Nhiều thách thức với các nhà khoa học nữ

Thứ Tư, 19/09/2018, 18:08

Nếu các nhà khoa học nam phải cố gắng một để thành công, thì các nhà khoa học nữ còn phải nỗ lực gấp nhiều lần. Vì họ còn gặp rất nhiều rào cản trong thực hiện ước mơ sáng tạo của mình. Đó là một nội dung quan trọng của hội thảo “Phụ nữ trong hoạt động KH&CN” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19-9.



Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đều đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế -xã hội và mong muốn có nhiều chính sách động viên họ không ngừng có những sáng tạo mới, ứng dụng vào cuộc sống.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN 

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi -Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết thực trạng về cán bộ khoa học nữ hiện nay: Về xuất bản phẩm trong nước, tỉ lệ nữ ngang bằng nam giới, nhưng ở các công trình lớn và xuất bản quốc tế, nữ ít hơn. Số nhà khoa học nữ thành thạo ít nhất một ngoại ngữ không cao; năng lực hội nhập quốc tế và khả năng tư vấn phản biện chính sách mới chỉ có ở một bộ phận cán bộ. Những vấn đề này dẫn đến nữ ít cơ hội hơn trong việc làm chủ nhiệm các đề tài khoa học, hạn chế khả năng sáng tạo.

“Trong bối cảnh chưa có những dịch vụ thiết thực hỗ trợ gia đình thì những ràng buộc tình cảm và những âu lo về con cái là rào cản đáng kể mà không phải phụ nữ nào cũng vượt qua được trên bước đường phấn đấu sự nghiệp. Ngoài ra, còn có những  thách thức từ thể chế khi nhóm phụ nữ chất lượng cao phải đối mặt như thiếu hụt hệ thống chính sách và dịch vụ hỗ trợ, giám sát sự thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ. Một số hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới quá đề cao sự nghiệp của phụ nữ mà chưa chú ý nhiều về những dịch vụ xã hội hỗ trợ gánh nặng chăm sóc và việc nhà cho phụ nữ”- PGS.TS. Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hà,  Phó Vụ trưởng Vụ KHXH và Tự nhiên (Bộ KH&CN) chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế để khắc phục tình trạng trên: UNESCO có một chương trình riêng cho phụ nữ là Phụ nữ trong khoa học. Trao Giải thưởng khoa học UNESCO – L’Oreal cho nữ và các học bổng nghiên cứu quốc tế cho các nhà khoa học nữ tài năng. Việt Nam đã có 2 nhà khoa học nữ Việt Nam được trao học bổng nghiên cứu cho nhà khoa học nữ tài năng năm 2015 và 2018 là TS. Trần Hà Phương Liên và TS. Nguyễn Thị Hiệp. UNESCO cũng đã đưa ra kế hoạch hành động ưu tiên bình đẳng giới giai đoạn 2014-2021 và chương trình SAGA nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và giảm sự cách biệt giới trong các lĩnh vực.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước và các tổ chức khoa học quốc tế rất quan tâm đến việc hỗ trợ phụ nữ tham gia vào hoạt động KH&CN và có nhiều chính sách cụ thể, thông qua các hình thức: giải thưởng cho nhà khoa học nữ xuất sắc; chương trình học bổng dành cho nhà khoa học nữ; nâng giới hạn tuổi cho nhà khoa học nữ, cho phép gia hạn đề tài do nghỉ thai sản; lồng ghép về cân bằng giới trong các quy định về nhiệm vụ KH&CN. Đây là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam để xây dựng những chính sách cho các nhà khoa học nữ Việt Nam” - TS. Nguyễn Thị Thanh Hà lưu ý.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Tại hội thảo, các nhà khoa học nữ điển hình trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế đã có các tham luận chia sẻ kinh nghiệm: PGS.TS.  Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA; TS. Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu Nano Y sinh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu; PGS.TS. Lê Mai Hương (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Thủy- Trường Đại học Công Nghệ Giao thông vận tải.



Thanh Hằng
.
.
.