Gia cầm giống nhập lậu tăng mạnh qua biên giới:

Nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh

Thứ Hai, 06/07/2015, 10:20
Liên tiếp trong tháng 5 và 6/2015, các vụ bắt giữ gia cầm giống qua biên giới tỉnh Quảng Ninh tăng vọt. Các đầu nậu thuê xe tải để vận chuyển chủ yếu vào ban đêm; ban ngày thì đi vào tầm trưa, chiều tối với số lượng ngày một lớn, lên tới hàng chục nghìn con. Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, gia cầm giống nhập lậu tăng mạnh ở các tỉnh biên giới phía Bắc trong 6 tháng qua. Mối ẩn họa về lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm nuôi trong nước là rất lớn.

Gà giống nhập lậu tăng mạnh, nỗi lo về dịch bệnh

Quy luật của đầu nậu khi thuê người vận chuyển gia cầm giống vào nội địa thường đi ban đêm khi có ít lực lượng kiểm tra để dễ dàng trót lọt. Chính vì thế mà khi tiếp cận với các trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh chúng tôi được biết, hầu hết các chuyên án đều được làm vào ban đêm. 

Trong tháng 5 và tháng 6/2015, tại vùng biên Móng Cái, liên tiếp các xe tải chở gia cầm giống xuất phát đi vào nội đia bị các lực lượng chức năng bắt giữ.

Hơn 15 nghìn con gia cầm giống bị lực lượng Hải quan Quảng Ninh thu giữ tháng 6/2015.

21h ngày 4/6, sau khi tập kết lượng gia cầm giống khổng lồ lên xe tải BKS 34C- 029.50 ở km16, TP Móng Cái, Bùi Văn Chung, trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bắt đầu cho xe lăn bánh. Vừa đi được một đoạn thì xe bị dừng kiểm tra. Lật tấm bạt bên trên để một số đồ gia dụng là các lồng nhựa chứa đầy gà con. 

Qua kiểm đếm có tới 9.900 con gà giống đang ngủ. Bùi Văn Chung không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc cũng như kiểm dịch động vật của số gia cầm trên. Sau một hồi quanh co, lái xe này khai nhận, số gà giống này là của Trung Quốc, anh ta được một người đàn ông thuê chở về TP Hải Phòng để tiêu thụ với tiền công là 1,5 triệu đồng. 

Sử dụng xe ôtô con, ôtô du lịch, xe chở kem đông lạnh để vận chuyển gia cầm giống là những thủ đoạn nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Theo Đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về môi trường (Bộ Công an) thì đối tượng còn dùng thủ đoạn vận chuyển trứng sắp nở về Việt Nam. Có vụ cơ quan Công an tạm giữ 5.000 quả trứng, chỉ sau một đêm nó đã nở ra 5.000 con gà con.

Gần 10 nghìn con gà giống bị Công an tỉnh Quảng Ninh thu giữ tại Móng Cái.

Qua trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT nhận định: tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn còn diễn ra tại Quảng Ninh, đặc biệt tại trong tháng 5 và tháng 6/2015 mặc dù số vụ giảm song quy mô từng vụ lại tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh bắt giữ 11 vụ với 92.680 con gia cầm giống, tăng 247% so với cùng kỳ; 3 vụ với 3.264 con gia cầm thịt, tăng 546% và 4 vụ với 14.500 quả trứng, tăng 182% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 5 và 6 đã bắt giữ 9 vụ gia cầm giống nhập lậu với 82.790 con. 

Cục Thú y khẳng định: “Đa số các vụ nhập lậu gia cầm lọt lưới từ vùng biên giới đi sâu vào nội địa cũng bị các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 địa phương tuyến trong bắt giữ, xử lý”. Chị Bùi Thị Bích, chủ một trang trại gia cầm ở phường Đại Yên, TP Hạ Long lo lắng: “Nếu mua phải gia cầm giống Trung Quốc mà làm lây bệnh sang đàn gà đang nuôi thì thua lỗ hết”.

Giá rẻ là nguyên nhân nhập lậu tăng

Theo đánh giá của Cục Thú y thì 6 tháng đầu năm 2015 số lượng gia cầm giống nhập lậu tăng mạnh từ 38.972 con năm 2014 lên đến 93.144 con trong 6 tháng đầu năm 2015. Số vụ bị bắt giữ tăng từ 16 vụ lên 20 vụ. Điều này cho thấy các đầu nậu có quy mô lớn hơn, tổ chức tốt hơn, tinh vi hơn, số lượng mỗi lô hàng nhập lậu vận chuyển nhiều hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhập lậu gia cầm giống, nhưng theo nhận định của Cục Thú y (trên cơ sở báo cáo của các Chi cục Kiểm dịch động vật tại cửa khẩu) thì do gia cầm giống Trung Quốc rẻ hơn ở trong nước; số lượng gia cầm giống sản xuất trong nước có thể chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu của thị trường. 

Dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 luôn là nỗi hoảng sợ của người chăn nuôi, vì vậy việc gia cầm giống nhập lậu không được kiểm dịch động vật, khi vào trong nước nếu mang mầm bệnh thì sẽ trở thành đại dịch cúm gia cầm. Đây là mối lo ngại lớn nhất đến sự an toàn, năng suất, chất lượng của gia cầm trong nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Đại tá Phạm Văn Bình cũng đưa ra nhận định, khi gia cầm giống trong nước giá cao, ắt là lúc gia cầm nhập lậu tăng. Mỗi con gia cầm giống Trung Quốc rẻ hơn từ 2.000 – 3.000đ so với giống trong nước, đây là món hời béo bở để nhập lậu. Theo quy định, vận chuyển dưới 50 con gia cầm thì không kiểm dịch thú y. Lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới, các đầu nậu thuê người dân xách gia cầm chỉ mang 48 con và khoán đến sản phẩm cuối cùng, mất thì phải đền tiền. Giải pháp nào để ngăn ngừa dịch bệnh tràn qua biên giới từ những con gia cầm giống này? 

Theo lãnh đạo Cục Thú y thì lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan phải ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu, nơi xuất phát (nếu làm tốt khâu này thì tình hình nhập lậu sẽ giảm từ 70-80%). Đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho cư dân biên giới hiểu mối nguy hại của việc nhập lậu và buôn bán bất hợp pháp gia cầm. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát vận chuyển hàng lậu khi lọt lưới biên giới đi sâu vào nội địa và xử lý nghiêm các đầu nậu để có tính răn đe.

Trần Hằng
.
.
.