Nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án phát triển rừng ven biển, đầm phá

Thứ Ba, 06/10/2020, 07:52
Quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển rừng ven biển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã để xảy ra nhiều bất cập, sai sót, nhiều diện tích rừng sau khi được trồng bị chết…

Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế có mục đích bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá nhằm hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã để xảy ra nhiều bất cập, sai sót, nhiều diện tích rừng sau khi được trồng bị chết…

Tìm hiểu được biết, dự án trên được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-UBND ngày 29-8-2015, với tổng mức đầu tư 110,5 tỷ đồng do Chi cục Kiểm lâm, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư. Dự án có 4 lần điều chỉnh, kéo dài đến năm 2024 và đầu tư thực hiện tại 5 huyện, thị xã ven biển và đầm phá, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà.

Đến thời điểm hết năm 2018, việc xây dựng các công trình phụ trợ lâm sinh đã hoàn thành; khoán bảo vệ rừng 4.601,33ha (đạt 92%); trồng rừng mới 416,64ha; trong đó chủ đầu tư dự án thực hiện trồng rừng trên cát 255ha (đạt 85,6% phê duyệt ban đầu, 95,4% phê duyệt điều chỉnh), trồng rừng ngập mặn 120,44ha (đạt 73,3% phê duyệt ban đầu, 95,6% phê duyệt điều chỉnh), trồng rừng ngập ngọt 41,2ha (đạt 36,2% phê duyệt ban đầu, 65,9% phê duyệt điều chỉnh). Hiện một số điểm trồng rừng cây phát triển khá tốt, có khả năng sẽ thành rừng theo đúng mục tiêu dự án.

Tuy nhiên, mới đây qua công tác thanh tra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm rõ và kết luận dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên-Huế còn nhiều tồn tại bất cập, sai sót.

Cụ thể, công tác lập, thẩm định và tham mưu đề xuất phê duyệt dự án đầu tư không đúng bố cục, biểu mẫu, chi phí dự phòng; một số hạng mục được đầu tư chưa phù hợp với mục tiêu của dự án. Quy hoạch dự án trồng rừng tại thời điểm lập dự án ngoài diện tích quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo số liệu quy hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2009 đến 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp chưa có rừng là 651,4ha. Trong đó, tại huyện Quảng Điền diện tích chưa có rừng là 84,7ha; nhưng dự án quy hoạch trồng rừng (trên cát, ngập ngọt, ngập mặn) là 158,6ha, diện tích nằm ngoài quy hoạch 73,9ha; thị xã Hương Trà có 9,7ha chưa có rừng nhưng dự án quy hoạch trồng rừng 124,3ha, nằm ngoài quy hoạch 114,6ha. Bên cạnh đó, dự án không thu thập thông tin chính xác dẫn đến trùng diện tích với dự án khác; hoặc diện tích đã giao cho hộ gia đình, tổ chức trước đó nên phải điều chỉnh nhiều lần.

Việc lập dự án trồng rừng tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) chưa phù hợp với Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh. Theo hồ sơ dự án, đây là vùng cát ven biển đã trồng phi lao bởi một dự án khác, mật độ còn lại tại thời điểm lập dự án khoảng 550 cây/ha. 

Đối chiếu với Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg thì phải thực hiện khoanh nuôi tái sinh có tác động nhưng chủ đầu tư lại lập dự án trồng bổ sung nâng cấp chất lượng rừng với mật độ 1.100 cây/ha.

Cây tại khu vực dự án trồng rừng trên cát ven biển thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, bị chết để lại bãi đất trống.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế còn chỉ ra các sai phạm khác tại dự án này như các gói thầu trồng rừng được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu “đặt hàng” với loại hợp đồng “trọn gói”, không tuân thủ Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn và Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích. 

Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu không đúng thẩm quyền quy định; bản vẽ thiết kế thi công không đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán không đúng hồ sơ thiết kế, định mức đơn giá quy định dẫn đến tăng giá trị xây lắp với số tiền hơn 655 triệu đồng, cần phải giảm trừ khi quyết toán.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Việc chọn nhà thầu thi công trồng rừng không đảm bảo điều kiện năng lực chuyên môn, kinh nghiệm. Thiết kế trồng rừng với diện tích, công thức trồng không đúng với thiết kế cơ sở của dự án được duyệt; nghiệm thu trồng rừng và chăm sóc rừng khi chưa đủ thời gian; thực hiện không đúng với quyết định; chậm triển khai trồng rừng ngập mặn dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc theo hồ sơ thiết kế được duyệt…

Điều đáng nói, khi triển khai trồng rừng trên cát ven biển vào năm 2015, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi diện tích giữa các huyện, không đúng với quyết định phê duyệt. Cụ thể như huyện Phú Lộc phê duyệt 84,9ha nhưng chỉ thực hiện trồng 13,8ha (đạt 16,25%); huyện Phú Vang không có diện tích trồng nhưng đã thực hiện trồng 43,1ha; huyện Phong Điền phê duyệt 91,3ha, nhưng tổ chức trồng với diện tích 102,1ha (vượt 11,8%).

Cuối năm 2016, dự án này triển khai trồng 9ha rừng dương (phi lao) tại khu vực bờ biển ở tổ dân phố Hải Tiến và Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Tuy nhiên sau khi trồng thì ngoại trừ khu vực gần cửa biển, một phần diện tích rừng bị chết, dù đã trồng lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn dải cát trống.

Kiểm tra thực tế ngẫu nhiên tại 2 lô trồng cây tràm Úc từ năm 2018 tại xã Quảng Thái, đoàn thanh tra phát hiện có nhiều khu vực với diện tích rộng cây chết cục bộ; trong 18,7ha cây tràm Úc trồng năm 2016 tại xã Điền Hương, qua kiểm tra hầu hết diện tích trồng rừng không có cây, chỉ có một vài cây thưa thớt ở một số nơi. 

Theo trình bày của chủ đầu tư và đơn vị thi công, do hạn hán nên cây đã chết. Tuy nhiên kiểm tra hồ sơ cho thấy cuối năm 2018, chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu chăm sóc rừng (năm thứ 2) trên diện tích 18,7ha với số cây đạt hơn 90%.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, đại diện chủ đầu tư dự án lý giải: “Khi lập dự án, đơn vị căn cứ vào bản đồ diễn biến tài nguyên rừng, xác định từng vùng cần được trồng rừng để đưa vào dự án. Đến khi thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn thì mới quy hoạch vào đất lâm nghiệp. Vì thế mới có sự điều chỉnh diện tích rừng trồng để phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Quá trình thực hiện dự án, đơn vị đã nỗ lực chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng với điều kiện tốt nhất có thể. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nên một số diện tích rừng đã bị chết. Đây là nguyên nhân khách quan và đơn vị đã có báo cáo gửi Sở NN&PTNT tỉnh để Sở báo cáo Bộ NN&PTNT. Đồng thời đề xuất, khi nào có nguồn kinh phí phù hợp sẽ tiến hành trồng lại các diện tích rừng này”.

Với những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá như trên, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị đơn vị chủ đầu tư chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm; yêu cầu đơn vị thi công trồng lại 18,7ha trồng rừng ngập ngọt tại xã Điền Hương do cây đã chết; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc các diện tích rừng trồng cây chưa phát triển tốt. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các sở, ngành liên quan có biện pháp khắc phục sai sót, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Anh Khoa
.
.
.