Nhiều trẻ em nghèo ở nông thôn bị dụ dỗ đi lao động ở thành phố

Chủ Nhật, 28/06/2015, 10:15
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trẻ em nghèo ở nông thôn có độ tuổi từ 9-16 bị “cò” việc làm dụ dỗ đi lao động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Trong đó, có rất nhiều trường hợp sau khi đi làm đã bị mất liên lạc với gia đình hàng năm trời…

Theo sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng, chúng tôi tìm đến gia đình em Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi, trú xã Buôn Tría, huyện Lắk), một trong những trường hợp bị “cò” dụ dỗ đi làm rồi mất liên lạc với gia đình. Theo ông Nguyễn Đức Toản (chú ruột của Huệ) cho biết, hoàn cảnh của cháu Huệ rất đáng thương. Cha không được bình thường, mẹ bỏ nhà đi từ lâu nhưng 9 năm liền Huệ vẫn là học sinh khá hoặc giỏi.

“Do hoàn cảnh quá khó khăn, đang học dở lớp 9 thì cháu nó phải nghỉ học xuống Bình Dương làm thuê cho một cơ sở đèn cầy. Trong quá trình làm việc tại đây, Huệ có quen một phụ nữ. Khi cơ sở sắp hết việc, bà ta đã dụ dỗ Huệ đi Tây Ninh làm và cũng từ đó (hơn 9 tháng), gia đình không liên lạc được với cháu”, ông Toản lo lắng.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, em Trần Niê Khải (trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), khi đang học lớp 8 thì bị người lạ rủ rê vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Bà HDan Niê (mẹ của Khải) cho biết, hiện gia đình chỉ biết cháu đang làm việc tại Sài Gòn nhưng không rõ địa chỉ cụ thể. “Tôi đã nhiều lần gọi vào điện thoại của cháu nhưng không ai nghe máy. Không biết có chuyện gì xảy ra với nó không nữa”, bà HDan Niê lo lắng.

Không riêng gì trường hợp của gia đình bà HDan Niê, cũng tại xã Ea Phê, bà Hơng KCăm như đang “ngồi trên đống lửa” vì đứa cháu nội 13 tuổi của mình bị kẻ xấu dụ dỗ đi làm việc và mất liên lạc mấy tháng nay.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi biết người thân của mình bị lừa đi lao động ngoài tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, Sở đã phát hiện rất nhiều đối tượng “cò” lao động đến hoạt động trên địa bàn. “Chỉ riêng tại huyện Cư Kuin, chúng tôi phát hiện 20 người chuyên đến vùng sâu, vùng xa để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em đi làm. Mỗi lần tìm được một em, “cò” sẽ được cơ sở nhận làm trả công từ 1-1,5 triệu đồng. Sở đã yêu cầu họ cam kết không tái phạm và sẽ tiếp tục phối hợp với Công an làm rõ các đối tượng còn lại”, bà Khanh khẳng định.

Cũng theo bà Khanh, sau khi đến các thành phố, trẻ thường bị chủ cơ sở bóc lột sức lao động thậm tệ, điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi không bảo đảm, môi trường làm việc thì độc hại. Điều đáng lo là hầu hết các gia đình không biết rõ việc làm cũng như địa chỉ cụ thể của con em mình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị bắt cóc hoặc sa vào các hoạt động buôn bán ma túy, bị xâm hại tình dục... “Mới đây, 2 bé gái ở huyện Lắk khi đi làm ở TP Hồ Chí Minh về đã bị kẻ xấu xâm hại đến mang thai và phải về nhà để chờ sinh con”, bà Khanh lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các tổ chức, cá nhân môi giới tuyển dụng lao động trẻ em ở Đắk Lắk đều hoạt động trái quy định của pháp luật. Phần lớn đều không có hợp đồng lao động hợp pháp, tuyển dụng cả trẻ từ 9 đến dưới 15 tuổi. Các bản hợp đồng lao động cho thấy trẻ phải làm việc 12-15 giờ mỗi ngày, 2 năm mới được thanh toán tiền công, nếu bỏ ngang thì phải bồi thường cho chủ.

Trong một số hợp đồng lao động mà cơ quan chức năng cung cấp cho chúng tôi, chủ cơ sở thường bắt trẻ làm việc ít nhất 12 giờ/ngày và trả công khoảng 18 triệu đồng trong vòng 2 năm. Tính ra, mỗi em làm một ngày chỉ được trả 25.000 đồng. Bên cạnh đó, các hợp đồng lao động không quên điều khoản: “Trẻ phải bảo đảm công việc cho chủ cơ sở, không được tự ý bỏ đi; nếu nghỉ ngang sẽ không được thanh toán tiền công, phải bồi thường tiền xe...”.

Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Để ngăn chặn, giải quyết kịp thời, triệt để tình trạng trên, các cấp, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh. Ưu tiên các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho những xã khó khăn, nhất là tạo điều kiện cho những gia đình nghèo có trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động xa nhà có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tiếp tục cho con em đến trường học tập. Quan tâm bố trí kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở để phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc rà soát, nắm bắt thông tin tình hình trẻ em, báo cáo, hỗ trợ ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương…
Văn Thành
.
.
.