã tình nguyện đến vùng cao Hà Giang theo Đề án 600 của Chính phủ, trở thành những cán bộ xã giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

“Con đường Hạnh Phúc” được khởi công ngày 10/9/1959 tại cầu Gạc Đì ven thị xã Hà Giang. Sau 6 năm thi công với hơn 2 triệu ngày công, ngày 10/3/1965, con đường dài gần 200km đã được khánh thành tại huyện Mèo Vạc. 14 TNXP đã mãi mãi nằm lại với “Con đường Hạnh Phúc”, nay đang yên nghỉ tại Nghĩa trang TNXP thuộc thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Lộc Nguyễn
.
.
.