Những bài báo góp phần thay đổi số phận

Thứ Ba, 01/11/2016, 19:45
Từ nhiều năm qua, Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của những người gặp oan ức. Đã có những nỗi oan khuất được giải tỏa sau khi Báo CAND - Chuyên đề ANTG lên tiếng.

1. Một ngày cuối tháng 8/2008, một người đàn ông lạ gọi điện cho tôi. Anh tự giới thiệu là Vũ Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Anh Tâm bảo rằng biết tôi qua đọc những bài tôi viết về Công an xã đăng trên báo ANTG. Vì thế anh muốn nhờ tôi viết giúp anh về trường hợp một anh Phó Công an xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, dù hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã 9 năm mà không được hưởng chế độ gì.

Sau khi trình bày qua vụ việc, anh Tâm bảo với tôi: "Việc này nếu anh không giúp được thì tôi cũng không biết nhờ chỗ nào nữa".

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đến nhà chị Vũ Thị Việt. Đó là căn nhà xây 3 gian, mái bằng nằm ngay cạnh quốc lộ 2 nhưng đã lâu không được tu sửa nên cũ kỹ, mốc loang lổ. Chị vừa khóc vừa nói 9 năm qua chị đã làm đơn gửi rất nhiều cơ quan từ huyện, tỉnh tới Trung ương để đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh, nhưng chẳng có kết quả gì nên lần này chị nhờ “bác Tâm” tìm nhà báo và chỉ còn biết hy vọng báo Công an "nói hộ".

Nói rồi, chị đưa cho tôi một tập đơn và các loại văn bản do các cơ quan trả lời cùng bản án của tòa xét xử kẻ đã bắn chết anh Nguyễn Trọng Lập đêm 25-11-1999. Theo hồ sơ vụ án thì 21h đêm 25-11-1999, anh Lập nhận được tin báo tại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm và gia đình anh Nguyễn Văn Giáp (ở thôn 10, xã Tiêu Sơn) có một thanh niên mặc thường phục (sau này xác minh là Phạm Văn Quang, Thiếu úy chuyên nghiệp thuộc Trung đoàn 406 - Quân khu 2) đi vào nhòm ngó, sờ vào khóa cửa, đi lại quanh nhà, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Khi bị anh Giáp phát hiện, hỏi thì gã thanh niên không trả lời.

Khi anh Lập đến vẫn thấy Quang đứng đó. Anh Lập yêu cầu Quang về trụ sở Ủy ban xã làm việc. Nhưng Quang không chấp hành mà rút súng bắn anh Lập rồi bỏ chạy về đơn vị...

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên phạt Quang 20 năm tù về hai tội "giết người" và "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"... Sau khi có bản án, dù Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ đã làm hồ sơ gửi lên Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Lập nhưng không được chấp nhận với lý do "trường hợp chết của ông Lập chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ".

Suốt 9 năm trời, chị Việt không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá đơn gửi đi khắp nơi. Nhưng rồi tất cả chỉ trả lời chung chung hoặc chỉ dẫn gửi đơn sang một cơ quan khác.

Tháng 10/2008, phóng sự 2 kỳ "Nỗi niềm Công an xã" được đăng trên Chuyên đề ANTG. Sau khi báo đăng đã  nhận được sự phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng ở tỉnh Phú Thọ.

Tháng 12-2008, Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập. Tháng 2-2009, UBND tỉnh Phú Thọ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập.

Nhưng, đầu tháng 8-2009, anh Tâm điện cho tôi thông báo hồ sơ của anh Lập sau khi hoàn chỉnh ở tỉnh, đưa về Bộ LĐ-TB&XH thì lại tắc. Khi nghe tôi trình bày về trường hợp của anh Lập, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Thương binh, Liệt sĩ và Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), tư vấn trường hợp của anh Lập chỉ còn một cách, đó là làm thế nào để UBND tỉnh Phú Thọ có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH công nhận liệt sĩ và giải quyết chế độ cho anh Lập.

Nghe tôi báo lại, anh Tâm nhận lời ngay. Anh Tâm đã viết một lá thư gửi bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phụ trách mảng văn – xã. Ngoài bức thư, anh Tâm còn kẹp vào cả hai kỳ báo ANTG kèm theo lời nhắn "chị hãy bớt chút thời gian đọc hết bài báo này".

Sau đó, bà Hải yêu cầu cho kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của anh Lập. Ngày 27-10-2009, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập. Ngày 20-7-2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1238/QĐ-TTg công nhận liệt sĩ và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho anh Lập. Vậy là sau 11 năm chờ đợi, nỗi day dứt của 4 mẹ con chị Việt cùng cha, mẹ, anh, em của anh Lập đã được giải tỏa.

2. Nhưng, đây không phải là trường hợp duy nhất qua phản ánh của Báo CAND mới được công nhận liệt sĩ. Một trường hợp khác là nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý ở Hải Dương hy sinh sau 65 năm mới được công nhận liệt sĩ.

Nhà báo Cao Hồng, Phó trưởng Ban Pháp luật - Bạn đọc, kể lại, đầu năm 2013, Ban Pháp luật - Bạn đọc nhận được lá đơn của ông Nguyễn Xuân Thiệu, 67 tuổi, ở thôn Vũ Thượng, xã Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, gửi đơn đến Báo CAND để nhờ báo lên tiếng về trường hợp của người cô ruột vốn là một chiến sĩ điệp báo đã hy sinh hơn 60 năm nhưng không được công nhận liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Tý (tức Xề) sinh năm 1927. Năm 1947, bà tham gia công tác địch vận tại thôn Vũ Thượng (xã Ái Quốc khi đó là vùng tề). Tháng 12-1948, bà Tý được ông Vũ Đình Tăng, Công an quận Nam Sách tuyển chọn làm điệp báo viên. Qua công tác địch vận, Tý biết tên xếp bốt đồn Vạn Tải thích gái trẻ đẹp.

Được sự chỉ đạo của Công an quận Nam Sách, Tý vờ lấy tên xếp bốt để làm nội ứng, nhờ đó khi lực lượng ta đánh chiếm đồn thu được thắng lợi. Để làm tốt nhiệm vụ của một chiến sỹ điệp báo, bà Tý chấp nhận lấy Tây, chấp nhận mang tiếng xấu với dân làng. Cũng bởi hoạt động bí mật, lại thường xuyên ra vào đồn địch nên bà bị hiểu lầm là tay sai cho địch và bị thủ tiêu.

Trong lá đơn gửi Báo CAND, ông Thiệu kể rằng suốt mấy chục năm qua, điều mong mỏi nhất của cả đại gia đình là bà Tý được minh oan.

Sau 65 năm hy sinh và chịu tiếng oan theo giặc, bà Nguyễn Thị Tý đã được công nhận liệt sỹ.

Điều may mắn là trước đó, Công an tỉnh Hải Dương cũng đã rất kỳ công trong việc xác minh trường hợp của bà Tý. Vì vậy khi nhà báo Cao Hồng về làm việc với Công an tỉnh Hải Dương, các cán bộ ở đây đã cung cấp cả một báo cáo xác minh và khẳng định bà Nguyễn Thị Tý là người được tuyển chọn vào lực lượng Công an, bị thủ tiêu oan nên xứng đáng được khôi phục danh dự.

Sau khi thu thập đủ tư liệu, trong hai năm 2013-2014, Cao Hồng đã viết nhiều bài về trường hợp hy sinh của nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý. Trong đó đặt ra vấn đề các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để những người cống hiến cho Tổ quốc được tri ân và ghi nhận công lao.

Điều đáng mừng là sau khi báo đăng, cùng với sự vào cuộc tích cực của Công an tỉnh Hải Dương, năm 2015, sau 65 năm hy sinh và mang tiếng oan là theo giặc, bà Tý đã được công nhận liệt sỹ và là một trong 5 nữ liệt sĩ Công an tỉnh Hải Dương hi sinh qua các thời kỳ.

Một trường hợp nữa còn gian nan hơn trong việc thu thập hồ sơ cũng bắt đầu từ sự tình cờ. Năm 2007, nhà báo Cao Hồng được Phó Giám đốc Bảo tàng CAND Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu một di vật của một chiến sỹ cách mạng. Đó là bản phôtô bài viết “Căm thù” đăng số Xuân 1949 của nội san Rèn Luyện, tiền thân của Báo CAND ngày nay.

Bài báo viết về nữ chiến sỹ điệp báo Lê Thị Nguyệt của Công an quận 6 (nay là quận Hai Bà Trưng), Ty Công an Hà Nội. Chị Nguyệt bị mật thám Pháp bắt ngày 20-4-1948. Trong trại giam, chị bị bọn địch tra tấn hết sức dã man nhưng kiên quyết không khai. Sau 5 ngày bị tra tấn dã man, chị Nguyệt hy sinh ngày 25-4-1948 khi mới 26 tuổi và chưa có gia đình riêng…

Nhà báo Cao Hồng kể rằng sau khi đọc bài báo ấy, chị đã cất công tìm những đồng đội cũ của bà Nguyệt. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chị gặp được bà Vũ Thị Hải Phương, người đưa bà Nguyệt vào tổ chức. Bà cũng là người phân công công tác, tiếp nhận tin tức mật báo của bà Nguyệt.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), do chưa bị lộ và có mối quan hệ với gã Tây lai nên bà Nguyệt được đưa vào hoạt động nội gián. Tin tức bà thu thập được chuyển cho bà Phương. Thế nhưng, cùng thời điểm này ở Công an quận 6 có một người tên Hùng cùng quê với bà Nguyệt phản bội, báo mật thám bắt.

Nhà báo Cao Hồng kể lại: “Tôi lại liên hệ với Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội. Tại đây, tôi được hướng dẫn đến Công an quận Hai Bà Trưng. Ban chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng rất nhiệt tình ủng hộ. Tôi tập hợp những hồ sơ, tài liệu sưu tập được để bàn giao cho Công an quận Hai Bà Trưng. Hồ sơ đó đã được hoàn thiện gửi lên Cục Chính sách, Bộ Công an để gửi sang Bộ LĐ-TB&XH”.

Và cùng với sự tận tâm của nhiều cán bộ ở các đơn vị của Công an Hà Nội, Cục Chính sách, Bộ Công an, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ của bà Nguyệt đã hoàn tất. Ngày 26-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với đồng chí Lê Thị Nguyệt.

Còn nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh nhờ có Báo CAND phản ánh đã được giúp đỡ vật chất, được giúp tìm việc làm, được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa... Với chúng tôi, khi kết thúc một sự việc có hậu như thế, cùng với niềm vui thì cũng thấy nhẹ lòng khi làm được một việc nghĩa.

Sau khi thu thập đủ tư liệu, trong hai năm 2013-2014, nhà báo Cao Hồng đã viết nhiều bài về trường hợp hy sinh của nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý. Trong đó đặt ra vấn đề các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để những người cống hiến cho Tổ quốc được tri ân và ghi nhận công lao.

Điều đáng mừng là sau khi báo đăng, cùng với sự vào cuộc tích cực của Công an tỉnh Hải Dương, năm 2015, sau 65 năm hy sinh và mang tiếng oan là theo giặc, bà Tý đã được công nhận liệt sỹ và là một trong 5 nữ liệt sĩ Công an tỉnh Hải Dương hi sinh qua các thời kỳ.

Nguyễn Thiêm
.
.
.