Những cánh rừng pơ mu quý hiếm đang bị tận diệt

Thứ Bảy, 04/05/2019, 08:38
Những cánh rừng tại dãy núi Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk có độ cao trên 1.600 mét, nơi loài cây pơ mu (nhóm IIA) sinh sống và phát triển đã bị “lâm tặc” tìm mọi cách để triệt hạ...


Ký ức rừng pơ mu…

Cuối năm 2016, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) mục sở thị “vương quốc” cây pơ mu trên đỉnh Chư Yang Nia - một phần nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin.

Sau gần 8 giờ cuốc bộ từ chân núi lên đỉnh cao hơn 1.700m, đỉnh Chư Yang Nia chào đón chúng tôi bằng những màn sương mù dày đặc cùng luồng không khí lạnh run người. Mới hơn 16h chiều, cả khu rừng đã tối sầm lại vì tầng tầng lớp lớp lá cây che phủ.

Cơ quan chức năng điều tra, xử lý 1 vụ phá rừng trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Sừng sững giữa lối đi là hàng chục cây pơ mu có đường kính từ 80cm đến hơn 1 mét, cao gần 12m. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, một cán bộ kiểm lâm cùng đoàn cho biết: “Mấy cây này chỉ là cháu chắt thôi. Chưa phải cụ pơ mu đâu”.

Quả thực, đi thêm vài trăm mét, chỉ tay về phía vạt rừng lờ mờ trong lớp sương dày đặc, vị cán bộ này nói: “Kia mới là cụ pơ mu kìa!”. Lần theo hướng cánh tay chỉ của vị cán bộ, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi chứng kiến những cây pơ mu có đường kính hơn 1,5m, cao khoảng 15m, bộ rễ phủ đầy rêu và ngạo nghễ đứng một góc rừng.

Quả thực có tận mắt chứng kiến những “cụ” pơ mu khoác lên mình bộ giáp đỏ sẫm với những đường vân kẻ thẳng và xoắn tuyệt đẹp mới thấy được sự quý giá của loài gỗ này. Những cái rễ to bằng cổ tay, dài gần 3m lòng thòng từ thân cây xuống mặt đất. Đứng cách gần 2m, tôi mở hết tiêu cự của ống kính máy ảnh cũng chỉ lấy được một nửa bộ rễ của cây pơ mu.

Phía trên, những nhánh cành lực lưỡng dang rộng như những cánh tay của lực sỹ. Cảm giác như chạm mặt “kỳ quan” của núi rừng. “Pơ mu ở đây nhiều như mía. Chỉ riêng ở đỉnh Chư Yang Nia này có lẽ phải mất cả tháng trời mới đếm hết pơ mu”, vị cán bộ này cho biết.

Theo số liệu thống kê của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho thấy, với hơn 4.000ha là diện tích pơ mu phân bố rải rác trong Vườn đã được cán bộ kiểm lâm tại đây thống kê thì số lượng pơ mu đã nhiều gấp 16 lần so với diện tích quần thể pơ mu ở Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chẳng thế, trước ngày lên đường tìm pơ mu cổ thụ ở Chư Yang Nia này, Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Lộc Xuân Nghĩa lúc bấy giờ (nay là giám đốc - PV) đã dặn dò kỹ: “Nhà báo đừng viết quá chi tiết về những tiểu khu có pơ mu, kẻo lại vẽ đường cho... lâm tặc”. Và chuyện ấy bây giờ chỉ còn là ký ức...

Đua nhau tàn sát rừng pơ mu

Quả thực, lời cảnh báo của ông Nghĩa là không thừa. Những ngày đầu tháng 4-2019, chúng tôi có dịp trở lại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, một phần nằm trong vương quốc pơ mu của đỉnh Chư Yang Sin mới thấy sự tàn sát của cánh “lâm tặc” nơi đây.

Để đặt chân đến tiểu khu này, chúng tôi đã phải lội bộ gần một ngày, vượt qua nhiều dãy núi cao, vực sâu, mới đến được chốt chặn của công ty. Và phải mất thêm nửa ngày đi bộ nữa, mới đến được khu vực sinh sống của cây pơ mu. Tuy khó khăn là vậy, nhưng vì lợi nhuận từ loài gỗ này mang lại, cánh “lâm tặc” đã bất chấp vào tận đây để đốn hạ. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng loạt cây pơ mu cổ thụ bị chặt hạ chỉ còn lại trơ gốc. Những phần gỗ đã được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng từ lâu.

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, khu vực này đã có tổng cộng 72 cây pơ mu bị đốn hạ, trong đó có 24 cây có đường kính từ 30 đến 60cm, 16 cây đã bị lấy đi phần gỗ đẹp, 5 cây mới chỉ lấy đi một phần thân và 3 cây vừa bị đốn hạ vẫn còn nguyên vẹn.

“Chỉ tính riêng trong tháng 9-2018, đã có 48 cây pơ mu bị cắt hạ, trong đó có 21 cây bị lấy đi phần thân, 19 cây bị lấy một ít, 8 cây còn nguyên vẹn. Để lấy được gỗ từ những dãy núi cao, nơi không một phương tiện cơ giới nào vào được, “lâm tặc” đã bất chấp nguy hiểm. Sau khi đốn hạ, họ chỉ dùng gùi từng phách gỗ, mỗi người khoảng 60-70kg và len lỏi ra khỏi rừng từ nhiều hướng khác nhau khiến cho việc phát hiện, xử lý của cơ quan rất khó khăn”, ông Tuấn thừa nhận.

Cũng theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “lâm tặc” đua nhau vào rừng chặt phá gỗ pơ mu thời gian gần đây là giá của loại gỗ này trên thị trường ngày càng có giá trị. “Nếu như cách đây vài năm, mỗi m3 gỗ pơ mu chỉ có giá chưa đến chục triệu thì nay mỗi m3 đã lên đến hơn 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đời sống của của người dân trong vùng còn nhiều khó khăn, nguồn thu nhập của họ chủ yếu phụ thuộc vào rừng, dẫn đến việc lâm sản bị lén lút khai thác, đặc biệt là gỗ pơ mu. Có ngày, đơn vị phải huy động toàn bộ lực lượng để ngăn chặn cả hàng trăm người kéo nhau vào rừng khai thác lâm sản nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực”, ông Tuấn nêu.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, sau khi phát hiện việc phá rừng khai thác gỗ pơ mu trái phép thời gian gần đây, huyện đã chỉ đạo Công an phối hợp với Hạt Kiểm lâm cùng các đơn vị liên quan, xử lý kịp thời.

“Trước thực trạng trên, huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, chế biến, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép. Đồng thời, bố trí lực lượng mật phục tại các “điểm nóng”, truy bắt đối tượng vi phạm lâm luật, xác định đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ để điều tra, xử lý. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng đến đông đảo người dân, đặc biệt là những thôn, buôn ở gần rừng…”, ông Long cho biết thêm.

Từ thực tế trên cho thấy, tín hiệu của việc khai thác gỗ trái phép, nhất là gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA pơ mu này đã bị cánh “lâm tặc” xâm nhập trong quần thể Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Và đó là điều đáng lo ngại cho hàng cây gỗ pơ mu nơi đây có thể bị khai thác, tận diệt bất cứ lúc nào.

Có thể coi rừng gỗ pơ mu tự nhiên ở Chư Yang Sin là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp bảo vệ rừng nói chung và gỗ pơ mu nói riêng. Ðồng thời, xử lý thích đáng kẻ khai thác gỗ trái phép để bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.

Văn Thành
.
.
.