Nhiều công nhân mong mỏi sống được bằng lương

Thứ Bảy, 22/06/2019, 23:44
Trong khi đa số công nhân, người lao động cuộc sống đang đối mặt với không ít khó khăn do đồng lương eo hẹp thì tại các kỳ họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm nào cũng vậy, đại diện cho chủ sử dụng lao động luôn kỳ kèo “bớt một thêm hai”.

Tại kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa diễn ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới doanh nghiệp tiếp tục đề xuất phương án không tăng lương tối thiểu vùng 2020. Chừng nào người lao động chưa sống được bằng lương thì khó có thể đòi hỏi nâng cao năng suất lao động và gắn bó cùng doanh nghiệp.

Khó sống nếu không làm thêm

Hiện cả hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyền đều đang là công nhân da giày tại Cụm công nghiệp Trực Ninh- Nam Định. Mức lương được công ty chi trả bằng đúng mức lương tối thiểu, cộng thêm các khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập được khoảng gần 4 triệu đồng/người.

Nếu không có làm thêm, lương hai vợ chồng khoảng gần 8 triệu đồng (bao gồm lương và các khoản phụ cấp) thì không đủ sống. Tính bình quân cả làm thêm hai vợ chồng thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Hiện tại chúng em thuê nhà trọ, chi phí hàng tháng 2 vợ chồng và 2 con thực sự là phải siêu tiết kiệm, chắt chiu. Chi phí sinh hoạt bao gồm tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua đồ dùng cần thiết và hàng tá loại chi phí không tên khác, nếu mình không chú ý và “kỹ tính” thì dễ bị thâm hụt “ngân sách” hàng tháng của gia đình”, anh Tuyền chia sẻ.

Làm công nhân may ở KCN Quang Minh (Hà Nội), nơi có mức lương tối thiểu vùng cao nhất nhưng tổng thu nhập hàng tháng của chị Phan Thị Hiên cũng chỉ đạt 5,5 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, vật giá tăng rất nhanh, xăng tăng, điện tăng nhưng lương lại tăng chậm. Với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng, lo cho bản thân đã khó nói gì nuôi con hay phụ giúp gia đình. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị khác phải cật lực tăng ca mới đủ sống. Những người làm ở các doanh nghiệp ít đơn hàng, ít tăng ca, phải đi làm thêm như chạy xe ôm công nghệ, phụ bán quán ăn, lãnh hàng về nhà may gia công, bán hàng chợ đêm... Chúng tôi phải cố gắng làm mọi cách để sống, nên thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng ít đi. Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần rất nghèo nàn”, chị Hiên tâm sự.

Do đó, mỗi lần Hội đồng tiền lương Quốc gia họp bàn tăng lương tối thiểu vùng mọi thông tin được những lao động như chị Hiên theo dõi rất kỹ. “Vì thế, tôi và rất nhiều anh chị em công nhân mong mỏi Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét, điều chỉnh mức nâng lương tối thiểu phù hợp để công nhân chúng tôi sống được bằng lương”, chị Hiên nói.

Gần 70% công nhân dệt may, da giày cho biết tiền lương không đủ trang trải cuộc sống.

Tiếp tục lỗi hẹn?

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) thì đời sống công nhân hiện nay dù đã có những cải thiện nhưng đa số vẫn đang rất khó khăn. Ông Quảng cho biết, theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN thì hiện nay có đến 69% công nhân dệt may, da giày… cho biết tiền lương không đủ để trang trải cuộc sống; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng; 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Theo ông Quảng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “tín dụng đen” hoành hành ở những nơi tập trung đông công nhân các KCN thời gian qua chính là xuất phát từ việc đời sống của người công nhân rất khó khăn, phải vay nợ, tác động rất xấu đến đời sống công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, gần 70% số công nhân khi khảo sát được hỏi cho biết hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi chơi, thăm bạn bè vì họ thường xuyên phải làm thêm giờ.

Đặc biệt, khi chúng tôi đi khảo sát, rất ngỡ ngàng khi có đến 20% người lao động trả lời rằng với thu nhập như hiện nay, họ không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con. Điều đấy nói lên dù đời sống công nhân đã được cải thiện nhưng so với nhu cầu tối thiểu thì chưa thể đáp ứng", ông Quảng cho biết. Do đó, theo ông Quảng, năm 2020 lương tối thiểu vùng phải tăng theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN ở mức 7,06- 8,16%, còn nếu không tăng theo đề nghị của VCCI thì chắc chắn đời sống của người lao động sẽ rất gian nan.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động- Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cho rằng, về nguyên tắc phương án tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo đủ phần thiếu hụt nhu cầu sống tối thiểu. Theo mục tiêu Đề án Cải cách chính sách tiền lương hiện hành, mức tăng lương tối thiểu vùng đạt được vào năm 2020 là khoảng 8,7% phần bù thiếu hụt nhu cầu sống tối thiểu, cộng với bù trượt giá ở mức khoảng 4% thì mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 phải là 12,7%. Nhưng mức tăng này là khá cao so với năm 2019 (gấp 2,4 lần).

Phương án lùi thấp nhất có thể tăng 7,7% (trong đó bù trượt giá là 4% và bù thiếu hụt đảm bảo mức sống tối thiểu là 3,7%). Như vậy nếu theo phương án này, mục tiêu năm 2020 tiền lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, người lao động sẽ tiếp tục phải lỗi hẹn.

Người lao động vẫn đang mòn mỏi vì giấc mơ sống được bằng lương. Doanh nghiệp thì lúc nào cũng khẳng định người lao động là vốn quý của doanh nghiệp nhưng trên bàn đàm phán lại luôn kỳ kèo “bớt một thêm hai”. Có một thực tế không thể phủ nhận là trong những năm qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có nhiều nỗ lực cải thiện tiền lương cho người lao động, nhưng cũng không thể phủ nhận việc hiện nay đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp vẫn rất khó khăn.

Phan Hoạt
.
.
.